Tin tức

Chuyển dịch thương mại biên giới bám sát thông lệ quốc tế: Khó, nhưng phải làm

16/10/2019    104

Đến nay, quy mô trao đổi hàng hóa qua tất cả các cửa khẩu biên giới đất liền đã đạt hàng chục tỷ USD mỗi năm. Để đẩy mạnh kinh tế biên mậu, cùng với việc triển khai các hoạt động kết nối giao thương dưới nhiều hình thức, cần đặc biệt chú trọng phát triển hàng hóa Việt Nam tại địa phương có đường biên mậu.

Việt Nam có khoảng 4.600km đường biên giới chung với ba nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia cùng hệ thống cửa khẩu và chợ biên giới lớn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc đạt 106 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2017, trong đó thương mại biên giới chiếm 25%; Việt Nam - Lào đạt 1 tỷ USD, tăng 16%, trong đó thương mại biên giới chiếm trên 90%; Việt Nam - Campuchia đạt 4,7 tỷ USD, tăng 23,8%, trong đó thương mại biên giới chiếm trên 70%.

Theo ông Đỗ Thanh Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam, trong thời gian qua, sự phát triển của thị trường kinh doanh hàng hóa tại khu vực biên giới đem lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Trao đổi thương mại thông qua các khu kinh tế cửa khẩu theo đó gia tăng, góp phần phát triển sản xuất trong nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển kênh phân phối hàng hóa tại địa phương, nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất trong nước; xây dựng thương hiệu Việt, góp phần ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…

ông Đỗ Thanh Nam đánh giá, thông qua khuyến cáo của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã ý thức hơn trong việc chủ động nắm bắt quy định, tiêu chuẩn, yêu cầu quản lý xuất nhập khẩu. Hoạt động xuất nhập khẩu nông - lâm - thủy sản sang Trung Quốc chuyển dịch dần sang hình thức giao dịch quốc tế ổn định và bền vững hơn. Hoạt động đối thoại giữa các cấp giúp thúc đẩy nhanh quá trình mở cửa thị trường.

Ông Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hội Thương mại xuất nhập khẩu tỉnh Hà Giang - cho hay, sản phẩm tại nhiều địa phương chưa khẳng định được mẫu mã, thương hiệu và còn nhỏ lẻ nên chưa có tính cạnh tranh. Trong khi đó, địa hình biên giới hiểm trở, giao thông khó khăn nên việc giao thương, tiếp cận, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, việc xuất khẩu qua đường biên mậu tại các cửa khẩu tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn do những chính sách tăng cường quản lý thắt chặt hàng biên mậu tại cửa khẩu của Trung Quốc.

Với kinh nghiệm của doanh nghiệp đã từng có sản phẩm xuất khẩu thành công và có mặt tại thị trường các nước, trong đó có Lào và Campuchia, bà Nguyễn Hải Anh - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Kim Cương Việt - cho biết: Để thành công trên thị trường nước bạn, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Chi phí quảng bá marketing trên các kênh truyền thông nước bạn cũng là một phần mà doanh nghiệp cần đầu tư. Bên cạnh đó, muốn pháttriển bền vững và được thị trường chấp nhận, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi; nghiên cứu pháp luật của đối tác, thông lệ quốc tế, thông lệ của quốc gia xuất khẩu. Những việc làm này góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp khi kinh doanh tại thị trường xuất khẩu. Ông Đỗ Thanh Nam cho rằng, cần sự chung tay của tất cả các bên, từ Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp… Chính phủ cần tăng cường công tác đối ngoại thương mại phát triển biên mậu Việt Nam - Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần có chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích thu hút đầu tư, mở rộng thị trường thu mua nông - lâm sản xuất nhập khẩu nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Có những giải pháp để xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ hoạt động biên mậu ở cửa khẩu biên giới cũng như giảm thiểu tối đa thời gian thông quan để bảo đảm chất lượng hàng hóa.

Hiện nay, một số địa phương, doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ, giữ phương thức kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa, ảnh hướng đến chất lượng và bị ép giá.

Nguồn: Báo Công Thương