FDI Australia tại Việt Nam: Những yếu tố chưa thuận lợi của môi trường kinh doanh Việt Nam

05/01/2022    162

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố chưa thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư của Australia nói riêng. 

Theo Khảo sát doanh nghiệp hàng năm của Auscham ASEAN 3 năm gần đây nhất (2019,2020, 2021) các thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp Australia đang hoạt động tại Việt Nam gặp phải phố biến là: Tình trạng tham nhũng, quan liêu của các cơ quan chính quyền, Hệ thống thuế còn nhiều vấn đề, Thiếu lao động trình độ cao, Nhiều hành vi cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường, và Yếu kém trong thực thi pháp luật.

Khảo sát sâu của Nhóm nghiên cứu cuối năm 2021 cũng cho kết quả tương tự. Cụ thể, 03 yếu tố của môi trường đầu tư Việt Nam được các nhà đầu tư Australia chấm điểm thấp nhất (từ điểm 5 trở xuống trong thang điểm 10) – tức là còn nhiều vấn đề gây khó khăn, phiền hà cho hoạt động của doanh nghiệp bao gồm: Thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước, Việc kiểm soát hối lộ và tham nhũng, và Hiệu quả thực thi pháp luật. Ngoài ra, một số yếu tố hạn chế khác cũng được đề cập đó là: Cơ sở hạ tầng, Mức độ sẵn có của các ngành công nghiệp hỗ trợ, Hệ thống thuế, và Các Chính sách và Quy định về đầu tư.

Hình 1: Các yếu tố của môi trường kinh doanh Việt Nam bị doanh nghiệp FDI Australia đánh giá thấp*

Thủ tục hành chính 

Với việc thực hiện Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về cải cách hành chính. Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, thủ tục hành chính tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế gây phiền hà và ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài và làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. 

Theo kết quả Điều tra PCI 03 năm qua (2018-2020), tốp 05 thủ tục hành chính gây phiền hà nhất với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam luôn có mặt các thủ tục sau: Xuất nhập khẩu, Thuế phí lệ phí, Phòng cháy chữa cháy, Bảo hiểm xã hội, và Đăng ký đầu tư-thành lập doanh nghiệp. Riêng đối với các doanh nghiệp Australia, ngoài 05 thủ tục trên cũng được đề cập nhiều (mặc dù có sự chênh lệch về tỷ lệ và thứ hạng qua từng năm), một thủ tục khác cũng được tỷ lệ cao doanh nghiệp phản ánh trong 03 năm qua đó là thủ tục về Bảo vệ môi trường. 

Năm 2020, có đến 50% số doanh nghiệp FDI Australia phản hồi khảo sát cho rằng thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường là một trong những thủ tục gây nhiều phiền hà nhất cho họ. Tuy nhiên, khi so sánh với phải hồi của các doanh nghiệp FDI đến từ các nước khác thì không có nhiều doanh nghiệp phản ảnh vấn đề này. Chẳng hạn như đối với Đức và Hoa Kỳ là hai nước có trình độ phát triển tương tự như Australia, tỷ lệ doanh nghiệp FDI của họ tại Việt Nam phản hồi đồng ý về vấn đề này chỉ chiếm lần lượt là 10% và 12%. Còn các nước cùng là thành viên CPTPP như Singapore và Nhật Bản thì tỷ lệ này cũng chỉ lần lượt là 12% và 14%. Một phần nguyên nhân của thực trạng này có thể là do những năm gần đây có nhiều doanh nghiệp Australia đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp – lĩnh vực đầu tư có nhiều thủ tục hành chính liên quan đến nguồn đất, nguồn nước, và các yếu tố về môi trường khác. 

Hình 2: Các thủ tục hành chính gây phiền hà nhất cho các doanh nghiệp FDI Australia giai đoạn 2018-2020

Theo Khảo sát sâu của Nhóm nghiên cứu, nhiều doanh nghiệp Australia cũng phản ánh các thủ tục hành chính là một trong ba yếu tố của môi trường đầu tư Việt Nam có tác động bất lợi nhất đối với hoạt động kinh doanh của họ trong 3 năm vừa qua. Mặc dù không nêu cụ thể các thủ tục hành chính nào gây phiền hà nhất nhưng các doanh nghiệp phản hồi đã đưa ra các vấn đề khiến họ thấy phiền hà. Một số không hài lòng với quá nhiều thủ tục “bằng giấy”, “bằng tay”, và “bằng dấu” của các cơ quan hành chính Việt Nam, từ hợp đồng đến hóa đơn, đến chứng từ Visa, hồ sơ cư trú... đều phải thực hiện thủ công khiến họ mất nhiều thời gian và công sức. Một số cho rằng các thủ tục hành chính quá nhiều và rườm rà, quy định mơ hồ không rõ ràng, trong khi cán bộ nhà nước lại không nhiệt tình hướng dẫn, không giải thích rõ ràng. Cũng có doanh nghiệp phản ánh về quy trình làm việc cồng kềnh của các cơ quan nhà nước, nhiều cán bộ/bộ phận xử lý thủ tục hành chính chưa cởi mở với doanh nghiệp nước ngoài, đùn đẩy trong xử lý công việc và thời gian trình cấp trên kéo dài. 

Tình trạng tham nhũng

Theo Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI)hàng năm của Tổ chức Minh bạch quốc tế, xếp hạng của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện đáng kể trong những năm qua. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 104/180 nước trên bảng xếp hạng PCI với số điểm chỉ đạt 36/100 điểm, giảm 1 điểm so với năm 2019. Đáng chú ý, điểm CPI của Việt Nam còn thấp hơn đáng kể so với điểm trung bình của khu vực ASEAN (42/100). Trong một số diễn đàn, đối thoại đầu tư nước ngoài như Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) hàng năm, vấn đề kiểm soát tham nhũng của Việt Nam cũng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài nêu quan ngại. 

Trong khi đó, theo các Điều tra PCI hàng năm của VCCI, đánh giá của các doanh nghiệp FDI về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam đã được cải thiện qua các năm. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp FDI cho rằng các cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ quy định chỉ để đòi hỏi chi phí không chính thức từ doanh nghiệp đã giảm từ khoảng 60% các năm 2014, 2015 xuống còn xấp xỉ 35% năm 2020. Tỷ lệ các doanh nghiệp FDI phải bỏ ra trên 5% doanh thu hàng năm cho các khoản chi phí không chính thức hàng năm đã giảm từ mức 6,4% năm 2015 xuống còn từ khoảng 2,1% năm 2020.

Các khía cạnh kinh doanh phải chịu nhiều chi phí không chính thức nhất theo Điều tra PCI năm 2020 là: Giải quyết thủ tục hành chính (54 %), Đấu thầu (40%), Thanh tra – kiểm tra (32%), Thủ tục đất đai (28%).

Với các doanh nghiệp FDI Australia tại Việt Nam, Điều tra PCI 3 năm 2018-2020 đều cho kết quả không có doanh nghiệp nào (0%) phải chi ra đến trên 5% doanh thu hàng năm cho các khoản chi phí không chính thức – đa số (trên 70%) các doanh nghiệp chỉ mất dưới 1% doanh thu hàng năm cho các chi phí này. Năm 2020, tỷ lệ các doanh nghiệp Australia tại Việt Nam chi dưới 1% cho các khoản không chính thức tương đối cao - 83,3%, cao hơn so với các doanh nghiệp từ các quốc gia khác như Đức (71,4%), Hoa Kỳ (82,6%), Singapore (75,4%) và Nhật Bản (78,6%).

Hình 3: So sánh tỷ lệ chi phí không chính thức phải trả hàng năm bởi doanh nghiệp FDI của Australia và của một số nước khác

Như vậy dường như các doanh nghiệp FDI Australia mất ít chi phí không chính thức hơn so với các nhà đầu tư FDI khác tại Việt Nam cho các hoạt động kinh doanh của mình. Điều này có thể là do đa số các doanh nghiệp FDI Australia tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ - lĩnh vực ít chịu các gánh nặng thanh tra kiểm tra hơn các lĩnh vực khác và do đó cũng phát sinh ít chi phí không chính thức hơn. Ngoài ra, cũng có thể các doanh nghiệp Australia ít có thói quen bỏ chi phí không chính thức cho các hoạt động liên quan để đẩy nhanh giải quyết công việc mà tuân thủ theo đúng quy trình thủ tục của nhà nước.

Đi sâu tìm hiểu thực trạng sử dụng các khoản chi không chính thức của các doanh nghiệp FDI Australia, Khảo sát sâu của Nhóm nghiên cứu cho thấy khoảng 1/3 số doanh nghiệp phản hồi cho biết tham nhũng là một trong 3 yếu tố ảnh hưởng tiêu cực nhất đến hiệu quả hoạt động của họ trong vòng 3 năm trở lại đây. Có doanh nghiệp phản ánh “Bất kể quy trình nào, từ đăng ký ban đầu đến các điều chỉnh sau này đều gặp tình trạng thiếu sự hỗ trợ của các cán bộ nhà nước, muốn thực hiện được thì phải trả chi phí không chính thức ở mỗi bước, và việc này sẽ không khuyến khích được các nhà đầu tư bỏ vốn để đầu tư tại Việt Nam”. Một doanh nghiệp đề xuất cần có chế tài hoặc chính sách hỗ trợ cho cán bộ nhà nước để có mức lương tốt hơn thì sẽ giảm được tình trạng thu phí không chính thức. Một đề xuất khác cho rằng cần phải tăng cường tính minh bạch trong hệ thống quy định và thủ tục hành chính thì mới giảm được tình trạng tham nhũng….

Lao động chất lượng cao

Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ là một trong những lợi thế của Việt Nam và cũng là một trong những yếu tố tích cực nhất với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Australia, được khẳng định trong nhiều khảo sát đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, “dồi dào” ở đây chủ yếu là các lao động phổ thông, tay nghề thấp, như công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp. Còn đối với các lao động chất lượng cao như kỹ sư, chuyên gia, quản lý…, theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam nói chung và các nhà đầu tư Australia nói riêng thì lực lượng này còn rất hạn chế và thậm chí là một trong những điểm trừ của môi trường đầu tư Việt Nam.

Theo các Kháo sát doanh nghiệp của Auscham ASEAN 3 năm trở lại đây (2019, 2000, 2021) tỷ lệ doanh nghiệp phản hồi đánh giá việc khó tiếp cận nguồn lao động chất lượng cao tại Việt Nam là một trong những khó khăn lớn nhất trong hoạt động kinh doanh của họ luôn chiếm khoảng 30%. Đây là một tỷ lệ tương đối cao, cho thấy cứ khoảng 3 doanh nghiệp Australia thì có 1 doanh nghiệp gặp vấn đề trong việc tuyển dụng lao động cao tay nghề cao.

Hình 4: Các nhóm lao động khó hoặc rất khó tuyển dụng bởi doanh nghiệp FDI Australia và một số nước khác

Tìm hiểu sâu hơn về loại hình lao động chất lượng cao mà các doanh nghiệp Australia khó tìm kiếm, Điều tra PCI của VCCI năm 2020 cho kết quả là nhóm các nhân sự cấp cao trong doanh nghiệp – Giám đốc điều hành/Quản lý tài chính, Quản lý/giám sát - là các đối tượng khó hoặc rất khó tuyển dụng bởi các công ty Australia tại Việt Nam. Cụ thể, có tới 75% doanh nghiệp Australia phản hồi khảo sát cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các giám đốc điều hành/quản lý tài chính. Các doanh nghiệp FDI Đức dường như cũng chia sẻ khó khăn này với các doanh nghiệp FDI Australia khi tỷ lệ này của họ lên tới 100%. Tuy nhiên, so sánh với các nước khác như Hoa Kỳ, Singapore hay Nhật Bản thì chỉ khoảng một nửa doanh nghiệp FDI của họ tại Việt Nam gặp khó khăn trong vấn đề này. Tương tự, với các nhóm lao động thuộc các vị trí quản lý hay giám sát, tỷ lệ doanh nghiệp của Australia khó hoặc rất khó tuyển dụng là 38%, thấp hơn của Đức (50%) nhưng cao hơn của Hoa Kỳ (16%), Singapore (21%) và Nhật Bản (26%). Các kết quả này cho thấy dường như các doanh nghiệp FDI Australia gặp nhiều khó khăn hơn các doanh nghiệp FDI từ các nước khác trong việc tuyển dụng các nhân sự cấp cao đòi hỏi trình độ chuyên môn và quản lý cao. 

Hệ thống thuế

Trong các năm qua, hệ thống thuế của Việt Nam đã được cải cách liên tục cả về cơ chế pháp lý, cách thức quy định, tổ chức quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hệ thống thuế của Việt Nam vẫn còn tương đối lạc hậu, gây phiền hà và dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện. Theo Điều tra PCI năm 2020 của VCCI, 03 thủ tục hành chính về thuế được các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đánh giá là phiền hà nhất là: hoàn thuế, quyết toán thuế, miễn giảm thuế… Đây là các khâu liên quan nhiều đến thủ tục giấy tờ chứng minh và ít được thực hiện trực tuyến. Trong khi đó các khâu đăng ký hóa đơn thuế, nộp thuế, khai thuế…. là các khâu đã được số hóa nhiều, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn và do đó rất ít doanh nghiệp gặp trở ngại khi thực hiện các khâu này 

Các thủ tục hành chính thuế cũng có đến gần 1/3 số doanh nghiệp phản hồi Khảo sát sâu của Nhóm nghiên cứu đánh giá là một trong 3 yếu tố gây cản trở hoạt động kinh doanh của họ nhất trong vòng 3 năm qua. Có doanh nghiệp cho rằng hệ thống thuế của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với hệ thống thuế của Australia, tuy nhiên những rào cản về ngôn ngữ và sự không thống nhất trong việc áp dụng đã gây nhiều phiền hà cho họ cũng như là các công ty đầu tư nước ngoài khác. Một số doanh nghiệp đánh giá hệ thống thuế của Việt Nam quá phức tạp, lạc hậu, các quy định và chính sách thường không rõ ràng tạo thành các “vùng xám” cho tham nhũng. Một doanh nghiệp khác cho rằng chính sách thuế và bảo hiểm của Việt Nam có nhiều thay đổi trong thời gian ngắn, buộc họ phải cập nhập thường xuyên và điểu chỉnh chế độ cho người lao động.

Hình 5: Các thủ tục hành chính thuế còn phiền hà năm 2020

Các vấn đề khác

Ngoài các vấn đề trên, một số yếu tố dưới đây cũng được một lượng đáng kể các doanh nghiệp Australia tại Việt Nam đánh giá còn gây nhiều trở ngại cho hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam: 

● Pháp luật và hiệu quả thực thi pháp luật

Đây là các vấn đề được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm cả nhà đầu tư Australia, phàn nàn. Trong các khảo sát doanh nghiệp của Auscham ASEAN các năm, vấn đề thực thi pháp luật ở Việt Nam luôn nằm trong tốp các khó khăn thử thách được nhắc tới bởi các doanh nghiệp Australia tại Việt Nam. 

Còn theo Khảo sát sâu của Nhóm nghiên cứu, có đến một nửa số doanh nghiệp phản hồi chấm điểm thấp về vấn đề này, và cũng có một tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp đánh giá là một trong 03 nhân tố có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến hoạt động kinh doanh của họ trong thời gian 3 năm vừa qua. Tìm hiểu sâu hơn, các doanh nghiệp đã nêu quan ngại cụ thể về: “Hệ thống quy định pháp luật phức tạp, không rõ ràng và có thể giải thích theo nhiều cách khác nhau”, ”Các tòa án ở Việt Nam không có quyền lực “thực sự” và thiếu kiến thức chuyên sâu về thương mại quốc tế”, “Quy trình xử lý các quy định pháp luật ở Việt Nam chưa hiệu quả và hợp lý làm mất quá nhiều thời gian”…

● Cơ sở hạ tầng

Theo Khảo sát sâu của Nhóm nghiên cứu, một số doanh nghiệp phản ánh cơ sở hạ tầng của Việt Nam yếu kém là một trong 3 yếu tố có tác động tiêu cực nhất đến hoạt động của họ trong 3 năm vừa qua. Một số vấn đề còn hạn chế của cơ sở hạ tầng được đề cập thường xuyên là: thiếu quỹ đất, cơ sở hạ tầng sơ sài, cảng và hệ thống logistics còn nhiều yếu kém, hệ thống giao thông đường bộ xuống cấp… Điều tra PCI năm 2020 của VCCI cung cấp một số thông tin cụ thể hơn, với các thành tố của cơ sở hạ tầng Việt Nam được các doanh nghiệp Australia phải hồi đánh giá là yếu kém nhiều nhất là: các đường nối giao thông (giữa đường bộ và sân bay, giữa đường sắt và đường bộ, giữa cảng và đường bộ), hệ thống xử lý nước thải, đường sắt, cảng.

● Các chính sách của nhà nước

Khảo sát chuyên sâu của Nhóm nghiên cứu cũng nhận được một số phản ánh không tích cực của các nhà đầu tư Australia tại Việt Nam về các chính sách điều hành kinh tế, đặc biệt ở một số địa phương ở Việt Nam. Theo các phản ánh này, nhiều chính sách thay đổi quá nhanh gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Một số cho rằng rất nhiều thông tin về các chính sách và cơ hội đầu tư không được công khai khiến cho họ không biết để tận dụng. Có ý kiến đề cập đến các chính sách liên quan đến kiểm soát dịch bệnh Covid-19 không thống nhất làm ảnh hưởng tới việc đi lại, hiệu quả của người lao động, và do đó gây thiệt hại đến kinh doanh của doanh nghiệp. 

Nguồn: Trích dẫn "Báo cáo nghiên cứu: Đầu tư trực tiếp của Australia vào Việt Nam: Đánh giá hiệu quả thực tế và Những giải pháp chính sách" - Trung tâm WTO và Hội nhập