Tin tức

Bất chấp lệnh cấm, Micron đầu tư 600 triệu USD vào Trung Quốc

23/06/2023    24

Nhà sản xuất chip hàng đầu Hoa Kỳ, Micron, đã quyết định đầu tư hơn 600 triệu USD vào Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty nhận định lệnh cấm của chính phủ nước này vẫn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu…

Khi Hoa Kỳ bắt đầu thực hiện lệnh cấm đối với một số sản phẩm công nghệ đến từ Trung Quốc, hầu hết các công ty tại quốc gia này đều chịu ảnh hưởng. Trên thực tế, Huawei vẫn là một trong những cái tên “đứng mũi chịu sào” lớn nhất. Huawei không chỉ chứng kiến sự sụt giảm lợi nhuận đáng kể mà còn cần phải tìm nguồn và phát triển công nghệ của riêng mình để duy trì kinh doanh, theo Tech Wire Asia.

Sau đó không lâu, Mỹ bắt đầu áp đặt các hạn chế đối với hoạt động cung cấp chip đến và đi từ Trung Quốc. Nước này huy động các đồng minh bao gồm Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm kiểm soát thương mại cung cấp chip và ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với chất bán dẫn tiên tiến. Tuy nhiên, mục tiêu của Chip4Alliance vẫn là một giấc mơ xa vời khi các công ty chip từ ba quốc gia này vẫn đang hoạt động tại đất nước tỷ dân.

Mục tiêu tiếp theo được nhắm đến trong cuộc chiến là TikTok, nền tảng mà chính phủ Mỹ tuyên bố đang được Trung Quốc sử dụng để theo dõi người dùng. Hệ quả là một số bang ở Mỹ đã ban hành lệnh cấm ứng dụng khỏi các dịch vụ của chính phủ với một tiểu bang khẳng định lệnh cấm hoàn toàn sẽ bắt đầu từ năm tới. Theo đó, các đồng minh của Mỹ cũng sớm bắt đầu thực hiện các lệnh cấm tương tự đối với TikTok, Huawei và nhiều sản phẩm khác của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng ngay lập tức có những động thái đáp trả. Cơ quan giám sát an ninh mạng nước này cho biết Micron, một trong những nhà sản xuất chip tiên tiến hàng đầu Hoa Kỳ, đã không vượt qua cuộc đánh giá an ninh quốc gia Trung Quốc, buộc các nhà khai thác "cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng" ngừng mua sản phẩm của tổ chức. Cột mốc đánh dấu lần đầu tiên chính phủ Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm đối với nhà sản xuất chip của Mỹ.

Kể từ khi tuyên bố được đưa ra vào tháng trước, một số nhà lãnh đạo công nghệ từ các công ty Mỹ đã đến thăm Trung Quốc và hứa sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ. Những tên tuổi lớn bao gồm CEO Elon Musk của Tesla, Tim Cook của Apple và Bill Gates của Microsoft. Cả ba gã khổng lồ công nghệ đều có những khoản đầu tư đáng kể vào thị trường này, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất.

Tuy nhiên, chuyến thăm đáng chú ý nhất phải kể tới Ngoại trưởng Mỹ Antony Binken. Ông Binken đã đến Trung Quốc vào cuối tuần qua và theo một báo cáo của AFP, ông sẽ gặp đặc phái viên hàng đầu Trung Quốc và có khả năng là Chủ tịch Tập Cận Bình. Chuyến đi nhằm cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước.

MICRON TECHNOLOGY ĐẦU TƯ VÀO TRUNG QUỐC BẤT CHẤP LỆNH CẤM

Mới đây, Micron cho biết sẽ đầu tư hơn 600 triệu USD vào một nhà máy sản xuất ở miền bắc Trung Quốc, chưa đầy một tháng sau khi Bắc Kinh ban hành lệnh cấm chip Micron khỏi các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

Trong một tuyên bố trên WeChat, công ty cho biết sẽ đầu tư hơn 4,3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 605 triệu USD) trong vài năm tới vào nhà máy ở thành phố Tây An để mua thiết bị và xây dựng thêm một nhà máy mới trong khuôn viên.

"Dự án đầu tư này nhấn mạnh cam kết vững chắc của Micron đối với hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của chúng tôi", Giám đốc điều hành Sanjay Mehrotra cho biết trong một tuyên bố.

Micron dự kiến sẽ mua thiết bị đóng gói chip từ Licheng Semiconductor có trụ sở tại Tây An, công ty đã từng là đối tác của Micron theo thỏa thuận trước đó.

"Khoản đầu tư này phù hợp với khái niệm “đóng gói và thử nghiệm toàn cầu” của Micron và sẽ mang lại cho công ty sự linh hoạt để sản xuất một danh mục sản phẩm rộng lớn ở Tây An", công ty chia sẻ trên WeChat.

Micron cũng sẽ xây dựng một cơ sở mới với dây chuyền sản xuất chip DRAM, NAND và SSD di động tại đây.

MỘT CUỘC CHIẾN CHIP HÒA BÌNH?

Khoảng 10% tổng doanh thu (tương đương 30,8 tỷ USD) của Micron vào năm ngoái đến từ Trung Quốc. Nhưng một phần lớn các sản phẩm Micron bán tại nước này đã được mua bởi các công ty nước ngoài, báo cáo lưu ý, và không rõ liệu lệnh cấm của cơ quan giám sát an ninh mạng Trung Quốc có ảnh hưởng đến doanh số bán hàng cho người mua nước ngoài hay không.

Phía Washington cho biết đang có "những lo ngại rất nghiêm trọng" về các hạn chế của Trung Quốc đối với Micron.

Trung Quốc bắt đầu cuộc điều tra về Micron vào cuối tháng 3, gần nửa năm sau khi Mỹ công bố các hạn chế sâu rộng nhằm cắt đứt quyền truy cập của nước này vào ngành sản xuất chip cao cấp, thiết bị chip và phần mềm thiết kế chất bán dẫn.

Reuters đưa tin, Micron đã cảnh báo về sự sụt giảm đối với doanh thu từ lệnh cấm bán chip của Trung Quốc cho các ngành công nghiệp chủ chốt trong nước, khiến cổ phiếu của nhà sản xuất chip Hoa Kỳ giảm khoảng 2%.

Mặt khác, Hoa Kỳ lấy lý do về những lo ngại an ninh quốc gia làm nền tảng cho các hạn chế được công bố vào năm ngoái, bày tỏ quan điểm rằng Trung Quốc sẽ sử dụng công nghệ của Mỹ để phát triển thiết bị quân sự tiên tiến. Nhà Trắng cũng kêu gọi các nhà sản xuất chip Hàn Quốc không xuất khẩu sang Trung Quốc để lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào do Mỹ để lại. Hà Lan và các đồng minh Nhật - Mỹ đều là những nhà sản xuất công nghệ bán dẫn chuyên dụng hàng đầu - cũng đã công bố các hạn chế đối với xuất khẩu tại một số quốc gia, nhưng không nêu rõ ràng đối tượng áp dụng là Trung Quốc.

Nguồn: VnEconomy