Tin tức

Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung lan rộng sang nhiều lĩnh vực

30/10/2023    73

Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung đang leo thang sang nhiều lĩnh vực khác, khi việc Mỹ thắt chặt hơn nữa các lệnh hạn chế đối với xuất khẩu thiết bị bán dẫn (chip) tiên tiến sang Trung Quốc sẽ dẫn đến các biện pháp đáp trả.

Ngày 17/10, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ tăng cường lệnh hạn chế đối với việc xuất khẩu chip dùng cho các sản phẩm công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Chỉ ba ngày sau, Trung Quốc tuyên bố áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với than chì, thành phần quan trọng trong pin xe điện (EV). Trung Quốc là nhà sản xuất than chì hàng đầu thế giới. Các biện pháp này sẽ tác động đến nguồn cung và giá của cả than chì tự nhiên và than chì tổng hợp.

Lệnh tăng hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến Công ty Nvidia, vì đây là nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới cho các ứng dụng AI và đã phát triển các phiên bản chip mới cho Trung Quốc. Dù Trung Quốc đã dự trữ nguồn chip AI đáng kể, song lệnh hạn chế sẽ khiến nguồn dự trữ này bị cạn kiệt dần, làm giảm khả năng cải thiện các mô hình AI của Trung Quốc và tạo ra khoảng cách ngày càng lớn trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn của Trung Quốc và Mỹ.

Đầu năm 2023, sau khi Hà Lan (với sự thúc đẩy đáng kể từ Mỹ) đưa ra cơ chế cấp phép nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu máy móc chế tạo thiết bị bán dẫn tiên tiến nhất mà chỉ Hà Lan mới có thể sản xuất được, Trung Quốc cũng công bố lệnh hạn chế xuất khẩu đối với hai loại khoáng sản chính được sử dụng trong sản xuất chip là gali và germani. Kết quả là giá gali và germani đã tăng, trong khi sản lượng cung cấp trên toàn cầu giảm, dẫn tới việc các nước buộc phải mở rộng hoạt động tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Sự thống trị của Trung Quốc về đất hiếm và đặc biệt là than chì, mang lại đòn bẩy mạnh nhất cho nước này trong cuộc chiến thương mại với Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro trong việc triển khai và đe dọa gây ra hoạt động trả đũa từ các quốc gia và khối kinh tế khác, ngoài Mỹ, có khả năng tạo thành một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo sẽ tiến hành một cuộc điều tra về hoạt động trợ cấp sản xuất EV của Bắc Kinh, có thể dẫn đến việc áp dụng thuế trừng phạt đối với EV Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường EU.

Trên thực tế, Trung Quốc đã gián tiếp bị tước quyền tiếp cận thị trường Mỹ bởi mức thuế 27,5% mà cựu Tổng thống Donald Trump đã áp dụng đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh hiện cũng chưa xây dựng được cơ sở sản xuất EV lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới, đủ để chi phối các thị trường lớn khác trên thế giới. Mặc dù vậy, các chuyên gia lo ngại việc hai bên gia tăng các biện pháp trả đũa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do thương mại thế giới và sự phát triển của công nghệ toàn cầu trong thời gian tới.

Nguồn: Tạp chí Hải Quan