Tin tức

Cơ hội cho Việt Nam từ dịch chuỗi cung ứng công nghệ Hà Lan

06/11/2023    44

Việt Nam trở thành điểm dừng chân của Thủ tướng Hà Lan và phái đoàn công nghệ, mở ra cơ hội cho nước ta đón nhận dòng vốn chuyển dịch chuỗi cung ứng ngành công nghệ từ Châu Âu.

Ngày 01/11 mới đây, Việt Nam trở thành điểm dừng chân của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Điểm đáng chú ý trong số 23 doanh nghiệp công nghệ tháp tùng nhà lãnh đạo Hà Lan đến Việt Nam lần này, có những nhà cung ứng cho công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới ASML.

Là một quốc gia có diện tích nhỏ với những đặc điểm địa lý không mấy thuận lợi, nhưng Hà Lan từ lâu đã là một trong những cường quốc hàng đầu về công nghệ. Hà Lan không chỉ được xem là cửa ngõ của Châu Âu, mà còn là nơi nắm giữ những công nghệ hàng đầu trong ngành bán dẫn, nổi bật nhất là ASML - nơi nắm giữ các bí quyết về công nghệ in thạch bản tia cực tím vô cùng quan trọng để tạo ra các sản phẩm bán dẫn có độ tinh vi và chính xác cực cao.

Tìm kiếm cơ hội chuyển dịch chuỗi cung ứng công nghệ

Xung đột địa chính trị ngày càng lan rộng với phương Tây đã ảnh hưởng lớn đến thương mại trong ngành bán dẫn. Sau các lệnh hạn chế của Mỹ, Hà Lan cùng một số nước khác cũng đưa ra các rào cản tương tự để ngăn Bắc Kinh sở hữu các thiết bị tối tân nhất.

Để phản ứng với các lệnh hạn chế của Hà Lan, Trung Quốc cũng bổ sung các rào cản xuất khẩu đối với các kim loại và nguyên liệu quan trọng mà nước này thống trị. Động thái này khiến chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu trở nên rối loạn, khiến triển vọng biến kinh tế xanh thành trụ cột tăng trưởng tương lai của nhiều nước bị đe dọa nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, Hà Lan đã phải tức tốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc mang tính bền vững và an toàn hơn cho ngành công nghệ. 

Vào tháng 3 năm nay, các nhà cung ứng cho gã khổng lồ ASML Holding đã xem xét xây dựng nhà máy ở Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng chính trị quốc tế gia tăng. Theo Reuters, Cơ quan Phát triển Brabant (BOM), một cơ quan công quyền của Hà Lan, cho biết hàng chục công ty công nghệ sẽ xem xét một số quốc gia như Việt Nam, Malaysia và Singapore để thúc đẩy chiến lược này.

“Phần lớn các công ty đang xem xét mở rộng/thiết lập các địa điểm sản xuất ở Việt Nam hoặc Malaysia”, Reuters dẫn báo cáo do cơ quan này cùng với Brainport Industries, đại diện cho 200 công ty sản xuất công nghệ cao có trụ sở ở Hà Lan, cho biết.

Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ngoài chương trình kỷ niệm 50 năm ngoại giao với một đối tác ngày càng quan trọng và mạnh mẽ ở Đông Nam Á, nhà lãnh đạo Hà Lan còn mang theo gần 30 doanh nghiệp công nghệ để tìm hiểu các cơ hội đầu tư.

Là quốc gia láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam sở hữu những mỏ đất hiếm khổng lồ, ước tính đứng thứ 2 thế giới mà chưa từng được khai thác một cách quy mô. Hơn hết, cả chính phủ và giới doanh nghiệp Việt Nam đều đang mong muốn đưa nền kinh tế của mình lên thang giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó ngành công nghệ là một ưu tiên.

Tháng 12/2022, trong chuyến thăm Hà Lan của mình, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã chứng kiến những giải pháp công nghệ đáng kinh ngạc tại Khu công nghệ cao Brainport ở thành phố Eindhoven. Sau đó, bản thân nhà lãnh đạo Việt Nam đã bày tỏ mong muốn xây dựng một trung tâm tương tự tại Việt Nam.

Tại Việt Nam lần này, Thủ tướng Hà Lan đã tham gia nhiều chương trình có trọng tâm về kinh tế xanh và công nghệ, bao gồm Diễn đàn Kinh tế Xanh 2023 (GEF 2023) và Diễn đàn Doanh nghiệp Công nghệ cao do chính Đại sứ quán Hà Lan tổ chức. Lãnh đạo hai bên còn ký kết nhiều bản ghi nhớ hợp tác về phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và các cơ hội đầu tư dài hơn trong ngành, một tín hiệu cho thấy Amsterdam dường như thấy ở Việt Nam có một giải pháp bền vững và dài hạn cho các biến động hiện tại.

“Trước tình hình quốc tế đầy biến động, lĩnh vực công nghệ cao đóng vai trò như ngọn hải đăng của hy vọng, đưa ra các giải pháp bền vững cho quá trình chuyển đổi năng lượng, khả năng phục hồi khí hậu, nâng cao y tế, các giải pháp kỹ thuật số tiến bộ và thiết lập nền kinh tế tuần hoàn. Sứ mệnh của chúng tôi là tạo thiết lập các cơ hội để hỗ trợ phát triển các quan hệ đối tác mới, từ đó thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương”, bà van Dijk, Giám đốc điều hành BOM, Trưởng phái đoàn doanh nghiệp Hà Lan cho biết trong chuyến thăm Việt Nam mới đây.

Dù vậy, trước khi đón được dòng vốn và công nghệ từ Hà Lan, Việt Nam cũng vẫn phải đối mặt với những rào cản không nhỏ để thu hút được dòng vốn lớn của quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng này.

Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn còn đó những tồn tại như thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghệ, vẫn đang trong quá trình xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho phát triển xanh hay chuyển đổi số. Ngoài ra, nguy cơ từ bên ngoài cũng đáng để lưu tâm, như xung đột chiến tranh khiến dòng vốn đầu tư bị đình trệ, hay sự cạnh tranh khốc liệt từ các thị trường khác như Malaysia, Singapore, Thái Lan.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp