Tin tức

Tăng cường xúc tiến thương mại đầu tư mở rộng quan hệ hợp tác Việt Nam và Bỉ

29/11/2023    69

Theo bà Pascale Delcomminette, Giám đốc điều hành Cơ quan Đầu tư và Xuất khẩu vùng Wallonie, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là dấu ấn mạnh mẽ về việc tăng cường hợp tác kinh tế. Thỏa thuận này mở ra chân trời cho các doanh nghiệp Việt Nam và Bỉ, cũng như với các nước Liên minh châu Âu nói chung, tạo thuận lợi cho thương mại và thúc đẩy môi trường cùng có lợi.

Bỉ - đối tác tích cực và năng động trong EU

Là một trong những nước phát triển ở Tây Âu, Vương quốc Bỉ đứng thứ 24 trên thế giới và thứ 8 trong Liên minh châu Âu (EU) về quy mô GDP, là trung tâm phân phối và trung chuyển hàng hóa của châu Âu. Với vai trò là thành viên sáng lập EU, Bỉ đi tiên phong trong quá trình xây dựng EU mạnh, nhất thể hóa. Với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bỉ duy trì tương đối đồng đều quan hệ với các quốc gia, trong đó tại khu vực Đông Nam Á, Bỉ coi trọng quan hệ với Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Bỉ là một trong những nước Tây Âu sớm công nhận và chính thức thiết lập quan hệ với Việt Nam. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, Chính phủ và nhân dân Bỉ đã dành cho Việt Nam sự quan tâm quý báu thông qua các dự án viện trợ, tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới. Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước đang trên đà phát triển tích cực. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19. Việt Nam và Bỉ đã tiến hành 4 kỳ tham vấn chính trị luân phiên cấp Thứ trưởng Ngoại giao từ năm 2013 tới nay.

Hai nước cũng hợp tác hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như: Liên Hợp quốc, ASEM, ASEAN, hợp tác tiểu vùng sông Mê Công và cùng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Quan hệ nghị viện giữa Việt Nam và Bỉ được triển khai ở các cấp độ, đạt nhiều kết quả tích cực, thông qua các chuyến thăm cấp cao, gặp gỡ, tiếp xúc giữa các nghị sĩ và phối hợp trên các diễn đàn nghị viện đa phương. Đáng chú ý, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, chuyến thăm và làm việc tại Bỉ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào tháng 9/2021 đã làm sâu sắc thêm quan hệ hai nước và hai nghị viện. Trong các cuộc làm việc, hai bên chia sẻ những nhận thức chung về tiềm năng hợp tác to lớn, sâu rộng trong quan hệ song phương, trong đó Bỉ công bố hỗ trợ Việt Nam nhiều vaccine, thiết bị y tế và bộ xét nghiệm Covid-19, bày tỏ đoàn kết với Việt Nam trong đẩy lùi dịch bệnh.

Vượt qua những biến động khó lường của tình hình kinh tế thế giới, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Bỉ trong thời gian qua không ngừng phát triển và gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp. Bỉ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU. Theo số liệu thống kê chính thức, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng từ 6 đến 10%/năm. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều cán mốc 4,73 tỷ USD. Về đầu tư FDI, tính đến tháng 3/2023, Bỉ có 87 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam có 4 dự án đầu tư tại Bỉ, với giá trị 12,6 triệu USD, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.Về hợp tác phát triển, Bỉ đã hỗ trợ 300 triệu USD viện trợ phát triển cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực nước sạch, xử lý rác thải, tăng cường thể chế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục, góp phần hỗ trợ Việt Nam vững bước trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Lĩnh vực nông nghiệp là một trong những điểm sáng nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Bỉ là điểm đến của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, nhất là thủy sản và cà phê. Hiện nay, hai bên đang hợp tác kỹ thuật giữa các trường, viện nghiên cứu nông nghiệp; phát triển hệ thống hậu cần đường thủy phục vụ xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang châu Âu; thúc đẩy triển khai chuỗi logistics lạnh thông minh, hợp tác phát triển ngành ca cao, an toàn thực phẩm.

Tiếp tục hiện thực hóa tiềm năng mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Chia sẻ tại cuộc họp báo giới thiệu Đoàn Thương mại vùng Wallonie, Vương quốc Bỉ đến thăm và tìm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam diễn ra vào ngày 27/11, bà Pascale Delcomminette, Giám đốc điều hành Cơ quan đầu tư và Xuất khẩu vùng Wallonie nhận định: “Sự năng động của Việt Nam thực sự ấn tượng, một quốc gia đang tiến lên phía trước với sự đổi mới, kiên cường. Nền kinh tế Việt Nam, đặc trưng bởi tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, các lĩnh vực đa dạng và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, mang đến nhiều cơ hội hợp tác. Theo bà Pascale Delcomminette, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực vào năm 2020 là dấu ấn mạnh mẽ về việc tăng cường hợp tác kinh tế. Thỏa thuận này mở ra chân trời cho các công ty của cả hai bên, tạo thuận lợi cho thương mại và thúc đẩy môi trường cùng có lợi.

“Các công ty ở Wallonia có thể thâm nhập vào thị trường Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận những cơ hội to lớn do Liên minh châu Âu mang lại. Wallonia, với vị trí địa lý quan trọng ở trung tâm châu Âu, là nơi lý tưởng để các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường 400 triệu người tiêu dùng. Vì vậy, khi nhìn về tương lai, chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn về sức mạnh tổng hợp giữa thế mạnh của Wallonia và những cơ hội mà Việt Nam mang lại. Nền kinh tế của chúng tôi, với các công ty và các nhóm công ty cạnh tranh trong các lĩnh vực then chốt, với chuyên môn công nghệ và cam kết bền vững, phù hợp với khát vọng của nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Thế mạnh của chúng tôi về công nghệ sinh học và hậu cần, mở ra con đường hợp tác có thể thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển chung”, bà nhấn mạnh.

Bà đánh giá cao việc ký Ý định thư nhân chuyến làm việc của Đoàn thương mại dịp này, đại diện Cơ quan đầu tư và Xuất khẩu vùng Wallonie khẳng định tràn đầy lạc quan về việc tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa Việt Nam và vùng Wallonia nói riêng, cũng như với Vương quốc Bỉ nói chung. “Sự hợp tác của chúng tôi với Vietrade không chỉ đơn thuần là hình thức giấy tờ; mà nó là minh chứng cho tầm nhìn chung về một tương lai nơi hợp tác kinh tế là không có giới hạn. đó là sự cống hiến của cả AWEX và Vietrade nhằm thúc đẩy một môi trường hợp tác, cùng phát triển và thịnh vượng chung. Chúng tôi đang tạo ra một con đường để các doanh nghiệp, doanh nhân và các nhà đổi mới sáng tạo từ cả hai quốc gia cùng nhau trao đổi ý tưởng và tạo ra sức mạnh tổng hợp vượt qua biên giới. Đó là cam kết tạo thuận lợi cho thương mại, khuyến khích đầu tư và thúc đẩy trao đổi hài hòa về kiến thức và chuyên môn. Chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh của quan hệ đối tác và thông qua thỏa thuận này, chúng tôi mong muốn tăng cường liên kết kinh tế giữa Việt Nam và Bỉ và cụ thể hơn là Vùng Wallonia, mở ra cánh cửa cho những khả năng mới và thành công chung để cùng nắm bắt những cơ hội ở phía trước, với niềm tin vững chắc rằng sự hợp tác của hai bên sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho các khu vực và quốc gia tương ứng, mà còn góp phần vào bức tranh lớn hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, bà Pascale Delcomminette nhận định.

Dẫn số liệu thống kê của Bộ Công Thương, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Vương quốc Bỉ hiện đang có 88 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,1 tỷ USD. Bỉ là quốc gia rất tích cực và năng động, có vị trí rất nổi bật trong EU. Vương quốc Bỉ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam, với tổng kim ngạch thương mại lên tới 4,73 tỷ USD vào năm 2022; trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Vương quốc Bỉ trong ASEAN. Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020, Vương quốc Bỉ đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Đánh giá cao việc Cục Xúc tiến thương mại và AWEX ký kết Ý định thư nhằm hợp tác trong hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư giữa hai nước, ông Lê Hoàng Tài khẳng định đây là viên gạch đầu tiên tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác giữa hai bên. Qua đó, tăng cường liên kết giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ và cụ thể hơn là vùng Wallonia, mở ra cánh cửa cho những khả năng hợp tác mới và thành công chung. Theo đó sự kiện gặp gỡ, ký kết Ý định thư kết nối, hợp tác các hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai bên sẽ tiếp tục tạo nền tảng cho mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước, đồng thời mở ra cơ hội tăng cường xuất, nhập khẩu, đầu tư giữa các doanh nhân Việt Nam và vùng Wallonie.

Ông Karl Van Den Bossche, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam cho biết, Phái đoàn Kinh tế thương mại vùng Wallonine của Bỉ tới Việt Nam lần này gồm 20 công ty, doanh nghiệp có quy mô, lĩnh vực kinh doanh và kinh nghiệm khác nhau nhưng đều đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam và đều có chung mong muốn tạo dựng mối liên hệ hiệu quả với các doanh nghiệp Việt Nam. Nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - Bỉ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hợp tác kinh doanh, ông Karl Van Den Bossche mong muốn Chính phủ Việt Nam miễn thị thực cho doanh nghiệp của Bỉ như đã áp dụng với các doanh nghiệp 7 nước EU khác. “Về phía Bỉ, chúng tôi sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ để doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, thúc đẩy kinh doanh tại Bỉ, cũng như EU, trong đó sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp đi lại trong khu vực Schengnen”, ông Karl Van Den Bossche khẳng định./.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Dự báo