Tin tức

Doanh nghiệp cần lên kế hoạch ứng phó sớm với thuế carbon

08/12/2023    162

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, Ths. Phan Minh Hòa - giảng viên kinh tế Đại học RMIT, cho rằng trong xu hướng ngày càng nhiều quốc gia đánh thuế carbon với các mặt hàng xuất khẩu; nếu chậm chân, các sản phẩm của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh. Doanh nghiệp cần lên kế hoạch ứng phó sớm. Với Việt Nam, tác động trước mắt sẽ là đối với những mặt hàng xuất khẩu sang EU.

PV: Hiện nay, xu hướng đánh thuế carbon với các hàng hóa nhập khẩu ngày càng phổ biến, trong đó có các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ… Theo bà, điều này tác động thế nào tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam?

Ths. Phan Minh Hòa: Thuế carbon với hàng nhập khẩu là một công cụ chính sách mới mà Liên minh châu Âu (EU) là nơi đầu tiên thực hiện. Theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính, trong quy trình sản xuất tại nước xuất khẩu. CBAM đã bắt đầu từ ngày 1/10/2023 với giai đoạn chuyển tiếp và đến 2034 sẽ chính thức vận hành toàn bộ.

Bên cạnh EU, Chính phủ Anh cũng đã tham vấn về CBAM cuối tháng 3/2023 và dự kiến chính thức áp dụng đánh thuế này từ 2026, trùng với mốc của EU, nhằm tránh viễn cảnh các sản phẩm nhiều hàm lượng carbon sẽ chuyển hướng xuất khẩu từ EU vào Anh.

Hoa Kỳ cũng đã và đang cân nhắc việc đánh thuế carbon hàng nhập khẩu trong suốt một thập kỷ qua và các thảo luận gần đây trước những diễn biến từ EU lại nóng lại. Nhật Bản cũng có kế hoạch áp dụng thuế các bon với các nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch như các công ty năng lượng, lọc dầu, sản xuất thép, bắt đầu từ năm tài khóa 2028 - 2029.

Với Việt Nam, tác động trước mắt sẽ là đối với những mặt hàng xuất khẩu sang EU. Hiện tại, đối tượng điều chỉnh ban đầu của CBAM là 6 mặt hàng: sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro, trong đó 4 mặt hàng Việt Nam có khả năng xuất khẩu.

Cụ thể, ngành thép và nhôm, nơi EU chiếm tỷ trọng trong xuất khẩu lần lượt khoảng 18% và 7% tổng xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Với xi măng, tỷ trọng này chỉ là 1% và với phân bón, kim ngạch xuất khẩu chỉ khoảng 1 triệu USD nên ảnh hưởng sẽ không đáng kể.

Trong “Báo cáo đánh giá tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU và khuyến nghị đối với Việt Nam”, các tác giả đánh giá tác động của CBAM hiện tại chưa lớn, kết quả mô hình cho thấy sản lượng thép giảm khoảng 0,8% vào năm 2030, xuất khẩu giảm 3,7% (khi xuất khẩu thép sang EU giảm thì xuất khẩu sang các thị trường khác tăng bù lại). Tương tự, với ngành nhôm, sản lượng sẽ giảm 0,5% và xuất khẩu giảm 4,3% cùng kỳ.

Tuy nhiên nhìn rộng ra, trong tương lai các mặt hàng mà CBAM của EU điều chỉnh có thể sẽ được mở rộng hơn (như sứ, bột giấy, giấy, nhựa…) và các thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản… cũng có thể sẽ tiếp bước EU áp dụng thuế carbon với hàng nhập khẩu, khi đó tác động sẽ lớn hơn.

PV: Có thể thấy trong xu hướng ngày càng nhiều quốc gia đánh thuế carbon với các mặt hàng xuất khẩu. Nếu chậm chân, các sản phẩm của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh, thậm chí vấp phải các rào cản tại những thị trường xuất khẩu. Vậy theo bà, các doanh nghiệp (DN) cần phải làm gì để ứng phó với thuế carbon?

Ths. Phan Minh Hòa: Trước mắt, các DN trong 4 nhóm ngành sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón xuất khẩu sang EU cần nâng cao nhận thức về các yêu cầu của CBAM và tác động có thể xảy ra, đồng thời cân nhắc những chi phí để tuân thủ CBAM. Những DN chưa thuộc diện điều chỉnh của CBAM nhưng có nguy cơ cao vẫn cần theo dõi cập nhật chính sách này của EU cũng như của các quốc gia khác.

Tiếp theo, DN cần lên kế hoạch ứng phó sớm, rà soát chuỗi cung ứng sản phẩm, chuyển đổi sản xuất xanh (như sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió mà Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng); kiểm soát chặt chẽ và xây dựng báo cáo phát thải; chuẩn bị đầy đủ dữ liệu, chia sẻ thông tin với chính phủ để phát triển hệ thống dữ liệu phát thải quốc gia của Việt Nam; sẵn sàng cho các yêu cầu về báo cáo kiểm kê khí nhà kính.

Ngoài ra, DN cần hợp tác với nhà nhập khẩu, với các nhà cung ứng và chính phủ. Việc chuyển đổi sản xuất không phải là câu chuyện của từng DN riêng lẻ, khi một đơn vị cung ứng giảm phát thải, các DN trong chuỗi hoạt động cũng sẽ đến gần hơn với mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Khi có mạng lưới DN cùng nỗ lực giảm phát thải, trung hòa carbon gắn kết với nhau, các DN sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh và cơ hội mới.

DN cũng nên tích cực tham vấn với Chính phủ trong việc xây dựng các chính sách như định giá carbon và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao năng lực.

PV: Chuyển đổi sản xuất, giảm phát thải carbon hoặc trao đổi tín chỉ carbon đối với các DN lớn có tiềm lực tài chính đã là một thách thức, nhưng điều này càng khó khăn hơn với các DN nhỏ và vừa. Vậy theo bà, cần có những hỗ trợ như thế nào cho các DN trong câu chuyện này?

Ths. Phan Minh Hòa: Việt Nam nên tích cực tham gia đối thoại với các đối tác như EU để đàm phán, tìm kiếm những miễn trừ, ưu đãi có thể với các nước đang phát triển, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật từ các nước phát triển để thích ứng với những luật lệ mới. Việt Nam cũng cần thúc đẩy hợp tác với các nước xuất khẩu khác để tăng cường vị thế trong đàm phán.

Về mặt khung chính sách trong nước, Việt Nam đã có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và các loại phí môi trường đối với khai thác khoáng sản từ năm 2011. Chúng ta cần cập nhật những chính sách này, xây dựng và ban hành thuế carbon và phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước để DN có thể mua bán, từ đó tạo nguồn thu khuyến khích DN sản xuất xanh.

Đồng thời, Nhà nước cần có ưu đãi cho đầu tư mới của DN vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới thân thiện với môi trường, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm nhiên liệu. Nguồn thu từ thuế carbon cần được phân bổ đúng vào mục tiêu tài trợ DN và xã hội bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, để hỗ trợ DN nâng cao nhận thức, Nhà nước có thể xây dựng một đầu mối phối hợp giữa các bộ ngành, cung cấp thông tin cụ thể hướng dẫn DN tuân thủ những quy định mới, đào tạo nâng cao năng lực của DN và nhận thức của xã hội về vấn đề này.

PV: Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam