Tin tức

Xuất khẩu đồ gỗ: Sau cơn mưa, trời sẽ sáng?

22/03/2024    44

Năm 2024, triển vọng thương mại toàn cầu được dự báo chưa thật sự khởi sắc. Tuy nhiên, những tín hiệu phục hồi tích cực của một số thị trường chủ lực như Mỹ, EU… đã đem lại sự lạc quan cho ngành xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam.

Năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt khoảng 14,5 tỉ đô la Mỹ, giảm hơn 15% so với năm 2022. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 20 năm qua của ngành hàng này. Bước sang năm 2024 mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng triển vọng của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đã có những tín hiệu tích cực.

“Lấy lại phong độ” ngay từ đầu năm mới

Theo các số liệu của Hiệp hội Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), thị trường gỗ đang phục hồi trở lại ngay từ tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện đơn hàng tại nhiều doanh nghiệp đã phục hồi tới 80-90%. Có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến giữa năm nay.

Ông Lê Hà Trọng Châu, Phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Đức Thiện, cho biết doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 6-2024. Với những diễn biến hiện tại, công ty dự kiến trong năm 2024 sẽ đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 20%.

“Đây là kết quả tích cực của ngành hàng. Trong điều kiện cực kỳ khó khăn bởi chiến tranh, căng thẳng ở Biển Đỏ khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn mà mặt hàng đồ gỗ vẫn tăng kim ngạch là rất đáng mừng và chúng tôi hy vọng rằng trong năm nay việc xuất khẩu gỗ sẽ tốt hơn”, ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội hàng Thủ công mỹ nghệ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco), đánh giá.

Phân tích cơ sở của kỳ vọng này, ông Mạnh cho biết, gần đây dấu hiệu lạm phát ở Mỹ – thị trường nhập khẩu lớn nhất mặt hàng từ gỗ Việt Nam – đã bớt gay gắt hơn. Thêm vào đó, hàng tồn kho ở nước này được tích lũy trước dịch tới nay đã bán gần hết và nhà mua hàng sẽ quay vòng để đặt hàng trở lại trong năm 2024, đặc biệt là quí 3 năm nay. Chính những tín hiệu này tạo hy vọng, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp rằng đơn hàng sẽ quay trở lại.

Có đồng quan điểm với ông Mạnh, ông Điền Quang Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2, cũng cho biết: “So với năm ngoái, hiện các đơn hàng cho quí 1-2024 của doanh nghiệp đã tạm ổn. Mặc dù thị trường chung còn khó khăn nhưng Việt Nam có lợi thế đối ngoại rất tốt nên đối tác vẫn chọn chúng ta để mua hàng”.

Chưa thể vội mừng

Mặc dù có tín hiệu phục hồi tích cực song theo bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, triển vọng thương mại toàn cầu trong năm 2024 được dự báo chưa thật sự khởi sắc, tiếp tục tác động không thuận lợi tới hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó có sản phẩm gỗ và lâm sản.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng vẫn cần cảnh giác với bối cảnh thế giới đầy biến động khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng toàn cầu còn yếu, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.

Cùng với đó, ngành gỗ vẫn đối mặt với những thách thức lớn khi rào cản thương mại nước ngoài ngày càng khắt khe, các chứng chỉ về quản lý rừng bền vững hay chứng chỉ giảm phát thải carbon buộc nhà chế biến sản xuất sản phẩm gỗ phải tuân thủ khi muốn xuất hàng sang thị trường các nước. Ngoài ra, xu hướng thị trường xuất khẩu gỗ hiện đã có nhiều thay đổi khi doanh nghiệp chỉ nhận được đơn hàng theo thời gian ngắn và nhà nhập khẩu yêu cầu cao hơn về mẫu mã, chất lượng.

“Đơn hàng hiện khác trước rất nhiều, không còn xuất khẩu ồ ạt hàng chục container mà thay vào đó doanh nghiệp tập trung vào hàng mẫu để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Việc làm hàng mẫu khá tốn kém và đòi hỏi nhân sự giỏi cũng là một vấn đề doanh nghiệp phải giải quyết”, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Sadaco, nói.

Trong khi đó, theo ông Điền Quang Hiệp, đáng quan ngại hơn là sự gián đoạn của vận tải liên quan khu vực Biển Đỏ đang làm đội chi phí vận chuyển hàng đi châu Âu. “Đầu ra của sản phẩm gỗ vốn đã khó thì nay lại càng khó hơn và điều quan trọng với doanh nghiệp lúc này phải thận trọng, bình tĩnh để đưa ra chiến lược kinh doanh có hiệu quả”, ông Hiệp nói.

Nói đến vấn đề này, ông Trần Quốc Mạnh cho biết thêm, thực tế không chỉ cước tàu biển đi châu Âu bị đội lên mà ngay cả thị trường Mỹ cũng đã tăng trên 200% so với trước, tăng từ mức 1.000 đô la Mỹ/cont lên 4.000 đô la Mỹ/cont 40 feet, trong khi đó cả hai thị trường này đều là thị trường chủ lực của ngành xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam. Một thách thức khác là thời gian giao hàng đang bị kéo dài hơn trước đây và số container rỗng quay lại cũng khan hiếm và tất cả những điều này đang tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp.

Buộc phải thích nghi để tồn tại

Tuy vậy, đối với các doanh nghiệp gỗ, năm 2024 là năm thứ 3 của giai đoạn khó khăn. Lúc này doanh nghiệp không thể nói “đứng trước khó khăn” mà buộc phải “thích nghi” với khó khăn. Vì vậy, theo các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, vấn đề hiện nay của họ là làm sao để nhà máy tiếp tục tồn tại, phát triển.

Với Sadaco, ông Trần Quốc Mạnh cho biết doanh nghiệp không đánh mạnh vào các đơn hàng dài hạn như trước đây, mà thay vào đó làm các đơn hàng ngắn hạn, làm hàng mẫu theo yêu cầu của khách hàng.

“Xu hướng thị trường xuất khẩu gỗ hiện đã có nhiều thay đổi. Do đó, việc tham gia xúc tiến thương mại sẽ giúp doanh nghiệp cập nhật xu hướng mới, nắm bắt thị hiếu của khách hàng để có những chiến lược kinh doanh phù hợp. Và qua các hội chợ, chúng tôi đã tìm được khách hàng, đi đến những ký kết hợp đồng sau đó”, ông Mạnh nói.

Bàn về câu chuyện chiến lược thích nghi cho ngành gỗ, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, cho rằng chuyển đổi từ sản xuất gia công (OEM) sang phát triển sản phẩm có thiết kế riêng (ODM) để nâng cao giá trị sản phẩm gỗ, nội thất “made in Việt Nam” là một trong những mục tiêu trọng yếu đặt ra hiện nay.

“Thay vì gia công vài đô la Mỹ/món hàng, tại sao chúng ta không tự thiết kế và sản xuất để có những món hàng giá trị vài trăm đô la? Điều cốt lõi này nằm ở giá trị thiết kế, mà người Việt Nam hoàn toàn làm được”, ông Khanh nhấn mạnh.

Nói về xu hướng đầu tư cho thiết kế trong ngành gỗ, nội thất hiện nay, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA, cũng cho biết trong năm 2023 đã nổi lên một số doanh nghiệp gặt hái được thành công nhờ đầu tư vào thiết kế, cá biệt có doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng trên 300%.

Ông Phương cũng chỉ rõ rằng để có nhiều đơn hàng có giá trị cao, nhiều doanh nghiệp từ năm ngoái đã đầu tư vào tham gia hội chợ, đặc biệt là hội chợ quốc tế. Cụ thể, để tham gia các hội chợ quốc tế, các doanh nghiệp phải có những thiết kế riêng, đặc sắc, các thiết kế đặc sắc của mình sẽ tạo thêm giá trị gia tăng vượt trội.

Trên thực tế, sự đầu tư này cũng được thể hiện rõ tại HAWA EXPO 2024 vừa diễn ra khi các gian hàng có sự vượt trội về mức độ “chịu chi” với rất nhiều mẫu mã mới, chất lượng được nâng cao, nhiều thiết kế riêng được giới thiệu tới các khách hàng Mỹ, châu Âu… Các doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, tập trung trưng bày những sản phẩm thể hiện kỹ thuật cao với những thiết kế độc quyền, giúp khách hàng dễ dàng nhận diện năng lực của doanh nghiệp.

Có thể thấy, vẫn còn đó nhiều khó khăn ngành gỗ năm 2024 sẽ chưa thể lấy được đủ đà để trở lại đỉnh cao của những năm trước. Tuy nhiên, tâm lý doanh nghiệp đã bình tĩnh hơn, nhiều tín hiệu lạc quan đã được ghi nhận để từ đó kỳ vọng “sau cơn mưa bầu trời sẽ sáng trở lại” với ngành hàng đứng thứ 5 thế giới – ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn