Các chính sách trong lĩnh vực Nông nghiệp tại Thỏa thuận Xanh EU

04/12/2023    64

Các chính sách của Thỏa thuận Xanh trong lĩnh vực nông nghiệp hướng tới mục tiêu:

- Bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sụt giảm đa dạng sinh học;

- Giảm ảnh hưởng của hệ thống lương thực EU tới khí hậu và môi trường;

- Tăng khả năng chống chịu của hệ thống lương thực EU;

- Thúc đẩy chuyển đổi toàn cầu theo cạnh tranh bền vững từ trang trại đến bàn ăn.

Dưới đây là tóm tắt các chính sách cụ thể nhằm triển khai các mục tiêu Thỏa thuận Xanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Phần lớn các chính sách này tập trung vào các vấn đề nông nghiệp nội bộ của EU, ít tác động tới việc nhập khẩu nông sản, thực phẩm từ bên ngoài vào EU.

1. Chiến lược “Từ nông trại đến bàn ăn” (Farm to Fork Strategy)

Chiến lược từ Nông trại đến bàn ăn (F2F) được Ủy ban châu Âu công bố ngày 20/5/2020 với mục tiêu chính là đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi của EU sang hệ thống lương thực bền vững.

Chiến lược này bao gồm một chuỗi các hành động cụ thể nhằm xây dựng một hệ thống lương thực công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường, trong đó đáng chú ý có:

- Xây dựng khung pháp lý về hệ thống lương thực bền vững (FSFS): dự kiến sẽ được Ủy ban châu Âu thông qua vào cuối năm 2023;

- Kế hoạch dự phòng về cung ứng lương thực và an ninh lương thực (công bố ngày 12/11/2021): xác định các khía cạnh cần cải thiện nhằm bảo đảm an ninh lương thực của EU trong giai đoạn khủng hoảng (với các kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19) và thiết lập Cơ chế phản ứng và sẵn sàng trước khủng hoảng lương thực EU (European Food Security Crisis preparedness and response Mechanism - EFSCM);

- Các hành động pháp lý cụ thể (sửa đổi các văn bản, quy định pháp luật liên quan) nhằm thực hiện các mục tiêu của Chiến lược (ví dụ giảm 50% việc sử dụng và rủi ro từ hóa chất bảo vệ thực vật vào năm 2030, đạt tỷ lệ 25% diện tích đất nông nghiệp canh tác hữu cơ…).

Việc triển khai các kế hoạch hành động thực thi Chương trình này, đặc biệt là các sửa đổi, điều chỉnh các quy định pháp luật của EU liên quan, được cho là sẽ dẫn tới các tiêu chuẩn khắt khe hơn của EU đối với sản xuất nông nghiệp, thực phẩm (về sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, về mức độ tồn dư hóa chất cho phép trong các sản phẩm nông sản, thực phẩm…) trong nội khối cũng như đối với sản phẩm nước ngoài nhập khẩu vào EU.

2. Một số nhóm chính sách khác liên quan tới nông nghiệp

- Chính sách nông nghiệp chung (Common Agricultural Policy - CAP): Thực hiện Thỏa thuận Xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, EU đã có một số hành động cụ thể liên quan tới Chính sách này, bao gồm (i) Cải cách CAP theo cách tiếp cận mới linh hoạt, dựa trên kết quả cuối cùng, có tính đến các nhu cầu/đặc điểm cụ thể của địa phương và phù hợp với các mục tiêu Thỏa thuận xanh; (ii) Thiết lập các tiêu chí mới cho việc lập và triển khai các Kế hoạch chiến lược CAP của các quốc gia thành viên;

- Kế hoạch hành động Hữu cơ (Organic Action Plan): EU đã cập nhật việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động Hữu cơ theo 03 trục với 23 hành động cụ thể, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung một số quy định, nguyên tắc liên quan tới việc sản xuất, phân phối, tiếp thị các sản phẩm hữu cơ trên thị trường EU.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập