Các chính sách trong lĩnh vực Khí hậu của Thỏa thuận Xanh EU

04/12/2023    177

Mục tiêu cơ bản và cuối cùng của Thỏa thuận Xanh EU là biến EU trở thành khu vực trung hòa phát thải (climate neutral) vào năm 2050. Do đó, khí hậu có thể xem là lĩnh vực trọng tâm của Thỏa thuận Xanh EU.

Sau đây là tóm lược các chính sách đáng chú ý trong lĩnh vực khí hậu nhằm thực thi Thỏa thuận Xanh của EU:

1. Luật Khí hậu EU (European Climate Law)

Luật Khí hậu EU, văn kiện pháp lý cốt lõi về khí hậu và phát thải trong Thỏa thuận Xanh EU, được thông qua ngày 9/7/2021 và có hiệu lực từ 29/7/2021[1].

Mục tiêu của Luật này là pháp luật hóa các mục tiêu chính sách cơ bản về khí hậu và phát thải khí nhà kính của Thỏa thuận Xanh thành các nghĩa vụ pháp lý bắt buộc với EU và các nước thành viên EU.

Các nội dung chính của Luật Khí hậu EU bao gồm:

* Xác định mục tiêu pháp lý bắt buộc và trách nhiệm của các cơ quan EU và các nước thành viên EU

Các mục tiêu bắt buộc nêu trong Luật này bao gồm (i) mục tiêu cuối cùng “đạt phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050”[2]; và (ii) mục tiêu trung gian “giảm ít nhất 55% mức phát thải vào năm 2030 so với mức phát thải của những năm 1990”.

* Thiết lập các công cụ theo dõi tiến độ các mục tiêu khí hậu bởi các cơ quan EU và các nước thành viên (sử dụng các công cụ theo dõi hiện có và quy trình rà soát định kỳ 5 năm)

* Xác định các hành động cụ thể tiếp theo:

- Xây dựng các mục tiêu khí hậu cụ thể cho mốc 2040;

- Xây dựng các dự thảo sửa đổi, xây dựng mới các văn bản chính sách, pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu thành phần mới được xác định trong Luật Khí hậu (giảm ít nhất 55% mức phát thải vào năm 2030).

Sau Luật Khí hậu EU, ở cấp độ liên minh, các cơ quan có thẩm quyền của EU đã thực hiện một loạt các chương trình, hành động cụ thể để thực hiện các mục tiêu khí hậu liên quan, đặc biệt là mục tiêu trung gian năm 2030, trong đó đáng chú ý có:

- Công bố Kế hoạch mục tiêu khí hậu đến năm 2030 (2030 Climate Target Plan) mới;

- Đề xuất và triển khai Gói “Fit for 55” (tạm hiểu là Gói các giải pháp pháp lý trong tổng thể các lĩnh vực, khía cạnh nhằm đạt mục tiêu giảm 55% mức phát thải), bao gồm (i) sửa đổi các văn bản, quy định pháp luật đang có của EU về khí hậu; và (ii) xây dựng các sáng kiến pháp luật mới nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu mới.

Nhiều biện pháp cụ thể trong Gói “Fit for 55” có tác động đáng kể tới một số nhóm sản phẩm nhập khẩu (ví dụ Chỉ thị về Năng lượng tái tạo, Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới – CBAM…)

Một số biện pháp đáng chú ý trong Gói “Fit for 55”

1. Nhóm biện pháp sửa đổi các quy định trong các văn bản pháp luật hiện có

- Chỉ thị về Hệ thống Thương mại Phát thải (Emissions Trading System-ETS Directive) – Hệ thống mua bán phát thải dựa trên nguyên tức hạn mức và mua bán của EU: Sửa theo hướng (i) Giảm hạn mức, tăng tốc độ giảm hạn mức; (ii) Mở rộng phạm vi các lĩnh vực phải mua bán phát thải;

- Quy định Nỗ lực chia sẻ (Effort Sharing Regulation-ESR) - Các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030 trong các lĩnh vực vận tải nội địa, tòa nhà, nông nghiệp, công nghiệp nhỏ và chất thải cho mỗi quốc gia thành viên EU: Sửa theo hướng nâng mục tiêu giảm phát thải trong các lĩnh vực này từ 29% lên đến 40% vào năm 2030 (so với năm 2005);

- Quy định về sử dụng đất, thay đổi trong sử dụng đất và lâm nghiệp (Land use, land use change and forestry Regulation-LULUCF) - Các mục tiêu loại bỏ phát thải carbon - khí nhà kính trong sử dụng đất và lâm nghiệp: Sửa theo hướng (i) Nâng mục tiêu loại bỏ phát thải carbon trên toàn EU vào năm 2030 (từ 225 triệu tấn khí CO2 lên 310 triệu tấn CO2); (ii) Bổ sung các mục tiêu cụ thể đối với từng nước thành viên EU về loại bỏ phát thải trong các lĩnh vực LULUCF;

- Chỉ thị về Hiệu quả Năng lượng (Energy Efficiency Directive): Sửa theo hướng (i) Giảm mức tiêu thụ năng lượng ở cấp EU; (ii) Tăng mức đóng góp và nghĩa vụ tiết kiệm năng lượng của từng nước thành viên;

- Chỉ thị về Năng lượng tái tạo (Renewable Energy Directive): Sửa theo hướng (i) nâng mục tiêu sản xuất năng lượng từ các nguồn tái tạo; (ii) tăng mức sử dụng năng lượng tái tạo/phát thải carbon thấp trong các lĩnh vực khác nhau;

- Tiêu chuẩn thực hiện phát thải CO2 đối với ô tô và xe tải (CO2 emissions performance standards for cars and vans): Điều chỉnh chỉ tiêu giảm lượng phát thải trung bình đối với ô tô mới (giảm 50-55% tùy loại ô tô trong giai đoạn 2030-2034 so với mức phát thải của năm 2021; từ 2035 không cho đăng ký ô tô mới phát thải CO2);

- Chỉ thị về thuế năng lượng (Energy Taxation Directive): Sửa theo hướng (i) điều chỉnh mức thuế và phạm vi áp thuế đối với các sản phẩm năng lượng để tương thích với các chính sách về năng lượng và khí hậu của EU; (ii) loại bỏ các miễn trừ cũng như mức thuế thấp vốn đang góp phần khuyến khích việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

2. Nhóm biện pháp bổ sung các quy định pháp luật mới

- Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (Carbon border adjustment mechanism – CBAM): ): Đây là một cơ chế mới nhằm đảm bảo các hành động đầy tham vọng về khí hậu ở EU không dẫn đến tình trạng “rò rỉ carbon” từ EU sang các nước khác. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào EU sẽ phải trả thêm một khoản phí (còn gọi là thuế carbon) căn cứ vào mức độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất hàng hóa đó tại nước xuất khẩu.

- Quy định về triển khai cơ sở hạ tầng nhiên liệu thay thế (Regulation on deployment of the alternative fuels infrastructure - AFIR): Quy định này đặt ra các mục tiêu bắt buộc ở cấp EU và cấp quốc gia về cung cấp cơ sở hạ tầng sạc điện và tiếp nhiên liệu hydro cho vận tải đường bộ, đường thủy và đường hàng không nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi sang các phương tiện giao thông không phát thải.

2. Một số nhóm chính sách khác về Khí hậu

Thỏa thuận Xanh trong lĩnh vực khí hậu còn bao gồm nhiều mảng chính sách khác, tuy nhiên phần lớn là liên quan tới các chủ thể trong nội bộ của EU mà ít ảnh hưởng tới nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào EU (ngoại trừ các biện pháp cụ thể liên quan tới các chất có tác động trực tiếp tới biến đổi khí hậu). Cụ thể:

* Một số biện pháp liên quan tới các chất tác động trực tiếp tới biến đổi khí hậu

- Đối với các chất phá hủy tầng ozone:

Thúc đẩy thực thi nghiêm túc Quy định của EU về các chất phá hủy tầng ozone năm 2009 (EU Regulation on substances that deplete the ozone layer) trong đó có (i) quy trình cấp phép đối với mọi hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu các chất phá hủy tầng ozone; và (ii) Mở rộng phạm vi các chất phá hủy tầng ozone phải kiểm soát (thêm 05 loại hóa chất mới ngoài danh sách hơn 90 chất liệt kê trong Công ước Montreal).

- Đối với khí gas gây hiệu ứng nhà kính:

+ Sửa đổi Quy định về khí gas gây hiệu ứng nhà kính của EU năm 2014 (Fluorinated greenhouse gases F-gases): Quy định sửa đổi được thông qua ngày 5/4/2022, trong đó (i) giảm hạn ngạch cho phép (quota) đối với chất HFCs; (ii) thêm các hạn chế mới đối với việc sử dụng F-gas trong các thiết bị; (iii) tạo điều kiện mở rộng kiểm soát tại biên giới; (iv) bổ sung các quy trình kiểm soát, thủ tục báo cáo và thẩm tra dữ liệu về các chất này.

+ Tăng cường thực thi nghiêm túc Chỉ thị của EU về Các hệ thống điều hòa không khí di động năm 2006 (European Directive on Mobile air-conditioning systems - MACs) theo lộ trình nâng dần phạm vi cấm sử dụng hệ thống điều hòa chạy bằng F-gas trên các xe chở khách.

Các quy định cụ thể trong nhóm này đã và đang ảnh hưởng tới tiêu chuẩn đối với các sản phẩm liên quan, bao gồm cả sản phẩm của EU và sản phẩm nước ngoài nhập khẩu vào EU.

- Chiến lược thích ứng EU (EU Adaptation Strategy): Chiến lược thích ứng EU được Ủy ban châu Âu công bố ngày 24/2/2021 với mục tiêu xác định cách thức để EU có thể thích ứng với những tác động không tránh khỏi của biến đổi khí hậu và trở thành khu vực có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu vào năm 2050. Cũng trong Chiến lược, chuỗi 14 hành động cụ thể cùng các bước đi cần thiết đã được nhận diện nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra.

- Phong trào khí hậu EU (The European Climate Pact): Phong trào khí hậu EU là diễn đàn kết nối người dân EU trong mục tiêu xây dựng một EU bền vững về khí hậu, được Ủy ban châu Âu thiết lập như một phần của Thỏa thuận Xanh, công bố ngày 9/12/2020.

- Ngoại giao khí hậu (Climate Diplomacy): Ngoại giao khí hậu mà một chùm các chính sách thống nhất của EU trong hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu, trong đó đáng chú ý có (i) Các hành động toàn cầu (hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu – các COP, Công ước Paris, Công ước Kyoto, Hiệp định Marrakesh…); (ii) Các hành động song phương (hiện đã có với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi, Mỹ Latin và Caribbean); (iii) Các khoản hỗ trợ tài chính (dự kiến đóng góp tài chính của EU theo các chiến lược, quỹ, chương trình tài chính quốc tế cho biến đổi khí hậu).

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập


[1] Dự thảo Luật này được Ủy ban châu Âu công bố ngày 04/03/2020, tức là chỉ gần hai tháng sau khi Văn kiện Thỏa thuận Xanh EU được thông qua và là bước đi đầu tiên, quan trọng nhất trong quá trình trển khai Thỏa thuận này.

[2] Mục tiêu này đã được nêu trong Thỏa thuận Xanh EU, tuy nhiên tại Thỏa thuận Xanh đây chỉ là mục tiêu chính sách, không bắt buộc thực hiện, Luật Khí hậu đã chuyển mục tiêu này thành quy định pháp lý bắt buộc.