Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu dệt may Việt Nam: Những yếu tố thuận lợi

04/12/2023    31

Bên cạnh những thách thức lớn đặt ra đối với ngành dệt may Việt Nam ở thị trường EU từ Thỏa thuận Xanh, việc thực hiện và tuân thủ các chính sách xanh này của doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng có điểm thuận lợi nhất định:

- Thứ nhất, hầu hết các chính sách xanh cụ thể, có ảnh hưởng trực tiếp tới việc sản xuất, xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU hiện mới đang ở dạng dự thảo, được đưa ra để tham vấn công chúng và xem xét nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền của EU, mà chưa được thông qua/ban hành chính thức. Do đó, ở thời điểm này, các nhà sản xuất, xuất khẩu dệt may sang EU chưa phải tuân thủ quy định hay tiêu chuẩn xanh mới đáng chú ý nào. Và vì thế doanh nghiệp vẫn còn thời gian để tìm hiểu và thích ứng dần;

- Thứ hai, trên thực tế, từ một số năm trở lại đây, để thích ứng với các phong trào xanh của người tiêu dùng sở tại, khách hàng EU (các nhà nhập khẩu, chủ các nhãn hàng thời trang) đã đi trước rất xa so với các cơ quan có thẩm quyền ở EU trong chuyển đổi xanh. Từ lâu, các khách hàng lớn của EU đã đặt ra các tiêu chuẩn xanh nhất định đối với nhà sản xuất gia công theo đơn hàng của họ ở các nước thứ ba. Từ đây, một bộ phận đáng kể các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam trên thực tế đã và đang thực hiện các tiêu chuẩn xanh khác nhau trong quy trình sản xuất dệt may, phần lớn trong số này cao hơn quy định thực tế của EU. Vì vậy, khi các chính sách xanh mà hiện EU đang dự thảo có hiệu lực, nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam có thể sẽ không quá khó khăn, bỡ ngỡ khi thực hiện các yêu cầu này;

- Thứ ba, với đặc điểm chủ yếu là sản xuất gia công theo mẫu mã và đơn đặt hàng của các nhãn hàng ở EU, nhóm các nhà sản xuất, xuất khẩu dệt may gia công ở Việt Nam có thể không phải đối tượng phải trực tiếp thực hiện một số yêu cầu xanh cụ thể (ví dụ như thiết kế sinh thái, các tiêu chuẩn về hóa chất/hạt vi nhựa trong sợi vải, ghi nhãn hàng dệt may…), bởi đây vốn là các vấn đề do khách hàng thực hiện/chỉ định. Tất nhiên, ngay cả với nhóm này, ở các khía cạnh liên quan tới quy trình sản xuất trực tiếp (ví dụ cách thức tổ chức sản xuất, công nghệ sử dụng, quy trình xử lý chất thải trong sản xuất, năng lượng sử dụng…), nhà sản xuất xuất khẩu dệt may vẫn là chủ thể chính trong thực hiện các chính sách xanh liên quan không chỉ từ góc độ pháp lý (phải thực hiện theo quy định) mà còn là nhân tố quan trọng trong cạnh tranh (để thu hút đơn hàng từ các khách hàng EU). 

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập