Tin tức

Quan hệ Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi: Củng cố, phát triển tích cực

03/01/2020    2061

Trung Đông - châu Phi trong những năm cuối của thập niên thứ hai thế kỷ XXI là khu vực đầy tiềm năng phát triển, giành được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Với trên 1,6 tỷ dân, GDP trên 4.900 tỷ USD, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ mỗi năm trên dưới 4.000 tỷ USD, các nước Trung Đông - châu Phi đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách kinh tế, tăng cường liên kết khu vực và quốc tế. Có thể nói, khu vực này đang bền bỉ vươn lên để trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng và phát triển năng động của thế giới bất chấp những phức tạp xảy ra ở một số nơi trong khu vực này.

Quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam với các nước trong khu vực tiếp tục được củng cố và mở rộng. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Nam Sudan vào tháng 2/2019, nâng tổng số nước tại khu vực Việt Nam có quan hệ ngoại giao lên 69/70.

Lĩnh vực hợp tác kinh tế cũng có nhiều điểm sáng mới. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ước đạt gần 19 tỷ USD trong năm 2019, tăng 300% so với năm 2008. Đáng chú ý, giờ đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Trung Đông - châu Phi các hàng hóa và dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng và chất lượng cao, từ nông sản, dược phẩm, hàng tiêu dùng tới viễn thông, dịch vụ tài chính - ngân hàng…

Trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam không chỉ tiếp nhận trên 7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ khu vực mà cũng đã đầu tư vào khu vực trên 2,6 tỷ USD, chủ yếu thông qua các dự án viễn thông của Viettel tại một số quốc gia châu Phi, qua đó giúp người dân nơi đây tiếp cận dịch vụ viễn thông chất lượng cao với giá cả ưu đãi, mở rộng cơ hội kết nối số toàn cầu. Hợp tác nông nghiệp, năng lượng, giao thông, lao động và chuyên gia cũng là những lĩnh vực có nhiều chuyển biến trong hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực.

Với tinh thần chủ động, tích cực, có trách nhiệm, Việt Nam đã nỗ lực đóng góp vào kiến tạo hòa bình ở khu vực. Sứ mệnh chung về gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các điểm nóng như Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan đã có sự đóng góp to lớn của những người lính cụ Hồ trong cả vai trò duy trì hòa bình và hỗ trợ phát triển. Sự đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam thời gian qua trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu, trong đó có nhiều vấn đề của khu vực Trung Đông - châu Phi đã nhận được sự tin tưởng và tín nhiệm của các nước trong khu vực. Điều này được minh chứng rõ nét qua sự ủng hộ gần như tuyệt đối của toàn bộ các nước Trung Đông - châu Phi dành cho Việt Nam trong quá trình ứng cử vào Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Những kết quả đáng tự hào nêu trên đã góp phần tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia Trung Đông - châu Phi, góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Có nhiều nhân tố, điều kiện thuận lợi tạo nên sự phát triển mang tính đột phá trong quan hệ Việt Nam với khu vực. Trước hết, phải kể đến tình cảm chân thành và niềm tin của lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai bên dành cho nhau. Mối liên kết đặc biệt đó bắt nguồn từ sự chia sẻ giữa nước ta và các nước khu vực về khát vọng chung về độc lập, tự chủ, hòa bình và nỗ lực mở rộng, tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt. Chính điều này đã đưa Việt Nam và nhiều nước trong khu vực Trung Đông - châu Phi xích lại gần nhau và trở thành những người bạn thủy chung, son sắt và những đối tác quan trọng của nhau.

Một nhân tố thuận lợi khác là tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi đang ngày càng được củng cố và tăng cường. Với những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau, Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi sẽ là thị trường đầu tư, thương mại và là điểm đến du lịch đầy hấp dẫn, đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp mỗi bên.

Đặc biệt, sự chủ động của Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp đã góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.

Tiếp tục triển khai các kế hoạch, kết quả của Đề án thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Đông - châu Phi 2016-2025, Bộ Ngoại giao đã lần đầu tiên tổ chức hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019” nhằm tăng cường kết nối và phát huy hơn nữa vai trò của các Cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam. Hội nghị đã thu hút được sự hưởng ứng và tham dự tích cực của hơn 400 đại biểu gồm nhiều Đại sứ, Đại biện các nước Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam, đại diện một số đối tác phát triển, tổ chức quốc tế lớn.... Tiếp nối thành công Hội nghị, Bộ Ngoại giao đã tiếp tục tổ chức Hội thảo “Hợp tác kinh tế Việt Nam - châu Phi: quản lý rủi ro trong hợp tác kinh tế với các nước châu Phi” vào tháng 12/2019, nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam chủ động nắm bắt các cơ hội, nhận diện và ứng phó tốt hơn với thách thức trong hợp tác kinh tế với châu Phi. Việc tổ chức hai hoạt động hội nghị, hội thảo lớn chỉ trong vòng một năm đã trở thành điểm nhấn tiêu biểu trong các nỗ lực của hai bên, làm sâu sắc hơn nữa và đưa quan hệ hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả.

Có thể nói rằng quan hệ giao lưu và hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông - châu Phi thời gian qua là hết sức phong phú. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích ấn tượng, hiệu quả hợp tác kinh tế nhìn chung vẫn chưa tương xứng với nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, tiềm năng cũng như mong muốn của lãnh đạo, nhân dân hai bên. Đặt trong tương quan nền kinh tế Trung Đông - châu Phi với dân số gần 1,7 tỷ người, chiếm khoảng 7% GDP toàn cầu, môi trường hợp tác ngày càng được cải thiện nhờ xu thế hòa bình và tăng cường liên kết khu vực, trao đổi thương mại song phương hiện nay tuy tăng trưởng mạnh song còn khá khiêm tốn khi mới chỉ chiếm tỷ trọng 3,6 % trong tổng giá trị giao dịch thương mại toàn cầu của Việt Nam, dư địa để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này do đó còn rất lớn. Những hạn chế trong hợp tác hiện nay chủ yếu đến từ việc thiếu thông tin về địa bàn, đối tác, thiếu cơ chế thanh toán, tình trạng lừa đảo, gian lận thương mại còn tồn tại trong khi chi phí vận chuyển cao. Ngoài ra, bất ổn an ninh-chính trị và việc một số nước trong khu vực còn chưa hoàn thiện về khung pháp lý, thiếu các luật và quy định hỗ trợ về thương mại, đầu tư, thuế, hành chính... cũng gây cản trở nhất định đến hợp tác. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong thời gian tới, cùng với quyết tâm chính trị cao, hai bên cần tích cực trao đổi thực chất và triển khai nhiều biện pháp toàn diện, đồng bộ, nắm bắt tốt nhất cơ hội, khai thác tối đa tiềm năng và nhu cầu mỗi bên, khắc phục khó khăn, đưa hợp tác song phương đi vào hiệu quả, thực chất.

Cùng với sự tương đồng về trình độ phát triển và tính bổ trợ cao của nền kinh tế, những thành tựu to lớn về tăng trưởng kinh tế và trong ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất đã và đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới đầy hứa hẹn.

Thành tựu về kinh tế đạt được trong năm 2019 sẽ là tiền đề quan trọng để hai bên mở rộng và làm tốt hơn nữa hợp tác về chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh để cùng hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm, đem lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân nói chung, hướng tới thực hiện mục tiêu chung về hợp tác cùng phát triển.

Nguồn Báo Công thương