Tin tức

Chuyện áp thuế GTGT đối với dịch vụ thư tín dụng L/C

27/03/2024    160

Thư tín dụng L/C (Letter of Credit) là công cụ thanh toán phổ biến trong thương mại quốc tế nhờ vào độ an toàn và uy tín của nó. Việc thu thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) đối với hoạt động này sẽ mang lại một nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong khi các quy định pháp lý và quan điểm từ cơ quan có thẩm quyền vẫn còn chưa thống nhất thì quyết định áp dụng thuế GTGT đối với dịch vụ L/C hợp lý không?

Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 5366/TCT-DNL ngày 30-11- 2023(1) về kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ về thuế GTGT đối với hoạt động thư tín dụng L/C, nhằm thông báo thực hiện việc áp dụng loại thuế này đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có hoạt động cung cấp dịch vụ thư tín dụng L/C.

Quy định về thư tín dụng vẫn chưa thật sự rõ ràng

Thư tín dụng L/C theo Quy tắc thực hành thống nhất tín dụng chứng từ (UCP 600) mang bản chất của một chứng từ bảo lãnh thanh toán có điều kiện và các bên có thể thỏa thuận lựa chọn các điều kiện của thư tín dụng L/C, khi bộ chứng từ đáp ứng điều kiện này thì việc thanh toán sẽ được đảm bảo(2). Trong khi đó tại Việt Nam, bản chất của thư tín dụng L/C lại chưa được xác định một cách rõ ràng và thống nhất. Cụ thể như sau:

Với quy định tại khoản 14 điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, thư tín dụng có thể được xem là một nghiệp vụ cấp tín dụng, mặc dù không được liệt kê cụ thể, bởi hình thức này tồn tại một thỏa thuận giữa bên nhập khẩu và ngân hàng cấp thư tín dụng về việc ngân hàng này sẽ thực hiện việc thanh toán khi đáp ứng đủ điều kiện đặt ra trong thư tín dụng. Tất nhiên, để được cấp thư tín dụng, bên nhập khẩu phải có một khoản ký quỹ tại ngân hàng cấp thư tín dụng, hoặc phụ thuộc vào uy tín của bên nhập khẩu dựa trên đánh giá của ngân hàng. Sau khi ngân hàng cấp thư tín dụng thanh toán tiền cho ngân hàng thông báo (ngân hàng tại nước của bên xuất khẩu), bên nhập khẩu có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền này cho ngân hàng cấp thư tín dụng.

Mặc dù vậy, quy định tại khoản 15 điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 lại ghi: cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng. Theo quy định này, thư tín dụng được liệt kê như một dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

Theo quy định tại khoản 8 điều 5 Luật Thuế GTGT 2008, sửa đổi bởi Luật Thuế GTGT sửa đổi 2013, hoạt động cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, trong khi đó, hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản không thuộc đối tượng không chịu loại thuế này. Có thể nói, chính quy định có phần chưa rõ ràng tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã khiến việc xác định thuế GTGT của dịch vụ cấp thư tín dụng L/C trở nên khó khăn.

Ở góc độ quản lý thuế, Tổng cục Thuế, theo nội dung tại Công văn số 1606/TCT-DNL ngày 22-4-2020(3), dựa vào quy định tại khoản 15 điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng để khẳng định dịch vụ thư tín dụng L/C là một hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản nên sẽ thu thuế đối với các tổ chức tín dụng có phát sinh hoạt động này kể từ thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực.

Liệu căn cứ này có thật sự hợp lý?

Về mặt câu chữ, rõ ràng đang có sự bất cập trong quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010, cụ thể là quy định tại khoản 14 và 15 điều 4 của luật này. Như đã đề cập, về mặt bản chất, dịch vụ cấp thư tín dụng L/C được hiểu như một cam kết thanh toán của ngân hàng, hoạt động này chỉ khác nghiệp vụ bảo lãnh ở điểm đối với bảo lãnh, ngân hàng chỉ thực hiện việc thanh toán nếu bên được bảo lãnh không thực hiện các nghĩa vụ của mình. Trong khi đó, đối với dịch vụ cấp thư tín dụng L/C, ngân hàng cấp thư tín dụng sẽ thay cho bên nhập khẩu để thanh toán trước cho ngân hàng thông báo, khi đã nhận đủ chứng từ hợp lệ. Hoạt động này không yêu cầu bên nhập khẩu phải thanh toán trước cho bên xuất khẩu. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 15 điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, các hoạt động được liệt kê đơn thuần chỉ là hoạt động thanh toán qua tài khoản, việc đưa hoạt động cấp thư tín dụng vào quy định này là khá khiên cưỡng, chỉ xem xét trên góc độ phương thức thanh toán qua tài khoản của dịch vụ này mà không xem xét bản chất đây vẫn là một hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng.

Một điểm khác biệt cơ bản khác mà chúng tôi cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần phải lưu tâm đó là sự khác nhau giữa hoạt động cấp tín dụng và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

Cụ thể, đối với hoạt động cấp tín dụng, đơn cử như cho vay, ngân hàng sẽ cho phép bên vay được sử dụng một khoản tiền, theo nguyên tắc có hoàn trả, nhưng vẫn dựa trên cơ sở khả năng của bên vay được bảo đảm bằng các tài sản bảo đảm tại ngân hàng (trừ vay tín chấp). Khoản tiền mà bên vay được sử dụng và khoản tiền bảo đảm của bên vay tại ngân hàng là khác nhau.

Trong khi đó, đối với hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, bên sử dụng dịch vụ chỉ có thể sử dụng dịch vụ này dựa vào số dư trong tài khoản của họ mở tại ngân hàng cung ứng dịch vụ, hay nói cách khác, số tiền mà bên sử dụng dịch vụ dùng để thanh toán là số tiền mà họ có tại ngân hàng đó. Đối với dịch vụ thư tín dụng L/C, khoản tiền mà ngân hàng cấp thư tín dụng sử dụng để thanh toán cho ngân hàng thông báo là khoản tiền mà ngân hàng này cho phép bên nhập khẩu được sử dụng trước để thanh toán hoạt động mua hàng. Khoản tiền này hoàn toàn không phải là số tiền mà bên nhập khẩu ký quỹ tại ngân hàng cấp thư tín dụng.

Như vậy, việc Tổng cục Thuế sử dụng quy định tại khoản 15 điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng để truy thu thuế đối với hoạt động cấp thư tín dụng phát sinh từ năm 2011 tới nay là chưa thật sự hợp lý.

Đẩy các tổ chức tín dụng vào tình thế khó xử

Thuế GTGT với bản chất là thuế gián thu, sẽ đánh vào tỷ lệ phần trăm giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ từ hành vi của sử dụng dịch vụ. Do đó, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thư tín dụng L/C là người trực tiếp và cuối cùng chịu thuế GTGT, còn tổ chức tín dụng chỉ là bên trung gian khai, nộp thuế. Do đó, việc Tổng cục Thuế yêu cầu thu thuế đối với các hoạt động cung ứng dịch vụ thư tín dụng L/C từ thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực không những gây nên áp lực rất lớn cho các tổ chức tín dụng, mà còn đặt các tổ chức này vào một tình huống khó xử, khi mà từ trước đến nay, dịch vụ thư tín dụng L/C vốn không chịu thuế GTGT, theo hướng dẫn tại Công văn số 11754/BTC-CST ngày 6-9-2010 của Bộ Tài chính(4) hay thậm chí là Công văn số 4520/TCT-DNL ngày 4-10-2017 của chính Tổng Cục thuế(5).

Ngoài ra, khoản 2 điều 9 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định việc không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp tiền thuế đối với người nộp thuế vi phạm hành chính về thuế do thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế (kể cả các văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực).

Việc các tổ chức tín dụng không kê khai và nộp thuế GTGT đối với dịch vụ thư tín dụng L/C được thực hiện theo văn bản hướng dẫn của cơ quan thuế và các cơ quan có thẩm quyền khác. Do đó, theo quy định trên, hành vi này sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Hay nói cách khác, việc Tổng cục Thuế thông báo sẽ xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức tín dụng có hoạt động cấp thư tín dụng L/C nhưng vi phạm quy định về kê khai, nộp thuế GTGT theo nội dung tại Công văn số 5366/TCT-DNL ngày 30-11-2023 dường như chưa thật sự thuyết phục được các tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam.

Tóm lại, những tranh cãi về việc liệu rằng dịch vụ cấp thư tín dụng L/C là một hoạt động cấp tín dụng hay cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản đến nay gần như đã ngã ngũ, bởi lẽ theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024, đã được thông qua ngày 18-1-2024 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, dịch vụ cấp thư tín dụng L/C đã được liệt kê để trở thành một hoạt động cấp tín dụng, thay vì cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Do đó, mối quan tâm hiện nay chỉ là giải quyết vấn đề về thuế GTGT đối với hoạt động cấp thư tín dụng L/C kể từ thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực đến trước ngày 1-7-2024. Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Tổng cục Thuế cần sớm có phương án xử lý, hướng dẫn cụ thể và phù hợp với bản chất của vấn đề cũng như thực tế thực hiện để không đẩy các tổ chức tín dụng vào thế khó xử.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn