Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam: Các chính sách tác động

04/12/2023    226

Nông sản thực phẩm (foods) là nhân tố tiêu dùng gây ô nhiễm môi trường và làm suy thoái tài nguyên hàng đầu ở EU. Vì vậy, trong quá trình thực thi Thỏa thuận Xanh, EU đã và đang có nhiều chính sách xanh cụ thể liên quan tới nhóm sản phẩm này (cả trực tiếp và gián tiếp). 

Sau đây là một số chính sách nổi bật có liên quan cùng những đánh giá sơ bộ về tác động của mỗi chính sách tới xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam sang thị trường EU:

* Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” (F2F)

Chiến lược ”Từ trang trại đến bàn ăn” công bố ngày 20/5/2020 là chương trình trọng tâm của EU để thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường trong Thỏa thuận Xanh.

Cho tới nay, EU đã triển khai một loạt các hành động thực thi Chiến lược này, trong đó có một số biện pháp pháp lý có ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam vào thị trường này.

- Dự thảo Quy định về sử dụng bền vững các sản phẩm bảo vệ thực vật (Proposal for Regulation on the sustainable use of plant protection products)

Dự thảo Quy định đã được Ủy ban châu Âu công bố ngày 22/06/2022 và hiện đang trong quy trình tham vấn để xem xét thông qua.

Quy định này của EU bao gồm các nội dung nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm ít nhất 50% việc sử dụng hóa chất trừ sâu tại EU vào năm 2030. Mặc dù Quy định này chỉ trực tiếp điều chỉnh việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại EU nhưng nhiều khả năng nó có thể dẫn đến việc siết chặt các quy định về mức dư lượng tối đa (MRL) đối với các chất gây nguy hại trong nông sản, thực phẩm (áp dụng đối với cả sản phẩm nhập khẩu), từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến các tiêu chuẩn cụ thể đối với loại nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào thị trường EU.

Thực hiện Quy định này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam sẽ phải (i) thiết lập và kiểm soát toàn bộ chuỗi trồng trọt, chế biến nông sản thực phẩm theo các tiêu chuẩn mới, khắt khe hơn về mức độ, loại thuốc bảo vệ thực phẩm có thể sử dụng; và (ii) có công nghệ kiểm soát, loại trừ hoặc giảm mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm cuối cùng theo định mức mới.

Hộp 1 - Xu hướng hạn chế sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật ở EU

Hiện tại, mặc dù Quy định về sử dụng bền vững các sản phẩm bảo vệ thực vật với các mục tiêu cụ thể mới được EU dự thảo, chưa thông qua, trên thực tế, các nhà lập pháp EU đã bắt đầu triển khai những hành động cụ thể theo hướng này.

Cụ thể, chỉ trong nửa đầu năm 2023, EU đã sửa đổi ít nhất 04 Quy định hiện hành để thay đổi mức dư lượng tối đa (MRL) của 09 chất có trong nhiều loại sản phẩm nông sản thực phẩm thuộc nhóm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, bao gồm:

- Quy định EC số 2023/147 (Commission Regulation (EU) 2023/147) ngày 20/1/2023 về việc sửa đổi phụ lục II, III và V của Quy định số 396/2005 về mức MRL đối với cyromazine, topramezone và triflumizole trong một số sản phẩm như rau quả, trà, cà phê, các sản phẩm động vật…. Quy định đã chính thức được áp dụng từ ngày 12/8/2023;

- Quy định EC số 2023/334 ngày 02/02/2023 về việc sửa đổi Phụ lục II và V của Quy định số 396/2005 về mức MRL đối với Clothianidin và Thiamethoxam có trong nông sản và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật. Quy định đã được áp dụng từ ngày 07/03/2023;

- Quy định EC số 2023/465 ngày 03/03/2023 sửa đổi Quy định số 1881/2006 về mức MRL của asen trong một số loại thực phẩm như gạo, nước hoa quả, thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ em… Quy định này đã có hiệu lực từ ngày 26/3/2023;

- Quy định EC số 2023/466 ngày 03/03/2023 sửa đổi Phụ lục II, III, V của Quy định số 396/2005 về mức MRL đối với các chất isoxaben, novaluron và tetraconazole có trong một số sản phẩm nông sản, thực phẩm bao gồm: rau quả; hạt điều, cà phê, chè, gia vị, ngũ cốc, các sản phẩm từ động vật, trứng, sữa, mật ong… Quy định này đã chính thức được áp dụng từ ngày 26/9/2023

Nguồn: Tổng hợp của Nhóm Nghiên cứu VCCI

- Quy định về sản phẩm thuốc thú y (Regulations on veterinary medicinal products)

Quy định về sản phẩm thuốc thú y của EU được thông qua vào 11/12/2018 và chính thức có hiệu lực thực thi đầy đủ từ 28/1/2022. Do có nội dung phù hợp với mục tiêu của Chiến lược F2F nên Quy định này được EU xếp vào diện các chính sách cần thúc đẩy triển khai trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh.

Quy định này của EU bao gồm rất nhiều các biện pháp cụ thể (như cấm sử dụng các loại thuốc kháng sinh tăng trọng đối với động vật), nhằm thực hiện mục tiêu giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho vật nuôi và nuôi trồng thủy sản vào năm 2030.

Quy định này không chỉ có ảnh hưởng đến việc mua bán và sử dụng thuốc thú y trong lãnh thổ EU mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các tiêu chuẩn cụ thể đối với các sản phẩm động vật nhập khẩu vào khu vực này.

- Đề xuất sửa đổi quy định của EU về vật liệu tiếp xúc với thực phẩm (Revision of Food Contact Materials legislation - FCMs)

Đề xuất này nhằm tạo ra một hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường, đồng thời cải thiện an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng (đặc biệt là giảm sử dụng hóa chất độc hại), hỗ trợ sử dụng các giải pháp đóng gói sáng tạo và bền vững bằng vật liệu thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng và tái chế và góp phần giảm rác thải thực phẩm. Đây là giải pháp để thực hiện cùng lúc Chiến lược F2F và Chiến lược hóa chất vì sự bền vững của EU.

Hiện tại Ủy ban châu Âu mới công bố Bản đánh giá tác động về đề xuất sửa đổi Quy định FCM ngày 18/12/2020 và hiện vẫn đang trong quá trình tham vấn các bên liên quan.

Đề xuất sửa đổi Quy định này một khi được thông qua và có hiệu lực có thể làm thay đổi cách thức sản xuất, thiết kế bao bì cho các loại nông sản thực phẩm mà Việt Nam xuất khẩu sang EU.

- Đề xuất sửa đổi Quy định về thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng (Proposal for a revision of the Regulation on Food Information to Consumers - FIC)

Bản đánh giá tác động của đề xuất sửa đổi Quy định FIC được Ủy ban châu Âu công bố ngày 23/12/2020 và hiện vẫn đang trong quá trình tham vấn với các bên liên quan.

Theo Bản đánh giá đề xuất sửa đổi, EU dự kiến sẽ yêu cầu (i) ghi nhãn dinh dưỡng bắt buộc trên mặt trước của bao bì sản phẩm (nhằm giúp người tiêu dùng đưa ra lựa chọn đúng đắn với những sản phẩm tốt cho sức khỏe); (ii) mở rộng phạm vi các sản phẩm phải nêu thông tin về nguồn gốc/xuất xứ bắt buộc trên nhãn (cho phép người tiêu dùng xác định rõ hơn nguồn gốc của thực phẩm, từ đó đưa ra những lựa chọn tiêu dùng sáng suốt); và (iii) sửa đổi quy định về cách xác định thời hạn sử dụng (“sử dụng trước” và “sử dụng tốt nhất trước”) để tránh lãng phí thực phẩm.

Nếu được thông qua và có hiệu lực, các quy định này sẽ buộc các nhà sản xuất, xuất khẩu thực phẩm Việt Nam sang EU phải thiết kế lại nhãn hàng hóa, từ nội dung đến vị trí dán nhãn, cũng như phải xây dựng lại cách tính thời hạn sử dụng của sản phẩm.

- Bộ quy tắc ứng xử của EU về thực hành tiếp thị và kinh doanh thực phẩm có trách nhiệm (EU Code of Conduct on Responsible Food Business and Marketing Practices)

Bộ quy tắc này có hiệu lực vào ngày 5/7/2021 và là một sáng kiến tự nguyện trong ngành, trong đó liệt kê các hoạt động mà các bên tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm (nhà chế biến, nhà bán lẻ…) được khuyến nghị thực hiện để cải thiện và thể hiện hiệu suất bền vững của mình.

Tuy nhiên, Bộ quy tắc này có thể được sửa đổi và có thể trở thành luật nếu Ủy ban Châu Âu cho rằng các cam kết tự nguyện là không đủ. Nếu Bộ quy tắc này được luật hóa, trở thành yêu cầu pháp lý bắt buộc, các nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài sẽ phải tuân thủ các yêu cầu truy xuất nguồn gốc cũng như các chính sách về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) khắt khe hơn nếu muốn xuất khẩu thực phẩm sang EU.

Hiện tại có thể một số nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam sang EU đã phải tuân thủ Bộ quy tắc này theo yêu cầu của khách hàng EU. Tuy nhiên nếu Bộ quy tắc trở thành quy định bắt buộc, việc thực hiện sẽ là yêu cầu chung với tất cả các nhà sản xuất, xuất khẩu.

- Đề xuất sửa đổi luật phúc lợi động vật (EU legislation on animal welfare)

Ngày 06/07/2021, Ủy ban châu Âu đã công bố Bản đánh giá tác động của đề xuất sửa đổi một số quy định pháp luật về phúc lợi động vật của EU trong nhiều văn bản, trong đó có: (i) Chỉ thị liên quan đến việc bảo vệ vật nuôi (Directive concerning the protection of animals kept for farming purposes); (ii) Quy định về bảo vệ động vật trong quá trình vận chuyển (Regulation on the protection of animals during transport); (iii) Quy định về bảo vệ động vật tại thời điểm giết mổ (Regulation on the protection of animals at the time of killing)… 

Với mục tiêu cải thiện sức khỏe động vật và chất lượng thực phẩm, giảm nhu cầu dùng thuốc và có thể bảo tồn đa dạng sinh học, EU dự kiến sửa các quy định hiện hành liên quan theo hướng (i) loại bỏ dần và thậm chí là cấm việc sử dụng lồng đối với tất cả các loài động vật được đề cập trong Sáng kiến công dân châu Âu (ECI) – “kết thúc thời đại lồng nhốt (End the Cage Age)”; (ii) sửa đổi các quy định về vận chuyển động vật và phúc lợi động vật ở cấp trang trại, bao gồm cả việc giết mổ; (iii) cân nhắc các phương án dán nhãn phúc lợi động vật để truyền tải giá trị tốt hơn thông qua chuỗi thức ăn.

Xuất khẩu các sản phẩm động vật, thịt của Việt Nam sang EU còn rất khiêm tốn, vì vậy có thể các quy định phúc lợi động vật nói trên chưa tạo ra ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp nào tập trung vào thị trường EU hiện tại hoặc trong tương lai, đây sẽ là vấn đề cần đặc biệt chú ý, bởi nó liên quan tới các công đoạn trước chế biến (quá trình nuôi, vận chuyển…) đòi hỏi các nỗ lực cao trong kiểm soát toàn chuỗi.

- Quy định về Sản xuất hữu cơ và Ghi nhãn sản phẩm hữu cơ (Regulation EU 2018/848 on organic production and labelling of organic products)

Có hiệu lực từ 1/1/2021, Quy định này bao gồm các yêu cầu, điều kiện cụ thể mà một sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ để có thể được bán ở EU dưới dạng “sản phẩm hữu cơ”. Cụ thể, “sản phẩm hữu cơ” phải là sản phẩm: (i) tuân thủ đầy đủ các quy định về sản xuất và kiểm soát của nước xuất khẩu đã có thỏa thuận công nhận tương đương với EU; và (ii) có giấy chứng nhận do cơ quan kiểm soát có liên quan ở nước xuất khẩu cấp, xác nhận rằng sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn của EU.

Điều này có nghĩa là các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam nếu muốn được coi là “hữu cơ” ở EU thì sẽ phải tuân thủ các quy trình, thủ tục giấy tờ mới chặt chẽ hơn và bảo đảm các tiêu chuẩn của EU theo các cách thức mà EU chấp thuận

Hộp 2 – Tóm tắt các quy định mới trong Quy định về Sản xuất hữu cơ và Ghi nhãn sản phẩm hữu cơ (Regulation on Organic Production and Labelling of Organic Products)

- Phạm vi áp dụng: Mở rộng ra cả các sản phẩm nông nghiệp thứ cấp như sáp ong, muối biển, len và các sản phẩm khác

- Diện áp dụng: Ngoài nhãn trên sản phẩm còn mở rộng ra các tuyên bố, chỉ dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, hình ảnh hoặc dấu hiệu liên quan đến sản phẩm trên bao bì, chứng từ, nhãn mác… đi kèm hoặc đề cập đến sản phẩm đó

- Vật liệu nano (Engineered nanomaterials) không được phép sử dụng trong các sản phẩm hữu cơ

- Quy định các mô hình bắt buộc đối với nhà sản xuất EU và ngoài EU để có được chứng chỉ hữu cơ

- Các quy định mới áp dụng cho chứng nhận nhóm (với nhiều thay đổi liên quan tới sản phẩm từ các nước đang phát triển)

- Chỉ được phép sử dụng các thuật ngữ như hữu cơ (organic/bio) và sinh thái (ecological/eco) nếu sản phẩm được chứng nhận hữu cơ

- Bao bì thiết kế không được quá giống về màu sắc (xanh lá cây, trắng) và hình dạng (lá) của logo EU Bio, tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng EU

- Nhãn cho các sản phẩm hữu cơ vào thị trường EU phải bao gồm mã số của cơ quan kiểm soát nước xuất khẩu và mã số vùng trồng nguyên liệu nông nghiệp để tạo ra sản phẩm hữu cơ.

Nguồn: Tổng hợp của Nhóm Nghiên cứu VCCI từ Quy định EU 2018/848

* Quy định về chống phá rừng (EUDR)

Quy định số 2023/1115 về một số sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và suy thoái rừng (EU Deforestation-Free Products Regulation – EUDR, sau đây gọi tắt là “Quy định về chống phá rừng”) được EU thông qua ngày 31/05/2023, có hiệu lực từ 29/6/2023 (tuy nhiên các quy định cấm và yêu cầu giải trình cốt lõi trong Quy định sẽ chỉ thực thi từ sau 30/12/2024).

Nội dung chủ yếu của EUDR là cấm nhập khẩu vào EU các sản phẩm được nuôi trồng trên đất phá rừng hoặc làm suy thoái rừng. Về phạm vi, EUDR áp dụng đối với các sản phẩm nước ngoài nhập khẩu vào EU thuộc các nhóm gia súc, cacao, cà phê, cao su, dầu cọ, đậu tương, gỗ và các sản phẩm được tạo ra từ những mặt hàng này (ví dụ sản phẩm da, socola, đồ nội thất…). Về mặt thủ tục, các sản phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh khi nhập khẩu vào EU sẽ phải có Xác nhận “tuân thủ” (“due diligence” statement) xác nhận rằng sản phẩm nhập khẩu không liên quan đến việc gây mất rừng hoặc làm suy thoái rừng từ sau 31/12/2020.

Mặc dù quy định này chỉ áp dụng đối với các sản phẩm nuôi trồng trên đất chuyển đổi từ năm 2021 trở đi, trong khi phần lớn các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có liên quan (đặc biệt là cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ) đều đến từ các vùng nguyên liệu đã khai thác ổn định nhiều năm nay, việc thực thi EUDR cũng tạo nghĩa vụ giải trình, chứng minh đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu liên quan ở các mức độ khác nhau tùy thuộc hiện trạng quản lý chuỗi cung.

Cụ thể, với ngành chế biến xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ, EUDR có thể không tạo ra ảnh hưởng bất lợi quá lớn do ngành này đã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc gỗ và trách nhiệm giải trình theo Hiệp định Đối tác Tự nguyện VPA-FLEGT giữa Việt Nam và EU từ 2019. Tuy nhiên với các đơn vị xuất khẩu cà phê, ca cao, đậu tương…việc tổng hợp đầy đủ các tài liệu chứng từ về đất trồng hợp pháp và không thuộc diện mới chuyển đổi từ 2021 đến nay có thể rất phức tạp, nhất là khi hiện chưa có hướng dẫn nào cụ thể về thủ tục chứng minh.

* Một số chính sách xanh khác

Ngoài các chính sách đã được nhận diện cụ thể như nêu ở trên, trong tương lai, một số chính sách xanh khác hiện chưa/ít liên quan tới nông sản thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang EU nhưng có thể mở rộng phạm vi áp dụng và không loại trừ khả năng sẽ bao gồm cả các sản phẩm nông sản thực phẩm. Ví dụ:

- Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM):

Quy định về CBAM yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài vào EU phải mua chứng chỉ CBAM để trả cho lượng phát thải carbon đã thải ra môi trường trong quá trình sản xuất. Hiện CBAM giai đoạn đầu chỉ mới đang áp dụng cho các sản phẩm nhập khẩu vào EU thuộc 06 nhóm hàng hóa mà quá trình sản xuất gây phát thải lớn nhất (gồm sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón, điện và khí hydro).

Tuy nhiên EU đã có kế hoạch để rà soát kết quả thực hiện CBAM với 06 ngành nói trên vào năm 2030 để sau đó có quyết định có mở rộng CBAM ra các sản phẩm khác (với khoảng 30 nhóm sản phẩm nguy cơ cao gây ô nhiễm; hoặc với tất cả các sản phẩm hàng hóa) hay không.

- Các quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)

Theo EPR, các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm tài chính một phần hoặc toàn bộ cho việc xử lý rác thải từ quá tình sử dụng sản phẩm của mình thông qua việc nộp một khoản phí tương ứng cho quốc gia nơi phải xử lý các rác thải này.

EPR hiện đang áp dụng ở EU, tuy nhiên chỉ giới hạn ở một số nhóm sản phẩm (ví dụ pin, ắc quy, phương tiện vận tải…). Tuy nhiên, trong khuôn khổ thực thi Thỏa thuận Xanh, Chương trình EPR có thể được điều chỉnh để mở rộng về phạm vi (ví dụ áp dụng cho rác thải từ bao bì của tất cả các sản phẩm, bao gồm cả sản phẩm nội địa EU và nhập khẩu).

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập