Tin tức

Viễn cảnh tái diễn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc

22/03/2024    81

Theo báo Washington Post, các nhà kinh tế nhận định, nhiều sản phẩm của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường toàn cầu như ô tô, chip máy tính và đồ điện tử, tạo tiền đề một cuộc chiến thương mại mới giữa Mỹ và châu Âu với Trung Quốc.

Đẩy mạnh hàng xuất khẩu

Nhu cầu nội địa của Trung Quốc vẫn chưa trở lại như mức trước đại dịch Covid-19, nhất là bất động sản bị đóng băng, khiến giá hàng hóa của nước này đang giảm. Trong khi đó, sản lượng xuất xưởng của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này buộc Trung Quốc phải đẩy mạnh việc đưa hàng hóa ra nước ngoài. Cục Thống kê Mỹ cho biết trong tháng 2, hàng Trung Quốc xuất qua Mỹ có giá thấp hơn 3,1% so với một năm trước.

Bắc Kinh trong vài năm qua đã đầu tư vào các nhà máy mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ, những người không tiếc tiền mua hàng nhập khẩu trong thời kỳ đại dịch, cũng như phát triển các ngành công nghệ cao như xe điện và pin.

Theo cơ quan nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics (trụ sở ở London, Anh), từ cuối năm 2019, sản lượng sản xuất của Trung Quốc, vốn đứng số 1 thế giới, đã tăng khoảng 1/4. Trong khi sản xuất tại các nhà máy của Mỹ trong cùng thời kỳ không thay đổi và vẫn thấp hơn 7% so với mức đỉnh năm 2007.

Theo ông Neil Shearing, Giám đốc Điều hành Capital Economics, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc tính theo phần trăm sản lượng toàn cầu hiện lớn hơn so với giai đoạn trước khi Tổng thống Donald Trump áp thuế đối với hầu hết hàng nhập khẩu của Trung Quốc và gần đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Rủi ro với Mỹ và châu Âu

Hàng hóa Trung Quốc giá rẻ có thể khiến doanh số bán hàng của các nhà sản xuất Mỹ bị ảnh hưởng, đe dọa kỳ vọng thúc đẩy số lượng việc làm tại nhà máy trong năm bầu cử của chính phủ ông Joe Biden.

Vẫn theo Washington Post, nhà kinh tế học Brad Setser, cựu quan chức Bộ Tài chính thời ông Barack Obama làm tổng thống, cho rằng Trung Quốc mở rộng năng lực sản xuất trong nhiều lĩnh vực, một số lĩnh vực mang tính chiến lược, một số lĩnh vực khác là ưu tiên của Mỹ và châu Âu. Điều đó đang tạo ra căng thẳng.

Đáng kể nhất là rủi ro đối với các nhà sản xuất ô tô, nhất là ở châu Âu. Các nhà máy Trung Quốc có thể sản xuất 40 triệu ô tô mỗi năm, nhiều hơn 15 triệu chiếc so với mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Hồi đầu tháng, các quan chức châu Âu cho biết điều tra thương mại cho thấy “bằng chứng đầy đủ” việc Trung Quốc trợ cấp sản xuất xe điện theo cách có thể gây hại cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu.

Tại Mỹ, theo Hiệp định Thương mại Bắc Mỹ (Mỹ, Mexico, Canada - USMCA), ô tô phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ trong khu vực nhằm ngăn cản các công ty Trung Quốc xuất ô tô sản xuất tại Mexico sang Mỹ. Tuy nhiên, ô tô Trung Quốc cuối cùng vẫn đến Mỹ thông qua Hàn Quốc hoặc các quốc gia khác có hiệp định thương mại tự do với Mỹ.

Tuần trước, Liên đoàn Công nhân ngành thép Mỹ cũng đã kiến nghị với Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai yêu cầu điều tra về ngành đóng tàu của Trung Quốc.

Trong khi đó, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Liu Pengyu đã bác bỏ những lo ngại về lĩnh vực sản xuất đang phát triển mạnh mẽ của nước này; cho rằng không thể giới hạn nhu cầu ở một quốc gia hoặc khu vực, mà cần xét trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế.

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng