Tin tức

"Cú hích" mới cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Singapore

30/08/2023    73

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long được kỳ vọng có thể đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - Singapore lên tầm cao mới.

Ngày 27/8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới Việt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược.

Hai trụ cột kinh tế của ASEAN

Mục đích của chuyến thăm không gì khác ngoài tăng cường hơn nữa sự hợp tác đã và đang trở thành trụ cột của khối ASEAN – một khu vực đang nổi lên là một thực thể quan trọng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

50 năm về trước, Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Kể từ thập niên 90 tới nay, mối quan hệ giữa Việt Nam và quốc đảo đã ghi nhận những bước phát triển nhanh chóng. Điển hình là vào năm 2012, “đảo quốc sư tử” cũng là một trong những nước đầu tiên nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, mở ra chương mới cho quan hệ hợp tác song phương.

Trong khi Singapore liên tục duy trì vị thế là nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, thì Việt Nam cũng đạt được những bước tiến thần tốc kể từ khi bắt đầu Đổi Mới. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8%, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đạt quy mô hơn 400 tỷ USD. Từ 2002 - 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 3,6 lần. Tỷ lệ đói nghèo giảm từ 14% năm 2010 xuống còn 3,8% năm 2020.

Với Singapore, tầm quan trọng của quốc gia này là không phải bàn cãi. Án ngữ tại eo biển Mallaca chiếm tới gần 30% lưu lượng hàng hóa trung chuyển của thế giới, quốc đảo nhỏ bé này đã vươn mình trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng nhất khu vực và thế giới. Không có lợi thế về tài nguyên khoáng sản, động lực tăng trưởng của Singapore đến từ ngành sản xuất chất lượng cao, dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch và cảng biển.

Với tiềm lực như vậy, mối quạn hệ Việt Nam – Singapore hứa hẹn sẽ đóng vai trò trụ cột cho sự phát triển của mỗi nước nói riêng và cả khối ASEAN nói chung. Điều đó phần nào được thể hiện qua quy mô kim ngạch thương mại giữa hai nước.

Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 9,15 tỷ USD. Với 3.274 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đăng ký 73,5 tỷ USD, Singapore duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và thứ 2/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đã đến thăm các Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) – được coi là biểu tượng cho hợp tác kinh tế thành công giữa hai nước. Khởi đầu từ Bình Dương vào năm 1996, đến nay hai nước đã đầu tư xây dựng 14 VSIP hiện diện tại 10 tỉnh, thành của Việt Nam, thu hút khoảng 18,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư cho gần 900 dự án, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động.

Nhìn về tương lai kinh tế bền vững

Trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0, hai nước cũng nhanh chóng tìm thấy điểm đồng hợp tác. Vài năm qua, chính phủ Singapore đã xác định chiến lược biến nước này thành nền kinh tế số hàng đầu thế giới, dựa trên những lợi thế sẵn có như môi trường kinh doanh, hạ tầng công nghệ, nhân lực và vị trí đắc địa. Cùng lúc đó, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã xác định Kinh tế Số là một trụ cột của nền kinh tế tương lai, với mục tiêu đến năm 2030 đạt tỉ trọng khoảng 30% GDP.

Định hướng đó đang là tiền đề cho hợp tác kinh tế sâu rộng hơn giữa hai nước, bất chấp suy thoái đang bao trùm thương mại toàn cầu ảnh hưởng tới “sức khỏe” của nền kinh tế hai nước.

Như trong cuộc gặp ngày 28/8, hai Thủ tướng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sáng kiến Đối tác Kinh tế Xanh - Kinh tế Số - được nêu lên trong chuyến thăm đầu năm tới Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Quan hệ này được cho sẽ tạo tiền đề để giúp hai nước chuyển đổi thành công sang một nền kinh tế bền vững và đưa hợp tác Việt Nam - Singapore trở thành hình mẫu tương lai trong ASEAN.

Với lợi thế về nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, các doanh nghiệp Singapore hoàn toàn có thể đạt các mục tiêu chuyển đổi số khi hợp tác với nền kinh tế Việt Nam - nơi có tiềm năng lớn với lao động trẻ, có kĩ năng, năng động cùng với chính sách kinh tế cởi mở. Ngược lại, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam học hỏi và tiếp thu những công nghệ, kinh nghiệm hay kỹ năng về Kinh tế Số của Singapore.

Tận dụng được mối quan hệ win-win này, hai quốc gia sẽ có thể đóng vai trò đầu tàu kinh tế của khu vực trong bối cảnh nhiều cường quốc đang xác định Đông Nam Á sẽ trở thành hạt nhân mới trong chiến lược của mình. Ngoài ra, đây là cơ hội không thể tốt hơn để Việt Nam và Singapore cùng nhau đưa vị thế của khối ASEAN lên một tầm cao mới.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp