Tin tức

Cơ hội cho sản phẩm “Made in Vietnam” ở thị trường châu Á - Thái Bình Dương

19/06/2023    58

Các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là “cánh cửa” để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm của mình thâm nhập thị trường thế giới.

Tiềm năng thị trường APEC cho các doanh nghiệp Việt Nam

Các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng trưởng đáng kể về số lượng, phạm vi và độ phức tạp trong 30 năm qua.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang thành công trong xuất khẩu sản phẩm ra toàn cầu, như Vinamilk (sản phẩm từ sữa), VinFast (ô tô), DOJI (vàng và trang sức), FPT (phần mềm), Petrovietnam Gas (dầu khí) và Viettel (viễn thông)...

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, hơn một nửa các hiệp định thương mại của thế giới được thành lập bởi các thành viên Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Riêng Việt Nam từ khi ký Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) năm 1993 đến nay đã có 15 FTA đang có hiệu lực.

Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022 của Bộ Công thương cho thấy, thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cả về chiều rộng và chiều sâu. Đặc biệt các doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có kí kết FTA với Việt Nam.

Xuất khẩu sang một số thị trường là đối tác FTA tăng cao như: sang ASEAN đạt 34 tỷ USD, tăng 17,8% so với năm 2021; Ấn Độ đạt 8 tỷ USD, tăng 26,8%, Australia đạt 5,6 tỷ USD, tăng 26,2%.

Tham gia APEC đã giúp Việt Nam tăng cường tích hợp kinh tế khu vực bằng cách loại bỏ các trở ngại mậu dịch và đầu tư, cải thiện chuỗi cung ứng và môi trường kinh doanh. Nổi bật nhất là Cổng thông tin một cửa quốc gia kết nối doanh nghiệp với các cơ quan chính phủ trong quá trình xuất nhập khẩu.

Hơn nữa, cấp quyền cho doanh nhân có quốc tịch Việt Nam tham gia và sử dụng Thẻ đi lại doanh nhân APEC (ABTC). Thẻ ABTC là giấy tờ ưu tiên giúp các doanh nhân nhập cảnh không cần thị thực khi đến các nước APEC (đã đăng ký trước khi nộp đơn).

Các khó khăn thường gặp khi mở rộng sang thị trường APEC

Theo ông Vojtech Zehnalek, CEO công ty tư vấn hoạt động doanh nghiệp InCorp Việt Nam, những khó khăn đặc thù của thị trường APEC đối với doanh nghiệp Việt bao gồm khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, độ phức tạp của hệ thống pháp lý, và quá trình tìm đối tác kinh doanh.

Các rào cản về ngôn ngữ và văn hóa không chỉ ảnh hưởng lớn đến quá trình thâm nhập thị trường mà còn về sự tương tác giữa doanh nghiệp với các đối tác hoặc khách hàng tiềm năng.

Mỗi quốc gia APEC còn khác nhau rõ rệt về cơ cấu pháp lý, khiến cho doanh nghiệp Việt Nam cần sự hỗ trợ tư vấn từ đối tác chuyên môn cho các nghĩa vụ pháp lý, có thể bao gồm quy trình hải quan, quyền sở hữu trí tuệ, và quy trình thành lập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải xác định các đối tác phù hợp: từ nhà phân phối và đại lý đến hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan chính phủ. Các mối quan hệ này là chìa khóa để hiểu rõ và tiếp cận thị trường địa phương.

Lợi ích từ mạng lưới châu Á - Thái Bình Dương của InCorp Global

Có trụ sở tại Singapore, InCorp Global là một nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, InCorp Global được tin tưởng bởi hơn 15.000 khách hàng trên toàn thế giới.

Với sự thấu hiểu nhu cầu doanh nghiệp trong nước, cùng lợi thế mạng lưới 8 quốc gia của InCorp Global, InCorp Việt Nam có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới. InCorp cung cấp đầy đủ các dịch vụ thâm nhập thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm thành lập doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh, dịch vụ thuê ngoài, thuế, và tư vấn kinh doanh tại Việt Nam và các nước APEC.

Với đội ngũ nhân viên đa ngôn ngữ và thành thạo các khung pháp lý trên các quốc gia thuộc châu Á - Thái Bình Dương, InCorp đã và đang hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp Việt thâm nhập thị trường thế giới, đặc biệt với Indonesia & Singapore.

Nguồn: Báo Đầu tư