Tin tức

Nhanh chớp cơ hội khi 'xa lộ' CPTPP dần hẹp

28/12/2022    68

Khi một số nền kinh tế đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP bao gồm: Vương quốc Anh, Trung Quốc, Đài Loan, Ecuador, Costa Rica và Uruguay… cũng đồng nghĩa với việc lợi thế của Việt Nam trong CPTPP so với khu vực dần hẹp đi, do đó doanh nghiệp Việt ngay lúc này cần tận dụng tốt nhất cơ hội tăng tốc trước khi "xa lộ" trên dần hẹp.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, một số nền kinh tế đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP bao gồm: Vương quốc Anh, Trung Quốc, Đài Loan, Ecuador, Costa Rica và Uruguay…. Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho hay: Bộ Công Thương đang chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và với các nước thành viên trao đổi về việc mở rộng Hiệp định CPTPP.

Không còn lợi thế ‘một mình một chợ’

"Lần đầu tiên trong đời tôi thấy mình là người trong "ban giám khảo" xét gia nhập Hiệp định CPTPP của các đối tác là những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Đài Loan, Anh, Hàn Quốc... ", Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên chia sẻ.

Tuy vậy, ông Thái cũng cho rằng điều đó đồng nghĩa với lợi thế của Việt Nam với vai trò người đi đầu trong quan hệ kinh tế với các nước CPTPP so với khu vực dần mất đi.

Chưa kể, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, cho hay Malaysia và Chile đang đẩy nhanh quá trình phê chuẩn FTA song phương với nhau. Như vậy, lợi thế người dẫn đầu của Việt Nam trong quan hệ thương mại với các nước CPTPP chắc chắn giảm đi. Điều này cho thấy giai đoạn 3 năm là “chạy đà”, giai đoạn tới Việt Nam cần bứt tốc hơn.

Nhìn vào thực tế hiện nay, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần phải sẵn sàng đối mặt thách thức mới vì hiện nay trong CPTPP, Việt Nam gần như “một mình một chợ”. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần biết rằng các nước như Canada, Mexico… có độ mở rất cao, họ cũng đang xem xét đàm phán FTA với khu vực ASEAN.

Thực tế, Hiệp định thương mại Canada – ASEAN đã khởi động trở lại. Nếu Hiệp định này thực thi, thì lợi thế vị trí duy nhất hoặc độc tôn của hàng Việt ở CPTPP sẽ không còn.

Theo thống kê, sau 3 năm thực thi, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020.

Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ.

Với ngành điện tử, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, cho biết các DN trong ngành đang tận dụng khá tốt. Đồng thời, các DN ngành điện tử không chỉ trực tiếp xuất khẩu mà còn tham gia cung ứng sản phẩm qua chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Cũng có nhiều ý kiến nói rằng tỷ trọng xuất khẩu của ngành điện tử rơi vào DN FDI, song bà Hương cho rằng thời gian qua tỷ trọng của DN Việt đang tăng lên. "Rất đáng tiếc là chưa có thống kê chính xác về giá trị gia tăng của DN nội địa cho xuất khẩu, đây là vấn đề cần lưu ý trong công tác thống kê thời gian tới", bà Hương chia sẻ. 

Nhanh chân vượt rào cản

Theo đại diện Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, thời gian qua, các DN  tiếp nhận được nhiều đơn hàng từ CPTPP, kết nối khá thành công với một số đối tác ở Canada trong việc thiết lập chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

"Điều này cho thấy “sức sống” của DN  điện tử Việt Nam rất lớn, nhất là khi trải qua 3 năm đại dịch vẫn giữ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ổn định. Để tận dụng tốt hơn thị trường trong CPTPP, các DN cần nỗ lực, cố gắng nắm bắt cơ hội nhiều nhất có thể", bà Hương khuyến nghị. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay các nước thành viên CPTPP chiếm 30% thị phần xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam. Mặc dù có CPTPP cũng như rất nhiều Hiệp định FTA nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang đứng trước nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và đơn hàng sụt giảm trong quý IV/2022, tới đây là quý I/2023. 

Trong bối cảnh này, ông Nam kiến nghị DN xuất khẩu cần được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, 20-30% nguyên liệu nhập khẩu là con số mà ngành thủy sản phải mua từ các thị trường khác với chi phí khá cao nên DN tha thiết mong được cắt giảm chi phí nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh.

“Trong bối cảnh này để tận dụng tốt CPTPP cũng như các FTA khác, DN kiến nghị các chính sách hỗ trợ COVID-1 cần tiếp tục được kéo dài sang năm 2023, đồng thời các khoản đóng theo lương như phí công đoàn cần xem xét giảm tiếp để nâng cao sức cạnh tranh cho DN”, ông Nam kiến nghị.

Từ kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, ông Nguyễn Hồng Hiệp, đại diện Tập đoàn PAN, chia sẻ tập đoàn có 10 công ty thành viên. 2022 đánh dấu 10 năm công ty đầu tư vào nông nghiệp thực phẩm, thông qua việc tập hợp và đầu tư vào các công ty có hoạt động xuất nhập khẩu tốt trong ngành, có chung chí hướng nâng tầm nông nghiệp Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu chiếm trên 90% doanh thu xuất khẩu của tập đoàn. 

Theo đại diện Tập đoàn PAN, Hiệp định CPTPP, EVFTA được đánh giá như “cú hích” cho doanh nghiệp đi sâu và dễ dàng hơn vào các thị trường lớn, thị trường tiềm năng. Với thị trường CPTPP, các công ty thành viên của Tập đoàn PAN đang chủ yếu xuất khẩu tới Nhật Bản, Canada, Australia… Nhật Bản đang chiếm 1/3 doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp hay với Canada là các mặt hàng tiềm năng như thủy sản, hạt điều, trong khi  Australia là các sản phẩm gạo trắng…

“Khi thâm nhập các thị trường khó tính, cách tiếp cận của DN là phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn về xã hội và cộng đồng”, ông Hiệp chia sẻ đây là con đường để tận dụng CPTPP, cũng như các FTA khác. 

Nguồn: Tạp chí điện tử Kinh Doanh – VnBusiness