Quy chế hoạt động của Ủy ban Tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế

14/06/2010    380

Điều 1 – Quy định chung
          1. Ủy ban Tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế (sau đây gọi tắt là Ủy ban) là đơn vị tư vấn trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp     Việt Nam (VCCI), được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
          2. Ủy ban hoạt động vì sự phát triển bền vững, quyền và lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến chính sách thương mại quốc tế.
          3. Các hoạt động của Ủy ban được hỗ trợ và hài hòa với các hoạt động khác trong Chương trình “Doanh nghiệp và Chính sách thương mại Quốc tế” của VCCI.

Điều 2 – Chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban
Ủy ban có các chức năng và nhiệm vụ sau đây:
          1. Tập hợp, thảo luận, hài hóa lợi ích của các ngành – lĩnh vực trong nền kinh tế nói riêng và của nền kinh tế nói chung; nhân danh cộng đồng doanh nghiệp đề xuất với Chính phủ các phương án phù hợp trong việc hoạch định chính sách, đàm phán và thực thi các cam kết thương mại quốc tế;
          2. Tạo cầu nối, diễn đàn để các cơ quan có thẩm quyền trong việc hoạch định chính sách, đàm phán và thực thi các cam kết quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp trao đổi thông tin, thảo luận các phương án về các vấn đề chính sách thương mại quốc tế;
          3. Tham gia vào các hoạt động nâng cao nhận thức, tăng cường thông tin về chính sách thương mại quốc tế và kỹ năng vận động chính sách cho các các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.

Điều 3 – Thành viên Ủy ban
1. Thành phần
           (i) Ủy ban có các thành viên thuộc 03 nhóm sau:
Nhóm các chuyên gia có kinh nghiệm và tiếng nói trong quá trình đàm phán các cam kết thương mại quốc tế (được mời với tư cách chuyên gia độc lập, không nhất thiết phải đại diện cho quan điểm của Cơ quan mà họ đang trực thuộc);
Nhóm đại diện các hiệp hội ngành hàng (hàng hóa, dịch vụ) quan trọng, đảm bảo tính đại diện tương đối cho các ngành kinh tế trong nền kinh tế;
Nhóm các chuyên gia nghiên cứu về thương mại.
          (ii) Số lượng thành viên của Ủy ban từ 20 thành viên đến 30 thành viên. Tùy thuộc vào tình hình thực tế từng thời kỳ và sự đóng góp của các thành viên vào các hoạt động của Ủy ban, Chủ tịch VCCI quyết định việc thay đổi các thành phần và số lượng thành viên Ủy ban. Danh sách thành viên Ủy ban được ban hành kèm theo Quyết định này.
          (iii) Các cá nhân hoặc đại diện Hiệp hội có tư cách thành viên của Ủy ban từ khi được Chủ tịch VCCI mời và chấp thuận tham gia Ủy ban.
Tư cách thành viên Ủy ban chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
Không còn khả năng tham gia các hoạt động của Ủy ban theo quyết định của Chủ tịch VCCI; hoặc
Tự nguyện đề nghị thôi làm thành viên Ủy ban.
           (iv) Đại diện của VCCI trong Ủy ban giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban. Chủ tịch Ủy ban thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Quy chế này.
2. Các quyền và nghĩa vụ
           (i) Thành viên Ủy ban có các quyền sau đây:
Nêu và bảo lưu ý kiến cá nhân và/hoặc ý kiến của tổ chức mà mình đại diện liên quan đến các Đề xuất chính sách của Ủy ban;
Đề xuất các ý kiến đối với chương trình làm việc và định hướng hoạt động của Ủy ban;
Hưởng thù lao hỗ trợ cho các hoạt động và công việc thực hiện trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban.
           (ii) Thành viên Ủy ban có các nghĩa vụ sau:
Tham gia tích cực, nhiệt tình và hiệu quả vào các hoạt động của Ủy ban ;
Phối hợp với các thành viên khác và Ban Thư ký Ủy ban để thực hiện có hiệu quả nhất các chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban.

Điều 4 – Ban Thư ký của Ủy ban
1. Ban Thư ký của Ủy ban là đơn vị giúp việc cho Ủy ban trong việc:
           (i) Thực hiện các công việc về nội dung phục vụ các phiên họp của Ủy ban;
           (ii) Thực hiện các công việc hành chính cho các phiên họp của Ủy ban;
           (iii) Thực hiện các hoạt động theo dõi tác động và phản hồi Đề xuất Chính sách của Ủy ban từ phía các cơ quan có thẩm quyền;
           (iv) Tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ các hiệp hội doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức, tăng cường thông tin và xây dựng năng lực.
           (v) Đảm nhiệm hoạt động thường xuyên của Ủy ban giữa hai phiên họp.
2. Ban Thư ký sử dụng nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để thực hiện các hoạt động của mình.

Điều 5 – Phương thức hoạt động của Ủy ban
Ủy ban hoạt động theo các phương thức sau:
           1. Các phiên họp định kỳ (6 tháng/lần) và các phiên họp bất thường (khi cần thiết theo triệu tập của Chủ tịch Ủy ban để giải quyết những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng mà Chủ tịch Hội đồng thấy cần thiết phải triệu tập họp).
           2. Các hình thức hoạt động cụ thể, linh hoạt của Ban Thư ký và các thành viên Ủy ban trong việc:
Tổ chức, thực hiện nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến chính sách thương mại quốc tế;
Tổng hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến về những vấn đề liên quan (tổ chức đào tạo, xuất bản ấn phẩm, chủ trì và hướng dẫn các diễn đàn, vận hành Cổng thông tin về Chính sách Thương mại quốc tế..);
Các hoạt động khác thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban
Hoạt động thường xuyên giữa hai phiên họp của Ủy ban được đảm nhiệm bởi Ban Thư ký của Ủy ban, có báo cáo và xin chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban trước khi tiến hành các hoạt động. Ban Thư ký báo cáo về việc triển khai và kết quả của các hoạt động thường xuyên này trong phiên họp định kỳ của Ủy ban.

Điều 6 – Phiên họp của Ủy ban
1. Ban Thư ký chịu trách nhiệm chuẩn bị:
            (i) Chương trình họp của Ủy ban (các vấn đề về chính sách thương mại mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm hoặc đang trong quá trình đàm phán);
            (ii) Các nội dung thảo luận;
            (iii) Dự thảo Đề xuất Chính sách.
Các tài liệu này phải được Ban Thư ký chuẩn bị và gửi trước cho các thành viên Ủy ban muộn nhất là 7 ngày lịch trước ngày tiến hành phiên họp. Việc gửi thông tin được thực hiện bằng thư điện tử và thư gửi qua bưu điện/chuyển trực tiếp/fax.
2. Phiên họp được triệu tập nếu có sự tham gia của đại diện ít nhất 50% số thành viên Ủy ban. Trường hợp thành viên không thể tham gia phiên họp (trực tiếp/cử đại diện) nhưng gửi ý kiến bình luận bằng văn bản về các vấn đề của Chương trình họp thì xem như có mặt.
3. Tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban sẽ trao đổi, thảo luận và bỏ phiếu về từng vấn đề chính sách thuộc Chương trình họp. Ủy ban quyết định theo đa số phiếu (có mặt hoặc bằng văn bản) về từng vấn đề chính sách được đề xuất. Trường hợp số phiếu bằng nhau, vấn đề chính sách quyết định theo phiếu của Chủ tịch Ủy ban.
4. Kết quả của các phiên họp là các Bản Đề xuất Chính sách gửi các cơ quan liên quan dựa trên kết quả bỏ phiếu về các vấn đề chính sách.
5. Các phiên họp của Ủy ban có thể có sự tham gia (được thảo luận nhưng không có quyền bỏ phiếu) của đại diện hiệp hội doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, các chuyên gia và các đơn vị liên quan không phải là thành viên của Ủy ban nếu cần thiết theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban.
6. Các đơn vị báo chí, truyền thông có thể tham dự, viết bài, đưa tin về các phiên họp của Ủy ban trừ khi Chủ tịch Ủy ban có quyết định khác khi cần thiết.

Điều 7 – Tài chính
1. Ủy ban hoạt động trên cơ sở các nguồn tài chính sau:
Các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế;
Ngân sách Nhà nước;
Các nguồn thu khác;  và/hoặc
Ngân sách của VCCI.
Trong mọi trường hợp, VCCI đảm bảo nguồn tài chính để hoạt động của Ủy ban và Ban Thư ký được triển khai thường xuyên, liên tục.
2. Hoạt động tài chính của Ủy ban được thực hiện trong khuôn khổ và theo cơ chế tài chính của VCCI và các cơ chế tài chính của các đơn vị tài trợ, nếu có.

Điều 8 – Điều khoản cuối cùng
1. Quy chế hoạt động này có hiệu lực kể từ ngày có quyết định phê chuẩn của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
2. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động này chỉ có hiệu lực khi được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phê chuẩn./


Phụ lục
Quy trình thực hiện các công việc thuộc chức năng của Ban Thư ký Ủy ban


A. Quy trình chuẩn bị nội dung cho các phiên họp của Ủy ban
Bước 1 – Tìm kiếm thông tin, tiếp nhận đề xuất
Trên cơ sở đề nghị/kiến nghị chính sách của thành viên Ủy ban, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, các đối tượng khác hoặc theo sáng kiến của mình, Ban Thư ký tiến hành:
         (i) Phân tích, làm rõ nội dung các đề xuất, kiến nghị chính sách;
         (ii) Tìm kiếm, xác định thông tin về các chính sách đang/sẽ đàm phán của Chính phủ có liên quan đến đề xuất, kiến nghị chính sách nêu trên.
Bước 2 – Dự kiến Chương trình họp của Ủy ban
Căn cứ vào kết quả phân tích các kiến nghị, đề xuất, sáng kiến chính sách với tình hình đàm phán, thực thi các cam kết thương mại quốc tế vào thời điểm đó và trong 6 tháng liền sau đó, Ban Thư ký xây dựng Dự thảo Chương trình họp của Ủy ban.
Ban Thư ký gửi Dự thảo Chương trình họp đến Chủ tịch Ủy ban trước khi phiên họp diễn ra ít nhất là 2 tháng. Chủ tịch Ủy ban có trách nhiệm bình luận, điều chỉnh Chương trình họp trong thời hạn 2 tuần kể từ ngày nhận được Dự thảo. Ban Thư ký điều chỉnh Dự thảo trình Chủ tịch Ủy ban thông qua.
Trong mọi trường hợp, Chương trình họp phải được thông qua muộn nhất là 1 tháng trước khi tiến hành phiên họp.
Bước 3 – Xây dựng Dự thảo Đề xuất Chính sách phục vụ phiên họp của Ủy ban
Trên cơ sở Chương trình họp đã được Chủ tịch Ủy ban thông qua, Ban Thư ký tiến hành xây dựng dự thảo chi tiết:
          (i) Các nội dung thảo luận
Bao gồm:
Xác định các chủ đề thảo luận cơ bản;
Phân tích sơ bộ về tác động dự kiến của mỗi chủ đề đối với các nhóm ngành – lĩnh vực có thể có liên quan;
Tập hợp thông tin và trình bày tóm tắt về các lập luận ủng hộ và phản đối với mỗi chủ đề thảo luận.
          (ii) Dự thảo Đề xuất Chính sách
Bao gồm:
Xây dựng kết cấu và các nội dung cơ bản của Đề xuất chính sách;
Chuẩn bị các lập luận thích hợp cho từng vấn đề cơ bản;


B. Quy trình hoàn thiện Đề xuất Chính sách, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền và theo dõi phản hồi
Bước 1 – Hoàn thiện Đề xuất Chính sách
Dự thảo Đề xuất chính sách sau khi được chỉnh sửa theo kết quả thảo luận và bỏ phiếu tại Ủy ban trở thành Đề xuất Chính sách chính thức của Ủy ban. Mỗi phiên họp sẽ có 01 Đề xuất Chính sách.
Bước 2 - Chuyển Đề xuất Chính sách đến các cơ quan có thẩm quyền
Ban Thư ký gửi Đề xuất Chính sách đến tất cả các cơ quan có thẩm quyền trong hoạch định, đàm phán, thực thi chính sách được nêu trong Đề xuất Chính sách.
Ban Thư ký sau đó gửi Đề xuất Chính sách đến các cơ quan báo chí, truyền thông trừ trường hợp Chủ tịch Ủy ban quyết định khác.
Ban Thư ký với sự phối hợp của các chuyên gia, cá nhân, tổ chức khác có thể chuyển thể nội dung Đề xuất Chính sách theo các hình thức khác (bài báo, bài tóm tắt, bài phỏng vấn…) phù hợp với yêu cầu truyền thông để giới thiệu, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Đề xuất chính sách.
Bước 3 – Theo dõi phản hồi
Ban Thư ký tiếp nhận tất cả những phản hồi, nếu có, từ các cơ quan đã nhận Đề xuất Chính sách và thông báo bằng văn bản hoặc email đến các thành viên Ủy ban về các nội dung chính của từng phản hồi. Ban Thư ký chịu trách nhiệm chuyển tải các thông tin phản hồi đến các cơ quan báo chí, truyền thông trừ khi Chủ tịch Ủy ban quyết định khác.
Trường hợp cơ quan nhận Đề xuất Chính sách không có phản hồi, Ban Thư ký liên hệ, xác định đầu mối tiếp nhận tại cơ quan đó để xác định tình trạng xử lý đối với Đề xuất Chính sách của Ủy ban và thông báo kết quả cho các thành viên Ủy ban.

C. Quy trình thực hiện các hoạt động khác (đào tạo, tuyên truyền phổ biến, khảo sát, nghiên cứu, cung cấp thông tin, truyền thông…) thuộc Chương trình “Doanh nghiệp và Chính sách Thương mại Quốc tế”
Bước 1 – Sáng kiến hoạt động
Trên cơ sở kế hoạch hành động hàng năm của Chương trình, theo yêu cầu của các hiệp hội doanh nghiệp, theo sáng kiến của thành viên Ủy ban, theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị liên quan, Ban Thư ký xác định hoạt động cụ thể của Chương trình trong từng thời điểm.
Bước 2 – Triển khai hoạt động
Ban Thư ký chuẩn bị các hoạt động logistics cần thiết cho việc triển khai các hoạt động của Chương trình và dự kiến danh sách các thành viên Ủy ban hoặc các chuyên gia khác (sau đây gọi chung là chuyên gia) thích hợp tham gia các hoạt động tương ứng và mời họ tham gia hoạt động.
Ban Thư ký thông báo các yêu cầu và lịch trình thực hiện mỗi hoạt động cho các chuyên gia liên quan. Các chuyên gia này thực hiện việc chuẩn bị nội dung tham gia đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như được thông báo, gửi lại cho Ban Thư ký trước khi tiến hành hoạt động và trực tiếp tham gia thực hiện các hoạt động, nếu có.
Bước 3 – Kết thúc hoạt động
Hàng quý, Ban Thư ký có trách nhiệm tổng hợp kết quả hoạt động của Chương trình đã được triển khai trong quý, đánh giá tiến độ thực hiện so với kế hoạch năm của Chương trình. Bản tổng hợp kết quả hoạt động quý được gửi đến tất cả các thành viên Ủy ban để báo cáo và có kế hoạch phối hợp cho các hoạt động tiếp theo, nếu có.

D. Tài chính cho các hoạt động Ban Thư ký thực hiện trong khuôn khổ Chương trình “Doanh nghiệp và Chính sách thương mại quốc tế”
Các hoạt động mà Ban Thư ký của Ủy ban thực hiện trong khuôn khổ Chương trình được đảm bảo bằng nguồn tài chính của Chương trình. VCCI có trách nhiệm đảm bảo nguồn tài chính cho Chương trình.
Các chuyên gia tham gia vào các hoạt động của Chương trình do Ban Thư ký tổ chức thực hiện được thanh toán thù lao theo tính chất, nội dung hoạt động và chất lượng kết quả đầu ra (như thỏa thuận trong hợp đồng giữa VCCI và chuyên gia cho hoạt động đó).