Tin tức

Để hàng Việt “chắc chân” tại thị trường EU

09/10/2019    199

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) kỳ vọng sẽ được phê chuẩn và chính thức có hiệu lực trong nửa đầu năm 2020, mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm Việt Nam gia tăng sự hiện diện tại thị trường EU. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Ywert Visser - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (Eurocham).

Xin ông cho biết, đánh giá về khả năng tăng trưởng thương mại hai chiều khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA được phê duyệt và có hiệu lực?

EU là thị trường rộng lớn và tiềm năng với 500 triệu dân. Chắc chắn, khi EVFTA có hiệu lực, sẽ tạo cơ hội rất lớn cho thương mại đầu tư kinh doanh giữa hai bên, hàng hóa của Việt Nam sẽ có cơ hội lớn tiếp cận thị trường này; đặc biệt với một số mặt hàng tiềm năng như gạo, đường, cà phê, các sản phẩm từ sữa…

Tuy nhiên, với sự hiện diện ngày càng tăng của các DN EU tại Việt Nam, chúng tôi cũng kỳ vọng, hàng EU xuất khẩu vào Việt Nam cũng sẽ tăng cao hơn nữa. Theo tính toán của EU, khi EVFTA có hiệu lực, đến năm 2035, hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 29%, tương đương khoảng 15 tỷ Euro; hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU cũng tăng khoảng 18%, tương đương 8 tỷ Euro.

Theo một báo cáo mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), gần 70% DN Việt Nam chưa hiểu hoặc không hiểu rõ về EVFTA. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?

Tôi thấy, có rất nhiều DN chưa hiểu rõ về EVFTA. Trong khi đó, việc nắm bắt thông tin EVFTA rất quan trọng và DN cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng các quyền lợi, ưu đãi mà DN có được khi EVFTA đi vào thực thi. Trên thực tế, thị trường EU khá nghiêm ngặt với các quy chuẩn chất lượng, nếu các nhà xuất khẩu Việt Nam đáp ứng quy chuẩn của EU ngay từ bây giờ, họ có lợi thế đón đầu khi EVFTA đi vào thực thi.

Theo ông, hàng Việt Nam có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại đến từ những quốc gia khác khi thâm nhập vào thị trường EU?

Khi EVFTA được thực thi, sẽ có nhiều sản phẩm đặc trưng của Việt Nam được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý (GI) ở châu Âu. Điều này có nghĩa, các sản phẩm như nước mắm Phú Quốc, trà Mộc Châu hay nhiều sản phẩm khác sẽ được công nhận và bảo vệ tại EU, khuyến khích niềm tin của người tiêu dùng và tạo điều kiện cho hàng nhập khẩu lớn hơn vào EU trong tương lai.

Tuy nhiên, việc quảng bá các sản phẩm Việt Nam tại thị trường EU vẫn phải được chú trọng. EVFTA được thông qua cho thấy, Việt Nam là đối tác tin cậy của EU và ngược lại. Đây cũng chính là một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực. Nhà đầu tư từ EU sẽ tự tin hơn khi đầu tư tại Việt Nam hoặc thu mua hàng hóa từ Việt Nam, các nhà xuất khẩu Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường EU, các đối tác thu mua từ EU, vì họ tin vào các ưu đãi và quyền lợi họ sẽ có được EVFTA.

Ông có thể nói rõ hơn về những cơ hội hợp tác giữa DN Việt Nam và EU trong lĩnh vực nông sản?

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực rất tiềm năng mà Việt Nam và EU có thể đẩy mạnh hợp tác. Việt Nam có thể được tận dụng những lợi thế như công nghệ kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp. Mặt khác, người tiêu dùng EU cũng rất ưa chuộng các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam như chè, cà phê, ca cao, các loại gia vị… Thực tế, đến nay, lượng nông sản nhập khẩu vào EU từ Việt Nam vẫn còn thấp. Tuy nhiên, sản lượng này cũng đang tăng lên, đặc biệt với kỳ vọng EVFTA sẽ được thực thi trong thời gian tới.

Hợp tác giữa DN EU và Việt Nam đã mang lại lợi ích cho hai phía. Việc DN EU đặt hàng các mặt hàng nông sản có thể tạo ra nguồn thu ổn định cho nông dân Việt Nam, họ cũng có thể áp dụng các công nghệ canh tác sản xuất tiên tiến từ EU theo hướng bền vững hơn.

Bên cạnh đó, nhiều DN EU đang dần có sự hợp tác hơn với khách hàng Việt Nam. Ban đầu, họ chỉ thu mua nguyên liệu để sản xuất nhưng dần dần họ nhận ra rằng phải hỗ trợ người sản xuất nhiều hơn, chia sẻ công nghệ và hướng dẫn nông dân sản xuất để nâng cao hiệu quả, đặc biệt là áp dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến của EU.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng đang được hưởng nhiều chế độ ưu đãi. Ông vừa nhắc đến các tiêu chuẩn khắt khe của EU, vậy khi kim ngạch đạt mức tăng trưởng cao hơn, sẽ phải lưu ý điều gì?

Lợi ích rõ ràng nhất đối với Việt Nam sau khi EVFTA được phê chuẩn và có hiệu lực là các sản phẩm của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, đó là nhờ vào việc cắt giảm hàng rào thuế quan theo lộ trình ngắn, hàng Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hóa từ các quốc gia khác không có FTA với EU. Nhưng như tôi đã đề cập trước đó, EU có những tiêu chuẩn rất khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ người tiêu dùng của họ, vì vậy, điều quan trọng là DN Việt Nam cần phải nắm rõ hiệp định và các quy tắc để xuất khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, EU luôn rất coi trọng thương mại tự do, công bằng dựa trên các quy tắc. Vì vậy, miễn là các sản phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng các yêu cầu của EVFTA như Quy tắc xuất xứ (ROO), GI, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS), DN Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn để phát triển tại thị trường thu nhập cao với hơn 500 triệu người tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Công Thương