Tin tức

Startup từng bước trưởng thành tại thị trường quốc tế

15/04/2024    64

Dù còn khá non trẻ, lại ra đời trong giai đoạn tình hình thị trường đang khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp (startup) Việt Nam vẫn khẳng định được bản lĩnh tuổi trẻ và từng bước trưởng thành ở cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài.

Đưa đặc sản Việt ra thế giới

Nhiều sản phẩm do các startup phát triển có điểm đặc biệt là được phát triển dựa trên những đặc sản địa phương, vùng miền, từ đó mở ra một chặng đường phát triển mới cho những món ăn quê hương này. Điển hình như câu chuyện của chị Hoàng Bảo Trâm, người sáng lập Công ty TNHH 2G với các sản phẩm bánh tráng tẩm gia vị như bánh tráng mắm ruốc, bánh tráng sốt tôm, bánh tráng gà cay, bánh tráng ớt tỏi… Hành trình khởi nghiệp của Bảo Trâm là những nỗ lực hướng dẫn các hộ dân tại Đơn Dương (Lâm Đồng) chuẩn hóa quy trình sản xuất bánh tráng - vốn là nghề truyền thống tại đây, để đạt được các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng chính nhờ đó, từ vùng đất Đơn Dương, món ăn đặc sản này không chỉ đến với khách hàng khắp cả nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

Chị Hoàng Bảo Trâm cho biết, bên cạnh việc có mặt tại hơn 6.000 điểm bán hàng, siêu thị lớn trên cả nước, các sản phẩm bánh tráng của công ty hiện đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Anh, Australia…

Tương tự, Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè cũng đã mở ra một bước tiến mới cho cây dừa sáp của vùng đất Cầu Kè (Trà Vinh) với các sản phẩm chế biến từ dừa sáp mang thương hiệu Vicosap như kẹo dừa sáp, dừa sáp sấy, sữa chua dừa sáp… Chị Lâm Ngọc Tú, Phó Giám đốc Vicosap cho biết, sau khi được thành lập vào năm 2020, đến khoảng tháng 10/2021, Vicosap đã có đơn hàng xuất khẩu đầu tiên đi Nhật. Đến nay, thị trường xuất khẩu của Vicosap đã được mở rộng tới các thị trường Mỹ, Anh, Đài Loan, Hồng Kông và vào tháng 11/2023 có thêm thị trường Canada.

Trao đổi với Tạp chí Hải quan, anh Phạm Đình Ngãi, CEO Trà Vinh Farm vui mừng chia sẻ, sau khi xuất khẩu thành công tới Nhật, Mỹ, Hà Lan và Đức, vào tuần trước, một lô hàng sản phẩm chế biến sâu từ mật dừa nước mang thương hiệu Sokfarm vừa được xuất khẩu đi Australia. Đặc biệt, đơn hàng xuất khẩu của Sokfarm hiện khá đều đặn hàng tháng, có khách hàng yêu cầu tăng gấp đôi lượng đặt hàng so với trước đây.

Câu chuyện thương hiệu Mr Mướp của DNTN Thảo Minh cũng khá độc đáo khi phát triển nhiều sản phẩm từ nguồn nguyên liệu tưởng chừng như bỏ đi tại Việt Nam là xơ mướp. Ấn tượng hơn cả là các sản phẩm như bông tắm, đồ chơi cho thú cưng từ xơ mướp của Mr Mướp đã được xuất khẩu đi Nhật suốt 10 năm qua với số lượng ổn định lên tới vài chục nghìn sản phẩm mỗi tháng. Anh Đỗ Đăng Khoa, sáng lập Mr Mướp cho biết, nhờ đáp ứng được các tiêu chí xanh, thân thiện môi trường nên các sản phẩm từ xơ mướp rất được khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Hiện kênh xuất khẩu đang chiếm tỷ trọng tới 80% trong tổng doanh số của Mr Mướp.

Trưởng thành hơn qua mỗi đơn hàng

Theo chia sẻ của các đơn vị startup, việc xuất khẩu thành công ra thị trường nước ngoài không chỉ là lời giải cho bài toán đầu ra của sản phẩm, mà còn giúp DN từng bước hoàn thiện chính mình và ngày càng trở nên trưởng thành hơn. Anh Đỗ Đăng Khoa cho biết, trong 10 năm qua, Mr Mướp đã học hỏi được rất nhiều từ đối tác Nhật Bản, từ vấn đề chất lượng, đặc tính của sản phẩm, mẫu mã, bao bì đóng gói cho đến công tác đàm phán, giá cả… “Đối tác Nhật đã trực tiếp xuống tận xưởng sản xuất của Mr Mướp để xem xét các điều kiện sản xuất, tính toán các chi phí để làm sao tối ưu nhất, mang lại lợi ích cho cả đôi bên” – anh Đỗ Đăng Khoa cho biết.

Từ kinh nghiệm có được khi làm việc với đối tác Nhật, cuối năm 2023, Mr Mướp đã thành công phát triển thêm thị trường Hàn Quốc và hiện đang đàm phán với 3 đối tác châu Âu khá tiềm năng. Hiện startup này đang rất tự tin chinh phục thêm những thị trường mới. Theo kế hoạch, trong năm nay, Mr Mướp sẽ tiếp tục tham gia nhiều hội chợ quốc tế tại Thượng Hải, Dubai, châu Âu… Đặc biệt, khi xu hướng tiêu dùng trong nước cũng đang quan tâm nhiều tới các sản phẩm, xanh, thân thiện với môi trường, Mr Mướp cũng dự định sẽ vận dụng những kinh nghiệm đã có được từ các thị trường nước ngoài để chinh phục nhiều hơn các khách hàng trong nước. Với nhu cầu đang không ngừng tăng lên, anh Đỗ Đăng Khoa cho biết hiện Mr Mướp đang trong quá trình triển khai mở rộng sản xuất, dự kiến nâng công suất lên gấp 3 so với hiện tại.

Tương tự, anh Phạm Đình Ngãi cho biết, hành trình chinh phục các thị trường nước ngoài của Sokfarm luôn song hành với quá trình học hỏi và tích lũy kinh nghiệm không ngừng qua từng đơn hàng. Đặc biệt, với định hướng xây dựng Sokfarm thành một DN tạo tác động xã hội, mang lại sinh kế bền vững cho người nông dân, bảo vệ môi trường, quá trình làm việc với tác đối tác quốc tế đã hỗ trợ Sokfarm rất nhiều trên hành trình nhiều khó khăn này.

Anh Phạm Đình Ngãi cho biết, mục tiêu đặt ra của Sokfarm là doanh số xuất khẩu năm nay sẽ đạt khoảng 4 tỷ đồng, vượt trội hơn hẳn so với mức 1 tỷ đồng đạt được năm 2023. Cùng với đó, tỷ trọng doanh thu xuất khẩu cũng sẽ tăng từ 7-8% hiện tại lên 15% trong năm nay. Thậm chí, Sokfarm kỳ vọng đến năm 2030, kênh xuất khẩu sẽ chiếm khoảng 50% trong tổng doanh thu của công ty. Hiện Sokfarm đang xây dựng thêm nhà xưởng mới đặt ở vùng nguyên liệu tại Trà Vinh với công suất gấp 2-3 lần nhà máy hiện hữu. Dự kiến mỗi ngày nhà máy này sẽ sản xuất khoảng 10-12 tấn nguyên liệu, giải quyết đầu ra cho khoảng 50ha dừa tại địa phương.

Trong khi đó chị Hoàng Bảo Trâm lại xem những yêu cầu, tiêu chuẩn mà các nhà nhập khẩu đặt ra là động lực cho sự hoàn thiện sản phẩm của DN. “Hiện có một số yêu cầu của nước nhập khẩu công ty chưa đáp ứng được, nhưng đang nỗ lực để có thể hoàn thiện trong thời gian tới để có được chỗ đứng vững chắc hơn tại các thị trường” - chị Hoàng Bảo Trâm chia sẻ.

Với câu chuyện của Vicosap, chị Lâm Ngọc Tú chia sẻ, để xuất khẩu thành công ra thị trường nước ngoài đòi hỏi sự kiên trì rất lớn. Bởi DN sẽ phải trải qua rất nhiều giai đoạn, bao gồm cả việc hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ, các chứng nhận… Tuy nhiên, mỗi đơn hàng thành công là một sự bảo chứng cho chất lượng và cả sự chuyên nghiệp trong cách làm việc của DN. Vào cuối năm 2023, Vicosap đã đạt được chứng nhận Halal và DN này đang nỗ lực chinh phục thị trường các nước Hồi giáo. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là mục tiêu mà Vicosap đang nỗ lực hướng tới. Năm 2023, DN này cũng đã mở thêm nhà xưởng mới để đảm bảo hoạt động sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận về chất lượng theo yêu cầu của khách hàng.

Nguồn: Báo Hải quan