Tin tức

Doanh nghiệp lo ngại bị EU "dán nhãn" hàng xuất khẩu gây mất rừng

06/11/2023    47

"Thẻ vàng" IUU của ngành thủy sản chưa kịp gỡ xong thì các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang EU lại đứng trước nguy cơ bị dán nhãn hàng hóa có độ rủi ro cao nếu không tuân thủ tốt các quy định về EUDR.

Chiều 4-11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì Hội nghị Triển khai kế hoạch hành động để thích ứng với quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EU) - EUDR.

Quy định này bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải đảm bảo sản phẩm được bán vào thị trường EU không dẫn đến nạn phá rừng hoặc làm suy thoái rừng. Theo đó, các sản phẩm chịu sự điều chỉnh của quy định mới này gồm: cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su. Các sản phẩm này nếu liên quan tới hành động phá rừng sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường này.

Trước đó, trao đổi với báo chí, TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành chương trình Chính sách thương mại và tài chính lâm sản cho rằng, Việt Nam có 3 mặt hàng gồm: cà phê, cao su và gỗ nằm trong nhóm ngành hàng chịu tác động của EUDR.

Dựa trên bằng chứng điều tra và thông tin thu thập được về mối quan hệ giữa hàng hóa và nguy cơ gây mất rừng, EUDR sẽ phân loại quốc gia hoặc vùng sản xuất cung cấp sản phẩm cho EU theo các nhóm: “rủi ro cao”, “rủi ro trung bình” hoặc “rủi ro thấp”.

Theo đó, EU sẽ áp dụng các tiêu chí trên để “dán nhãn” quốc gia hoặc vùng sản xuất trong nội bộ nước đó trước thời điểm đưa ra quyết định cuối cùng là ngày 30-12-2024. Theo TS Tô Xuân Phúc, Việt Nam sẽ ở vị thế bất lợi nếu EU lấy mặt hàng có độ rủi ro cao nhất về mất rừng để làm cơ sở dán nhãn rủi ro quốc gia.

Tại hội nghị chiều 4-11, đại diện các cơ quan chức năng, hiệp hội và doanh nghiệp cho biết, khó khăn lớn nhất mà các chuỗi cung ứng nông sản tại Việt Nam đang gặp phải khi đáp ứng quy định mới của EU là cơ sở dữ liệu định vị diện tích rừng, truy xuất nguồn gốc, triển khai hệ thống giám sát chống phá rừng.

Do thời gian chuẩn bị đến thời điểm quy định này bắt đầu áp dụng chỉ còn chưa tới 18 tháng nên phải khẩn trương rà soát các vùng (sản phẩm) nhiều rủi ro nhất trong chuỗi cung ứng nông sản (nhất là khu vực nông hộ). Theo đó, cần có kế hoạch thu thập, xử lý thông tin của hàng triệu nông hộ theo quy định mới về chống phá rừng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan xác định, đây là cơ hội để cấu trúc lại ngành hàng liên quan tới rừng, kinh tế lâm nghiệp như: cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ. Chống phá rừng và suy thoái rừng không chỉ là quy định của EU mà là xu thế của thế giới trong tăng trưởng xanh, hướng tới nền kinh tế và nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững.

“Mỗi sự thay đổi đều mang lại khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì còn khó khăn hơn nữa”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. Ông cho rằng, các hiệp hội ngành hàng đều hiểu được điều đó, nên cần chủ động chuẩn bị và thực hiện.

Nguồn: Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG