Tin tức

Quyết tâm 'bỏ đói' ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, Mỹ có được ung dung?

31/05/2023    103

Khi Mỹ và các đồng minh tăng cường nỗ lực hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với chip bán dẫn tiên tiến, các chuyên gia cho rằng, biện pháp này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của Bắc Kinh.

Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực mới từ Mỹ và các đồng minh. Nhật Bản tuyên bố sẽ áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với 23 loại công nghệ sản xuất chip, bao gồm cả thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Biện pháp này sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2023.

Động thái này diễn ra sau khi Mỹ và Hà Lan đưa ra các biện pháp tương tự trong những tháng gần đây. Thời gian qua, Washington và các đồng minh cố gắng hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với chip, thiết bị bán dẫn tiên tiến.

Tháng 10 năm ngoái, chính phủ Mỹ đã đưa ra một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với  chip bán dẫn tiên tiến. Kể từ đó, Washington đã vận động Hà Lan và Nhật Bản tham gia nỗ lực hạn chế sự phát triển của lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc.

Trung Quốc phản ứng thế nào?

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc Shu Jueting cho biết, Bắc Kinh "phản đối mạnh mẽ" quyết định của Tokyo áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng liên quan đến sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Nền kinh tế lớn thứ hai cho rằng, động thái này đi ngược lại thương mại tự do và các quy định thương mại quốc tế, đồng thời là sự lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Một số giám đốc điều hành ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại về tác động tiềm ẩn của các biện pháp của Nhật Bản.

Các chuyên gia cho biết sẽ "ngăn chặn" nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển các quy trình mới để sản xuất chip bán dẫn tiên tiến trong tương lai.

Ông Pei-Chen Liu, chuyên gia về ngành công nghiệp bán dẫn ở châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan nói: "Sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc có thể sẽ bị giới hạn trong quy trình 14 nanomet (nm) và Trung Quốc sẽ khó vượt qua tiêu chuẩn này hơn trong tương lai vì không thể mua được thiết bị tiên tiến từ Nhật Bản, Mỹ hoặc Hà Lan".

Nút nanomet có liên quan đến các thế hệ công nghệ sản xuất chip khác nhau và chip tiên tiến nhất là khoảng 3 nm, chủ yếu dành cho điện thoại thông minh. Trong khi đó, chip bán dẫn trưởng thành hơn là khoảng 28 nm trở lên, dành cho phương tiện hoặc thiết bị điện tử gia dụng.

Việc kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản có khả năng ảnh hưởng đến ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, nên động thái mới nhất cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều ngành liên quan và rất nhiều nhà sản xuất sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng.

Ông Alex Capri, giảng viên tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nhận định: "Đối với Trung Quốc, mục tiêu trở nên tự chủ hoàn toàn về sản xuất và phát triển chất bán dẫn sẽ là một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Giả sử các liên minh này (Mỹ-Nhật-Hà Lan) được duy trì, thì điều này sẽ cản trở mục tiêu trở nên hoàn toàn tự cung tự cấp của Trung Quốc trong nhiều năm".

Trong chuyến đi đến tỉnh Quảng Đông ở miền Nam Trung Quốc vào tháng 4/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo đuổi sự tự chủ về khoa học và công nghệ, nhấn mạnh rằng động thái này là rất quan trọng để thúc đẩy các nỗ lực hiện đại hóa của Bắc Kinh.

Ông kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện "những bước tiến xa hơn" để tăng cường năng lực đổi mới và đạt được nhiều tiến bộ hơn trong việc "đạt được những bước đột phá" trong các công nghệ cốt lõi.

Cách Bắc Kinh trả đũa

Để trả đũa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ dẫn đầu, cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc đã thông báo, nhà sản xuất chip nhớ Micron (Mỹ) đã không vượt qua được cuộc đánh giá an ninh mạng và do đó, Bắc Kinh đã cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng mua sản phẩm từ Micron.

Phản ứng về vấn đề này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhấn mạnh, Washington sẽ không tha thứ cho lệnh cấm mua chip bộ nhớ của Micron của Bắc Kinh.

Bà khẳng định: "Mỹ kiên quyết phản đối động thái của Trung Quốc đối với gã khổng lồ chip".

Sau quyết định của Trung Quốc về việc tạm dừng mua chip bộ nhớ, Giám đốc tài chính của Micron Mark Murphy cho biết, công ty đang đánh giá động thái này có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng như thế nào.

Một số nhà phân tích nhận thấy, các biện pháp của Bắc Kinh đối với Micron là một "động thái mang tính biểu diễn", có thể không gây tổn hại nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty tại Trung Quốc.

Ông Dexter Roberts, một thành viên cao cấp tại Sáng kiến ​​An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, cả Trung Quốc và Mỹ "có thể thực hiện các động thái chính trị phổ biến để trừng phạt bên kia, nhưng không nhất thiết phải đóng cửa tất cả các doanh nghiệp giữa hai bên".

Kiểm soát xuất khẩu phản tác dụng?

Trong khi chính phủ Trung Quốc cho biết, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản sẽ làm suy yếu lợi ích của các công ty hai nước, cũng như phá vỡ ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu thì một số công ty bán dẫn của Mỹ cũng đã cảnh báo về tác động tiềm tàng của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip.

Ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip Mỹ Nvidia cho rằng, ngành công nghệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể thiệt hại nghiêm trọng nếu Washington tiếp tục áp đặt các hạn chế thương mại với Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh: "Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng đối với ngành công nghệ".

Ngoài cảnh báo từ ông Huang, Hàn Quốc cũng kêu gọi Mỹ xem xét lại các tiêu chí trợ cấp chất bán dẫn. Seoul lo ngại các quy tắc có thể ngăn cản những người nhận tài trợ liên bang của Mỹ xây dựng các cơ sở mới ở các quốc gia như Trung Quốc sẽ có tác động gây hại cho các công ty bán dẫn của Hàn Quốc.

Ông Roberts cũng thừa nhận rằng, rất khó để Washington và các đồng minh thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu này một cách chiến lược vì hầu hết các công ty đầu tư vào Mỹ đều thu lợi nhuận kinh doanh rất tốt ở Trung Quốc.

Ông khẳng định: "Một số công ty công nghệ Mỹ phụ thuộc sâu sắc vào thị trường Trung Quốc".

 

Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam