Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam: Những yếu tố thuận lợi

04/12/2023    18

Mặc dù rất thách thức (với các chính sách nhiều về số lượng, rộng về phạm vi, tính ràng buộc cao, diện tác động trải dài), việc thực hiện các chính sách xanh trong lĩnh vực nông sản thực phẩm của các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cũng có một số thuận lợi nhất định:

- Về lộ trình thực hiện chung: Tương tự như phần lớn các chính sách được triển khai trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh, các chính sách áp dụng với nông sản, thực phẩm thông thường sẽ có một khoảng thời gian nhất định trước khi có hiệu lực chính thức, hoặc có lộ trình thực hiện dần dần cho đến khi áp dụng đầy đủ. Vì vậy, nếu theo dõi cập nhật tình hình thường xuyên, doanh nghiệp cơ bản có thể chuẩn bị cho việc tuân thủ các quy định mới;

Về hiện trạng hiệu lực: Ngoại trừ một số quy định đã có hiệu lực áp dụng (ví dụ: Quy định về sản xuất hữu cơ và ghi nhãn sản phẩm hữu cơ đã có hiệu lực từ 1/1/2021, Quy định về sản phẩm thuốc thú y có hiệu lực từ 28/01/2022, EUDR có hiệu lực từ 29/6/2023…), hầu hết các chính sách mới triển khai Thỏa thuận Xanh hiện mới đang ở dạng đề xuất/dự thảo, được đưa ra để tham vấn công chúng và xem xét nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền của EU, mà chưa được thông qua/ban hành chính thức. Do đó, ở thời điểm này, nhìn chung các nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản thực phẩm sang EU chưa phải tuân thủ quy định hay tiêu chuẩn xanh cụ thể nào (trừ các quy định về sản phẩm ghi nhãn hữu cơ hay các quy định đơn lẻ về dư lượng tối đa). Và vì thế doanh nghiệp vẫn còn thời gian để tìm hiểu, thích ứng và sẵn sàng cho những diễn tiến của các chính sách xanh trong lĩnh vực này;

- Về tính mới: Một số biện pháp đề xuất mới trong lĩnh vực này thực ra là đề xuất sửa đổi, nâng cấp các quy định hiện có (ví dụ các quy định liên quan tới thuốc bảo vệ thực vật, phúc lợi động vật, thông tin cho người tiêu dùng…) mà không phải là một hệ thống các yêu cầu hoàn toàn mới. Các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam vốn đã đang phải tuân thủ các hệ thống này, các đề xuất mới thường tập trung vào việc nâng cấp hoặc điều chỉnh mức độ yêu cầu (ví dụ giảm mức tối đa cho phép, bổ sung thêm các loại thông tin và cách thức truy xuất thông tin cho người tiêu dùng…). Do đó, việc tuân thủ các quy định mới nếu có sự chuẩn bị đầy đủ có thể sẽ không phải là quá khó.

- Về mức độ ảnh hưởng tới cạnh tranh chung: Mặc dù các tiêu chuẩn xanh, bền vững thường đi kèm với chi phí tuân thủ cao hơn, phần lớn các chính sách xanh trong lĩnh vực nông sản thực phẩm được EU áp dụng chung cho cả hàng hóa sản xuất tại nội địa EU và hàng nhập khẩu từ bên ngoài. Theo cách này, không chỉ nông sản thực phẩm từ Việt Nam phải gánh thêm các chi phí tuân thủ mà các sản phẩm từ các nguồn khác cũng phải chịu chi phí tương tự. Đối với các trường hợp tiêu chuẩn xanh mới chỉ áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu (ví dụ EUDR), ít nhất các chi phí tăng thêm cũng là vấn đề chung giữa hàng Việt Nam và hàng từ các đối thủ cạnh tranh nhập khẩu. Do đó, trong tổng thể, các tiêu chuẩn xanh, bền vững của EU khi được áp dụng được cho là sẽ không dẫn tới thay đổi đáng kể tương quan cạnh tranh trên thị trường EU, ít nhất là giữa các nguồn nhập khẩu khác nhau và từ góc độ cạnh tranh về giá.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập