Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” trong Thỏa thuận Xanh EU

04/12/2023    50

Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” được Ủy ban châu Âu công bố ngày 20/5/2020, và được xem là giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường trong Thỏa thuận Xanh.

Về mục tiêu, Chiến lược F2F hướng tới 04 mục tiêu lớn là ngăn chặn chất thải và lãng phí thực phẩm, sản xuất thực phẩm bền vững, phân phối và xử lý thực phẩm bền vững, và tiêu thụ thực phẩm bền vững.

Liên quan tới khía cạnh sản xuất bền vững, Chiến lược F2F đặt ra các chỉ tiêu rất cao cho mốc năm 2030, gồm:

- Giảm 50% lượng sử dụng cũng như rủi ro từ các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học và giảm 50% lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nguy hiểm;

- Giảm thất thoát chất dinh dưỡng ít nhất 50% trong khi không làm suy giảm độ phì nhiêu của đất;

- Giảm sử dụng phân bón ít nhất 20%;

- Giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho vật nuôi và nuôi trồng thủy sản;

- Đạt tỷ lệ 25% diện tích đất nông nghiệp được canh tác hữu cơ.

Để thực thi Chiến lược F2F, một Kế hoạch hành động với lộ trình cụ thể nhằm đạt được các chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược đã được xác định và triển khai trên thực tế, trong đó có một số hành động đáng chú ý có ảnh hưởng tới hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Bảng – Một số bước đáng chú ý trong lộ trình thực hiện Chiến lược F2F

Lộ trình

Hành động

Q2 2022

Sửa đổi  quy định về Sử dụng bền vững thuốc trừ sâu để giảm đáng kể rủi ro và sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu và tăng cường quản lý dịch hại tổng hợp

Sửa đổi các quy tắc để tạo điều kiện đưa ra thị trường các loại thuốc trừ sâu sinh học

Q3 2022

Sửa đổi các tiêu chuẩn tiếp thị của EU đối với các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản để đảm bảo tiêu thụ và cung cấp các sản phẩm bền vững

Q4 2022

Sửa đổi luật phụ gia thức ăn chăn nuôi để giảm tác động môi trường của chăn nuôi

Chỉ dẫn về nguồn gốc đối với một số sản phẩm

Hài hòa hóa việc ghi nhãn dinh dưỡng bắt buộc trên mặt trước của bao bì sản phẩm

Sửa đổi các quy tắc về cách xác định hạn sử dụng (ngày 'sử dụng trước' và 'sử dụng tốt nhất trước') để giảm lãng phí thực phẩm

Q2 2023

Sửa đổi quy định về Vật liệu tiếp xúc với thực phẩm để cải thiện an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe của người dân và giảm tác động tới môi trường

Q4 2023

Khung ghi nhãn thực phẩm bền vững nhằm giúp người tiêu dùng đưa ra lựa chọn thực phẩm bền vững

Sửa đổi một số quy định về phúc lợi động vật để mở rộng phạm vi và đảm bảo mức độ phúc lợi động vật cao hơn

Nguồn: Tổng hợp của Nhóm Nghiên cứu VCCI

Có thể thấy trong số các hành động được dự kiến, có nhiều biện pháp pháp lý (sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật bắt buộc) liên quan tới tiêu chuẩn, chất lượng, cách thức tiếp thị… của nông sản thực phẩm. Các quy định này được áp dụng đồng thời cho các sản phẩm của EU và sản phẩm nhập khẩu từ bên ngoài vào EU. Do đó, hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào EU cần đặc biệt quan tâm tới các biện pháp này.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập