Tin tức

Hồng Kông xúc tiến bắt đầu đàm phán gia nhập Hiệp định RCEP vào năm 2023

21/12/2022    65

Hồng Kông đang xúc tiến và sẽ bắt đầu thảo luận vào năm 2023 để tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

RCEP, hiệp định thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay, sẽ có tác dụng giảm thuế quan, mở rộng thương mại dịch vụ, hài hòa hóa quy tắc xuất xứ và đối với Hồng Kông, thiết lập vai trò là cửa ngõ quan trọng vào 15 thành phố của Khu vực Vịnh Lớn. Hồng Kông đã sẵn sàng tham gia RCEP khi mà hiệp định đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đối với hầu hết các quốc gia thành viên, chiếm 30% dân số thế giới (2,2 tỷ người), với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 38 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng một phần ba GDP toàn cầu.

Việc gia nhập RCEP sẽ cung cấp các mức thuế ưu đãi của Hồng Kông cho các nước thành viên; cải thiện cơ chế giải quyết các rào cản phi thuế quan, bao gồm thủ tục hải quan, kiểm dịch và tiêu chuẩn kỹ thuật; và một bộ quy tắc chung về sở hữu trí tuệ, thương mại và thương mại điện tử.

Ngay cả trước khi Hồng Kông tham gia, Viện Brookings đã ước tính rằng RCEP sẽ tạo ra lợi ích gần 300 tỷ USD vào năm 2032, khi các điều khoản bắt đầu có hiệu lực. RCEP được kỳ vọng rộng rãi sẽ tăng cường hội nhập kinh tế giữa các thành viên với các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại, loại bỏ thuế quan, giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan, thúc đẩy thương mại điện tử và tăng khả năng tiếp cận thị trường, theo một báo cáo nghiên cứu của Hội đồng Phát triển thương mại Hồng Kông (HKITC) và Hiệp hội Kế toán công chứng.

Báo cáo lưu ý rằng, vào năm 2020 chỉ tính riêng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ 15 thành viên RCEP đã lên tới hơn 10 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch thương mại trong và ngoài châu Á và châu Đại Dương.

Tuy nhiên, RCEP thường bị so sánh với phạm vi bao trùm đầy tham vọng hơn của một hiệp định thương mại châu Á lớn, đa bên khác, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trái ngược với CPTPP, phạm vi của RCEP hạn chế hơn. RCEP bao gồm các khoảng thời gian dài trước khi nhiều loại thuế quan được loại bỏ hoàn toàn, phạm vi sản phẩm được điều chỉnh hẹp hơn và các điều khoản hạn chế về tự do hóa thương mại dịch vụ.

RCEP cũng thiếu cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà đầu tư, không giống như CPTPP. RCEP tập hợp nhiều nền kinh tế chủ chốt của châu Á trong một khuôn khổ khu vực, bao gồm toàn bộ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Singapore) cũng như các đối tác thương mại lớn của ASEAN là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

RCEP đại diện cho lần đầu tiên Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - lần lượt là các nền kinh tế lớn nhất, lớn thứ hai và thứ tư trong khu vực - tham gia vào một hiệp định thương mại tự do chung. RCEP sẽ loại bỏ hơn 90% thuế quan trong khu vực trong vòng 20 năm kể từ khi có hiệu lực.

Tuy nhiên, phạm vi cắt giảm thuế quan hạn chế hơn so với các biện pháp cắt giảm theo CPTPP và các FTA "tiêu chuẩn vàng" khác. RCEP bao trùm khoảng 90% số dòng thuế, trong khi CPTPP bao phủ gần 100%. RCEP loại trừ các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu nhạy cảm với việc cắt giảm thuế quan và có các giai đoạn chuyển đổi dài để tự do hóa thuế quan đối với các sản phẩm nhạy cảm về chính trị khác.

RCEP vẫn sẽ cắt giảm đáng kể thuế quan cho các ngành công nghiệp quan trọng trong khu vực. Chất bán dẫn và các sản phẩm công nghệ khác cũng sẽ được cắt giảm thuế quan, điều này sẽ có lợi cho các quốc gia như Brunei, Campuchia, Lào và Myanmar, những quốc gia không ký kết Hiệp định Công nghệ thông tin (ITA) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Nguồn: Báo Công Thương