Tin tức

Thực thi Hiệp định EVFTA: Đổi mới hoạt động công đoàn, đảm bảo cam kết về lao động

25/12/2023    221

Trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) các cam kết về lao động, công đoàn là nội dung quan trọng. Hiện Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách, đảm bảo thực thi cam kết của hiệp định. TS. Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Báo Công Thương.

Đến nay, các cam kết về lao động, công đoàn trong EVFTA về cơ bản đã được nội luật hóa vào Hệ thống pháp luật về lao động của Việt Nam, trong đó có Bộ Luật Lao động năm 2019. Bà chia sẻ gì về vấn đề này?

Các cam kết về lao động, công đoàn của Việt Nam trong các FTA nói chung và Hiệp định EVFTA cơ bản đã được nội luật hoá trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Các nguyên tắc và quyền cơ bản của người lao động theo Tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 1998 đều đã được bảo vệ trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, các vấn đề về lao động trong hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chưa thực sự được hoàn thiện. Do Việt Nam đang từng bước xây dựng hệ thống quan hệ lao động phù hợp hơn với tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Đơn cử như quyền thương lượng tập thể, là quyền cơ bản của người lao động và gần đây mới được bảo vệ đối với người làm công ăn lương trong khu vực tư nhân. Hay quyền tổ chức, thương lượng tập thể của người lao động tự do, người lao động trên các nền tảng… cũng chưa có được quy định cụ thể.

Tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như EVFTA, việc thúc đẩy hoàn thiện các quy định của pháp luật về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là điều tất yếu. Theo bà, vấn đề này mang lại các tác động và đặt ra thách thức nào trong quá trình thực hiện?

Bộ luật Lao động năm 2019 đã công nhận sự ra đời và hoạt động hợp pháp của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp. Những quy định này đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của ILO và thực hiện cam kết về lao động, công đoàn trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia; giúp người lao động có thêm cơ hội được lựa chọn thành lập, gia nhập hoặc tham gia các tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Mặc dù vậy, một vấn đề đặt ra đó là khi pháp luật cho phép người lao động thành lập tổ chức ở cơ sở sẽ tác động như nào tới công đoàn, bởi công đoàn tại doanh nghiệp cũng là tổ chức của người lao động tại cơ sở. Điều này đặt ra thách thức với tổ chức công đoàn đó là làm sao bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, có được sự tin tưởng của người lao động đối với tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, môi trường lao động cũng rất khác khi có tổ chức của người lao động ra đời.

Trước các vấn đề đặt ra, người sử dụng lao động như các doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực như da giày, dệt may sẽ phải có nhiều giải pháp làm sao để hài hoà lợi ích cho người lao động khi trong một môi trường có nhiều tổ chức đại diện cho người lao động. Trong đó, các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể với các tổ chức phải hướng tới xây dựng mối dựng mối quan hệ lao động tích cực, nghĩa là vừa tốt cho người lao động vừa mang lại các lợi ích đối với người sử dụng lao động.

Thời gian tới, theo bà các chính sách pháp luật của Việt Nam như Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động cần bổ sung, sửa đổi những quy định nào để đảm bảo phù hợp cam kết của EVFTA về lao động?

Nhằm thực hiệc các cam kết lao động trong Hiệp định EVFTA, trước hết theo tôi chúng ta phải đổi mới hoạt động của công đoàn, nhằm thực hiện vai trò là tổ chức bảo vệ tốt nhất cho người lao động. Như phát triển đoàn viên, bầu đại diện cho người lao động tại cơ sở; có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ lợi ích cho người lao động.

Đặc biệt, tổ chức công đoàn cần phải tiếp tục tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện các chính sách pháp luật về người lao động, làm sao để các quy định đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người lao động. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy thương lượng tập thể trong phạm vi doanh nghiệp, phù hợp với cơ sở về tiền lương, điều kiện làm việc tốt hơn và tiến tới thúc đẩy thương lượng ở cấp ngành, quốc gia. Ngoài ra, công đoàn cần thúc đẩy tư vấn pháp luật cho người lao động, để họ hiểu và tự bảo vệ lợi ích của mình ở nơi làm việc.

Mới đây, công đoàn cũng đã tham gia vào cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia về tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Công đoàn đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất để tăng lương tối thiểu cho khu vực tư nhân và Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt thông qua mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 lên 6%. Kết quả này rất đáng mừng cho thấy người sử dụng lao động chia sẻ khó khăn với người lao động, cũng như thể hiện tiếng nói từ công đoàn.

Đối với các quy định chính sách pháp luật, ngoài Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động cũng cần quan tâm mở rộng quyền đối thoại, thương lượng tập thể, có quy định về tổ chức đại diện cho người lao động làm công ăn lương cũng như lao động tự do, người làm việc trên các nền tảng theo cam kết FTA. Cùng với đó, cần quan tâm bảo vệ cán bộ công đoàn chặt chẽ, hiệu quả hơn, tránh nguy cơ bị phân biệt đổi xử khi bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động theo pháp luật về lao động.

Hiện, Viện Công nhân và Công đoàn là thành viên là Nhóm tư vấn trong nước (DAG) để giám sát thực thi về Chương thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định EVFTA. Chúng tôi đang tham gia và tích cực thực hiện tốt vai trò của mình, hy vọng góp phần đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người lao động cũng như đảm bảo thực thi các cam kết của Việt Nam về lao động tại Hiệp định EVFTA.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Báo Công thương