Tin tức

Việt Nam sẽ ra sao nếu kinh tế toàn cầu suy thoái?

18/09/2019    10754

Trang Business Insider khảo sát 200 chuyên gia phân tích, với kết quả tới 70% trả lời sẽ có một cuộc suy thoái, dự báo sẽ từ nửa sau của năm 2020 cho đến năm 2021 như là hậu quả của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài và chủ nghĩa bảo hộ sản xuất gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Nếu điều này xảy ra, Việt Nam sẽ ra sao?

Suy thoái kinh tế sắp đến?

Khái niệm chung và bao quát nhất về suy thoái kinh tế (recession) mà các nhà kinh tế vẫn thường sử dụng là sự tăng trưởng âm của GDP trong hai quí liên tiếp. Mặc dù vậy, nhiều quan điểm cho rằng cần phải đưa thêm các tiêu chí khác để đánh giá đầy đủ hơn như tỷ lệ thất nghiệp hay sản lượng sản xuất công nghiệp...

Lịch sử kinh tế thế giới đã trải qua rất nhiều cuộc suy thoái và lần gần nhất diễn ra vào năm 2008-2009. Nguyên nhân sâu xa của cuộc suy thoái này bắt nguồn từ hoạt động cho vay thế chấp bất động sản (mortgage) dưới chuẩn (sub-prime) của các ngân hàng tại Mỹ.

Câu hỏi trên lại càng có ý nghĩa khi mà hai cuộc suy thoái kinh tế trước đó đều diễn ra sau chu kỳ 10 năm. Đó là bong bóng giá trị cổ phiếu của các công ty công nghệ (dot-com) tại Mỹ vào năm 2000-2001. Hay cuộc khủng hoảng về năng lượng đi kèm với cuộc chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1990-1991.

Chính vì vậy, hiện đang là thời điểm nhạy cảm thu hút sự chú ý của các nhà kinh tế cũng như các chuyên gia phân tích. Thật không may, trong cuộc khảo sát 200 chuyên gia phân tích của trang Business Insider, có tới 70% trả lời sẽ có một cuộc suy thoái tiếp theo. Thời điểm xảy ra được dự báo sẽ từ nửa sau của năm 2020 cho đến năm 2021. Nguyên nhân chính được đưa ra là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn kéo dài. Chủ nghĩa bảo hộ sản xuất sẽ gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Từ đó sẽ kéo theo sự sụt giảm của GDP trên quy mô lớn ở cả hai phía là cung sản xuất và cầu tiêu thụ hàng hóa.

Việt Nam sẽ bị tác động ra sao?

Nếu kinh tế toàn cầu suy thoái thì chắc chắn Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi độ mở của nền kinh tế của chúng ta ở mức rất cao, lên tới 200% so với GDP, các doanh nghiệp của Việt Nam đang nằm trong chuỗi cung ứng của nhiều ngành sản xuất trên thế giới.

Mặc dù tác động là có, nhưng mức độ ảnh hưởng như thế nào là một câu hỏi rất khó trả lời. Chúng ta có thể nhìn vào các cuộc suy thoái trước để đánh giá xem kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Cuộc suy thoái năm 2008-2009 đã tác động nặng nề đến kinh tế của Việt Nam. Với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, một khối lượng vốn khổng lồ, lên tới 20 tỉ đô la Mỹ vào thời điểm đó, từ các nhà đầu tư quốc tế đã đổ vào thị trường Việt Nam. Dòng vốn này đã đẩy giá bất động sản và cổ phiếu tăng phi mã, vượt xa giá trị nội tại của các doanh nghiệp khi mà chỉ số P/E(1) bình quân lên tới 40 lần. Bên cạnh đó, cung tiền tăng cao và nhanh trong khi cung về hàng hóa ở mức thấp khiến cho chỉ số lạm phát có thời điểm lên tới 20%. Khi thị trường tài chính toàn cầu sụp đổ vào năm 2008-2009, ngay lập tức dòng vốn này được các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Việt Nam. Sự đảo chiều đột ngột đã đẩy thị trường bất động sản và chứng khoán Việt Nam vào tình trạng gần như đóng băng.

Trải qua hơn 10 năm, vị thế của nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã có những thay đổi tích cực hơn rất nhiều. Lạm phát được kiểm soát ổn định quanh mức 4% trong một thời gian dài. Dự trữ ngoại hối tăng cao liên tục và đạt chuẩn theo đánh giá về ngưỡng an toàn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Mặc dù vẫn còn những quan ngại về thị trường bất động sản nhưng các cơ quan quản lý của Việt Nam đã và đang chủ động kiểm soát chặt chẽ. Nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng đang được thắt chặt lại, trong khi hồ sơ pháp lý cũng nhưng năng lực tài chính của các doanh nghiệp cũng được kiểm soát. Do đó, theo quan điểm của người viết, cuộc suy thoái của kinh tế thế giới trong thời gian tới, nếu xảy ra, thì sẽ tác động ở mức vừa phải, thậm chí là nhỏ đến kinh tế của Việt Nam.

Lập luận trên được đưa ra trên cơ sở và xuất phát từ chính nguyên nhân gây ra nó. Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhìn chung sẽ đẩy giá cả hàng hóa tăng lên và sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của nhau giảm xuống. Cả Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang ngày càng tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Do đó, xuất khẩu của Việt Nam, liên quan những mặt hàng nằm trong các chuỗi sản xuất, sẽ bị tác động tiêu cực. Tuy nhiên, những sản phẩm mà phần lớn giá trị được sản xuất tại Việt Nam sẽ có cơ hội để gia tăng thị phần tại cả Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, trong nhiều năm gần đây các doanh nghiệp của Việt Nam đã chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Liên hiệp châu Âu (EU), châu Phi và các nước châu Á khác...

Doanh nghiệp vẫn cần nhanh chóng thay đổi

Nếu suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra thì có lẽ đây là thời điểm tốt để các doanh nghiệp Việt Nam hoàn thiện lại chính mình. Thay đổi sẽ là chìa khóa để các doanh nghiệp vươn lên và từng bước khẳng định được vị thế. Cái cần thay đổi đầu tiên chính là cách thức tiếp cận và thái độ phục vụ khách hàng. Đây có lẽ điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay bởi nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quen với các chuẩn mực quốc tế.

Thứ hai, cần tăng cường năng lực phân tích và dự báo dựa trên các dữ liệu thống kê. Trong bối cảnh thị trường ngày càng có nhiều biến động thì vấn đề trên lại càng có ý nghĩa hơn.

Cuối cùng và có lẽ quan trọng nhất, đó chính là việc lấy thị trường Mỹ và Trung Quốc làm tiêu chuẩn để “tấn công” vào đúng thời điểm khó khăn nhất. Nếu thành công tại hai thị trường này vào thời điểm nhạy cảm như hiện nay, thì đó sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường sang các thị trường khác trong tương lai.

(1) P/E = Price to Earning

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn