Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu dệt may Việt Nam: Một số khuyến nghị doanh nghiệp thích ứng

04/12/2023    26

Mặc dù hầu hết các chính sách xanh bắt buộc liên quan mới đang ở giai đoạn dự thảo, chưa thông qua và chưa có hiệu lực chính thức, yêu cầu từ người tiêu dùng EU về các sản phẩm dệt may xanh lại là thực tế hiện hữu rõ ràng. Không những thế, ở nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm khác của dệt may Việt Nam (như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…), các phong trào tiêu dùng xanh trong lĩnh vực thời trang cũng đang rất mạnh mẽ. Vì vậy, có thể nói dệt may nằm trong số các lĩnh vực xuất khẩu chịu sức ép chuyển đổi xanh lớn nhất hiện nay.

Do đó, bên cạnh những khuyến nghị chung về cách thức ứng xử trước xu hướng xanh trong chính sách, pháp luật xanh ở EU cho tất cả các ngành bị ảnh hưởng, doanh nghiệp dệt may xuất khẩu được khuyến nghị cần xây dựng chiến lược cụ thể về chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ để đáp ứng các yêu cầu thực tế của thị trường (từ phía người tiêu dùng và khách hàng). 
Chiến lược của mỗi doanh nghiệp có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào mục tiêu sản xuất kinh doanh tổng thể, thị trường xuất khẩu trọng tâm, nguồn lực sẵn có…, tuy nhiên tất cả đều cần bao gồm các hành động chủ động để từng bước xanh hóa quy trình sản xuất, trong đó có:

- Về năng lượng: Chuyển dần sang sử dụng năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện mặt trời/áp mái) nhằm giảm lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất tính trên sản phẩm đầu ra; 

- Về nguyên phụ liệu: Tìm kiếm, phát triển các nguồn nguyên liệu xanh thích hợp (đặc biệt là các nguyên liệu mới từ một số loại thực vật tự nhiên, nguyên liệu từ xơ sợi tái chế), từ đó nâng dần tỷ trọng nguyên liệu xanh trong sản xuất, đáp ứng đòi hỏi của người tiêu dùng; hạn chế sử dụng các loại phụ kiện từ nguyên liệu nhựa, kim loại…

- Về quy trình sản xuất: Chuyển đổi dần công nghệ sản xuất để tránh lãng phí nguồn nguyên vật liệu, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng các loại hóa chất trong xử lý sản phẩm, giảm rác thải, nước thải…

- Về quy trình đóng gói: Tăng cường sử dụng vật liệu đóng gói thân thiện với môi trường, giảm các loại bao bì không cần thiết…

- Về quy trình xử lý chất thải: Nâng cấp công nghệ xử lý rác thải, nước thải từ quá trình sản xuất để đạt hiệu quả xử lý cao hơn.

Đối với phần lớn các doanh nghiệp dệt may tham gia gia công xuất khẩu, chuyển đổi quy trình sản xuất để giảm phát thải, hạn chế ô nhiễm, sản xuất ra các sản phẩm xanh… là yếu tố quan trọng để cạnh tranh thu hút các đơn hàng. 

Còn với các doanh nghiệp có kế hoạch tham gia sâu vào các công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng hàng dệt may (như thiết kế mẫu mã, tự cung ứng nguyên phụ liệu…) hoặc có chiến lược xây dựng thương hiệu riêng (tự chủ hoàn toàn trong toàn chuỗi sản xuất) để xuất khẩu sang EU và thị trường các nước phát triển, chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc để có thể tiếp cận và phát triển tại các thị trường này trong tương lai.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập