Tin tức

Hiệp định RCEP giúp tăng vị thế thương mại của Việt Nam

02/10/2023    678

Hiệp định RCEP đang tác động tích cực đến xuất nhập khẩu của Việt Nam, cũng như tăng cường vị thế thương mại, tạo lợi thế để thúc đẩy nền kinh tế đi lên.

Thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng của khu vực

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là thỏa thuận giữa các quốc gia thành viên bao gồm 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN): Brunay, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cùng với Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Ấn Độ cũng tham gia đàm phán hiệp định nhưng đã tuyên bố rút lui vào năm 2019.

RCEP được ký kết vào ngày 15/11/2020 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022. RCEP được ký kết vào thời điểm đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến thương mại và đầu tư, dẫn đến đổ vỡ chuỗi cung ứng. Do vậy, việc Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực càng trở nên đặc biệt hơn.

Ngay khi Hiệp định RCEP thực thi đã mở ra hứa hẹn tạo nên thị trường khổng lồ gồm 2,27 tỷ dân, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 27.000 tỷ USD, chiếm 30,5% GDP thế giới. Đặc biệt, với số lượng thành viên tham gia đông nhất, đa dạng nhất và tiềm năng phát triển lớn nhất, Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng của khu vực và thúc đẩy nền kinh tế các nước thành viên phát triển thịnh vượng.

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định RCEP đặt mục tiêu cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan của các quốc gia thành viên áp dụng đối với khoảng 92% hàng hóa có xuất xứ trong vòng 20 năm. Đồng thời, Hiệp định RCEP hợp nhất phạm vi của các FTA ASEAN+1 hiện có (FTA của ASEAN với năm đối tác), bao quát một cách toàn diện cả về phạm vi lẫn chiều sâu của cam kết.

Bên cạnh đó, Hiệp định RCEP bao gồm 20 chương gồm nhiều lĩnh vực mà chưa được nhắc tới trong các FTA ASEAN+1 trước đây, trong đó có các điều khoản liên quan đến thương mại hàng hóa; phòng vệ thương mại; thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại và giải quyết tranh chấp, đồng thời bổ sung các cam kết tiếp cận thị trường với quy tắc cho phép mở cửa thương mại và đầu tư. Điều này sẽ hỗ trợ các thành viên tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực tạo thuận lợi cho kinh doanh, tập hợp một bộ quy tắc phát triển và mở rộng chuỗi cung ứng khu vực.

Các biện pháp phi thuế quan như tiêu chuẩn sản phẩm và an toàn thực phẩm, các yêu cầu về đóng gói và nhãn mác với xuất nhập khẩu giữa các quốc gia thành viên bị cấm, ngoại trừ các quyền và nghĩa vụ theo Hiệp định WTO hoặc RCEP. Các hạn chế định lượng có hiệu lực thông qua hạn ngạch hoặc hạn chế cấp phép thường cũng phải được loại bỏ.

Ngoài ra, RCEP quy định các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và minh bạch, bao gồm các thủ tục để các nhà xuất khẩu được chấp thuận khai báo xuất xứ; minh bạch xung quanh thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu và cấp phép; ban hành xác nhận trước xuất xứ; thông quan nhanh chóng và thông quan nhanh các lô hàng chuyển phát nhanh; sử dụng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để hỗ trợ hoạt động hải quan và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại cho các nhà khai thác được ủy quyền.

Tác động tích cực đến thương mại của Việt Nam

Bộ Công Thương cho biết, để thực thi Hiệp định RCEP, Việt Nam đã ban hành các Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP ở cấp Chính phủ (Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 4/1/2022) cũng như triển khai các chương trình, kế hoạch hành động ở cấp Bộ, ngành, địa phương với 3 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế; công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin; và công tác nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP.

Bên cạnh đó, để thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Chương Thương mại hàng hóa của Hiệp định RCEP, Việt Nam đã hoàn thành: Chuyển đổi Biểu cam kết thuế quan từ phiên bản 2012 sang phiên bản 2017 và từ phiên bản 2017 sang phiên bản 2022 và ban hành Nghị định số 129/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 nhằm thực hiện cam kết thuế quan theo Hiệp định RCEP (Bộ Tài chính).

Hoàn thành chuyển đổi Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng từ phiên bản HS 2012 sang phiên bản 2017 và từ 2017 sang 2022 và ban hành các Thông tư số 05/2022/TT-BCT ngày 18/2/2022 và Thông tư số 32/2022/TT-BCT ngày 18/11/2022 quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP (Bộ Công Thương); Ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BCT Thông tư số 07/2022/TT-BCT ngày 23/3/2022 hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP (Bộ Công Thương).

Là một thành viên của RCEP, Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng ổn định trong lĩnh vực nhập khẩu và xuất khẩu. Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 730 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm trước đó (tương ứng tăng 61,2 tỷ USD). Theo một báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam có khả năng sẽ đạt mức tăng thu nhập và thương mại cao nhất trong số các thành viên RCEP trong giai đoạn từ năm 2020 - 2035.

Báo cáo của WB cũng chỉ rõ, trong kịch bản tăng năng suất, thương mại sẽ là lĩnh vực có mức tăng mạnh nhất, với xuất khẩu tăng 11,4% và nhập khẩu tăng 9,2%. Dự báo này càng làm nổi bật tác động tích cực mà RCEP dự kiến sẽ mang lại đối với các hoạt động thương mại của Việt Nam. Bà Ee-Hui Tan, Giám đốc Khai thác của FedEx Việt Nam và Campuchia đánh giá: Việc Hiệp định RCEP có hiệu lực với tất cả 15 thành viên sẽ giúp Việt Nam đạt được nhiều lợi ích hơn nữa, cũng như tăng cường vị thế thương mại, mang đến những tác động tích cực để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Nguồn: Báo Công Thương