Tin tức

Doanh nghiệp cảng biển “bắt tay” mở rộng chuỗi cung ứng logistics

29/03/2024    106

Để mở rộng chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trong vận chuyển hàng hóa XNK, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh cảng biển Việt Nam đã chọn cách “bắt tay” với doanh nghiệp nước ngoài.

Liên kết phát triển dịch vụ logistics

Ngoài việc đầu tư trang thiết bị hiện đại gia tăng dịch vụ tại cảng, nhiều DN kinh doanh dịch vụ cảng biển đã “bắt tay” với DN ngoại với mục tiêu phát triển dịch vụ, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mới đây, ngày 21/3/2024, nhân Hội nghị và Triển lãm Cảng biển và Logistics Philippines 2024, cảng quốc tế Long An và Opascor (Philippines) đã nhận diện cơ hội hợp tác cùng phát triển và ký kết Ý định thư, chính thức hóa mối quan hệ hợp tác. Việc hợp tác cùng Opascor sẽ mang lại những lợi ích chung và các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực các bên cùng quan tâm, trong đó là cam kết phát triển cảng thông minh, cảng xanh và phát triển bền vững. Đây sẽ là cơ hội cho cảng quốc tế Long An trên hành trình trở thành cảng biển được quốc tế công nhận và lựa chọn tại châu Á.

Tại sự kiện này, ông Võ Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần cảng Long An đã chia sẻ về tầm nhìn chiến lược và mong muốn hợp tác lâu dài với Opascor: “Là quốc gia láng giềng trong khu vực ASEAN, cảng quốc tế Long An luôn mong muốn kết nối cơ hội hợp tác với Opasco nói riêng và cộng đồng DN của hai địa phương, từ đó xây dựng xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, chia sẻ và học hỏi trong hoạt động vận hành, khai thác cảng biển”- ông Võ Quốc Huy nhấn mạnh.

Đầu tháng 3/2024, cảng Sài Gòn và Cảng Thanh Đảo thuộc Tập đoàn SPG (Trung Quốc) đã ký thỏa thuận ghi nhớ và kết nghĩa hợp tác trong khai thác cảng biển. Làm việc với Tập đoàn SPG, Tổng giám đốc cảng Sài Gòn Nguyễn Lê Chơn Tâm chia sẻ, cảng Sài Gòn mong muốn hợp tác kết nối logistics phục vụ phát triển XNK của hai nước. Theo ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, năm 2023, sản lượng hàng hóa thông qua SPG là 1,7 tỷ tấn hàng rời và 40 triệu TEU; sản lượng hàng hóa thông qua cảng Sài Gòn bao gồm các Liên doanh là 20 triệu tấn hàng rời và 2,5 triệu TEU. Tập đoàn SPG hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa quốc gia nhưng ba mảng chính nổi bật nhất là khai thác cảng và dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu và mảng dịch vụ hậu cần. Theo đó, hai cảng hợp tác trong lĩnh vực vận tải hàng hải và hậu cần, đồng thời, cảng Sài Gòn và SPG chia sẻ kinh nghiệm về các sáng kiến vận tải biển xanh, khuyến khích trao đổi chuyên môn thường xuyên hơn và các chuyến thăm thực địa cũng như hợp tác nghiên cứu học tập để thúc đẩy chia sẻ kiến thức và đổi mới.

Phát triển chuỗi cung ứng sang Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 97 tỷ USD. Để khai thác hiệu quả chuỗi cung ứng giữa hai nước, hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ, nhiều cảng biển Việt Nam đã lựa chọn hợp tác với các cảng lớn của Hoa Kỳ.

Cuối năm 2023, nhân chuyến công tác tham dự Hội nghị APEC, Đoàn công tác của TP Hải Phòng đã thăm và làm việc với nhiều cảng lớn của Hoa Kỳ để kết nối hợp tác phát triển chuỗi dịch vụ logistics. Trong đó, để khai thác cụm cảng nước sâu Lạch Huyện, có thể đón được tàu trọng tải 200.000 tấn và liên kết đa phương thức trong mạng lưới vận tải quốc tế, TP Hải Phòng đã chọn hợp tác với cảng New York và New Jersey là cảng lớn nhất ở bờ biển phía Đông Hoa Kỳ, cũng như là cửa ngõ quan trọng kết nối vận tải đa phương thức. Hai bên cam kết sẽ tăng cường trao đổi thông tin liên quan về các thị trường phát triển và mới nổi; nghiên cứu ngành và các cơ hội liên quan đến chuỗi cung ứng; tổ chức các sự kiện thương mại chung tại khu vực New York và New Jersey hoặc TP Hải Phòng; chia sẻ kiến thức về các công nghệ mới nổi, số hóa; giảm lượng khí thải carbon; chuyển đổi năng lượng...

Cũng nằm trong nội dung phát triển hoàn thiện chuỗi hoạt động logistics, trước đó, Đoàn công tác của TP Hải Phòng đã có buổi làm việc và trao Biên bản ghi nhớ về hợp tác nhằm nghiên cứu, đầu tư, phát triển cảng tổng hợp Nam Đồ Sơn (Hải Phòng) với cảng Los Angeles, Hoa Kỳ, Tập đoàn phát triển đô thị Kinh Bắc và Tập đoàn Energy Capital…

Tương tự, trong khuôn khổ chương trình thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của Đoàn công tác tỉnh Long An nhằm kết nối DN với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực công nghiệp, chuyển đổi số, xuất nhập khẩu, dịch vụ, logistics… cảng quốc tế Long An và cảng Long Beach (Hoa Kỳ) đã ký kết Ý định thư thiết lập quan hệ. Qua đó, chính thức hóa mối quan hệ kết nghĩa của hai cảng, mở ra cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, vận hành cảng và kết nối thị trường nhằm nâng cao sản lượng hàng hóa trung chuyển, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Sự kiện góp phần thúc đẩy thương mại toàn cầu và khám phá các cơ hội tăng trưởng giữa hai cảng biển trọng điểm trong khu vực xuyên Thái Bình Dương.

Đánh giá việc hợp tác này, ông Mario Cordero, Tổng giám đốc cảng Long Beach nhận định, việc ký kết thể hiện mong muốn của cảng Long Beach về thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận hợp tác không chỉ trong thương mại mà còn hướng đến phát triển bền vững, giảm khí thải và thân thiện môi trường. “Qua đó, chúng tôi muốn hợp tác lâu dài để cảng quốc tế Long An và cảng Long Beach là cầu nối trung chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và ngược lại”- ông Mario Cordero nhấn mạnh tại sự kiện.

Theo ông Võ Quốc Huy, ngoài cảng Long Beach, cảng quốc tế Long An còn hợp tác với cảng Oakland (Hoa Kỳ). Theo bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết vào tháng 8/2023, cảng quốc tế Long An và cảng Oakland sẽ hợp tác chặt chẽ trên các lĩnh vực khai thác cảng, bao gồm: chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, vận hành cảng; thúc đẩy mối quan hệ để tạo thị trường nhằm nâng cao sản lượng hàng hóa trung chuyển giữa hai cảng. Đồng thời, hỗ trợ để kết nối các DN XNK, thông qua đó tăng cường kết nối giao thương giữa các DN tỉnh Long An và bang California nói riêng, giữa các DN Việt Nam và Hoa Kỳ nói chung.

Nguồn: Báo Hải Quan