Tin tức

Tập trung hỗ trợ mọi thành phần kinh tế nắm bắt cơ hội, thách thức của EVFTA

23/08/2019    131

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ đem lại cả cơ hội lẫn thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó Bộ Công Thương sẽ xây dựng chương trình hành động tổng thể, toàn diện, tập trung vào công tác cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người dân, giúp mọi thành phần của nền kinh tế nắm bắt các nội dung, cam kết, trách nhiệm và đặc biệt là tập trung làm rõ các cơ hội, thách thức trong Hiệp định EVFTA.

Thông tin được đưa ra tại hội nghị “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý”, diễn ra ngày 21/8, do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đồng chủ chì hội nghị này.

EVFTA giúp nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh hơn

Trong phần phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh - cho biết: Bộ Công Thương đánh giá cao sự chủ động của Bộ NN&PTNT, Thành ủy TP Hồ Chí Minh, các sở ngành và địa phương đã cùng Bộ Công Thương phối hợp tổ chức hội nghị này để đưa thông tin, định hướng quan trọng trong công tác hội nhập.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong năm 2018, đầu năm 2019, bối cảnh, cục diện chung của thế giới đang diễn biến phức tạp và nhiều khó khăn đang đặt ra cho Việt Nam. Cầu của thế giới suy giảm, có dấu hiệu suy thoái, cùng với đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, hàng loạt vấn đề liên quan đến chủ nghĩa đơn phương... đã có tác động đến kinh tế thế giới và Việt Nam. Dù vậy, sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ ngành, địa phương đã hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đạt những thành công nhất định. Cụ thể, năm 2018 Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 27 thế giới về quy mô, sản phẩm vươn tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong lĩnh vực nông thủy sản, Việt Nam đứng thứ 15 thế giới.

Bộ trưởng khẳng định: Nông nghiệp luôn là lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm, đồng thời là lĩnh vực sẽ quyết định sự thành công trong công tác hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam. Do đó, trong các chương, nội dung cơ bản của các FTA đều có những nội dung quan trọng về mở cửa thị trường, tạo điều kiện ưu đãi cho nông nghiệp. Chẳng hạn như khi EVFTA có hiệu lực vào đầu năm 2020, sẽ có khoảng 70,3% các dòng thuế xuất khẩu nông thủy sản sang EU sẽ về 0% và sau 7 năm, 99,7% dòng thuế sẽ được hưởng thuế 0%...

“Tuy năm 2018, Việt Nam đã có những thành tựu vượt bậc về xuất khẩu nông sản, nhưng tính trong 7 tháng đầu năm 2019, khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ thì kim ngạch xuất khẩu nhóm các mặt hàng nông sản giảm tới 8,2%. Có thể thấy, xuất khẩu nông sản đã và đang gặp không ít rào cản, khó khăn. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động để triển khai FTA này, đồng thời, tiếp tục củng cố nội lực cho cộng đồng DN”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chưa bao giờ có FTA nào chưa được phê chuẩn mà đã nhận được sự quan tâm, quyết liệt triển khai như EVFTA. Trước đây, các Hiệp định khác cứ ký xong là xong, tự chuyển đổi, nhưng nay đã khác nên cần sự chuẩn bị kỹ càng. Đặc biệt, với EVFTA, lĩnh vực nông nghiệp được hưởng nhiều lợi thế trong xuất khẩu và hầu hết các nhóm thuế đều đưa về 0% trong một lộ trình ngắn nhất.

“Cẩn thận bao nhiêu cũng thiếu, chủ quan một tí cũng thừa. Vì vậy chúng ta cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng để nhận dạng cho rõ, gắn vào ngành hàng, DN và chuẩn bị chiến lược căn cơ, bài bản nhằm tận dụng cơ hội, ứng phó thách thức...” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Nhận định đúng thế mạnh và thách thức để khắc phục

Nêu tổng quan về Hiệp định EVFTA, lợi ích chiến lược và các khuyến nghị cho cộng đồng DN, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết: EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng các lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên, củng cố mối quan hệ song phương theo định hướng chiến lược, toàn diện và bền vững.

Với hàng nông sản, theo ông Lương Hoàng Thái, EU dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, thuế trong hạn ngạch là 0%. Các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi cơ bản xóa bỏ thuế ngay. Riêng với hàng thủy sản, 50% dòng thuế xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực (hiện thuế suất phần lớn là 6-22%); 50% số dòng thuế còn lại về 0% sau 3-7 năm…

Thuận lợi là có nhưng ông Thái cho rằng DN phải tuân thủ các thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS), sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, phát triển bền vững… Để làm được, DN cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác, thay đổi tư duy, chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn…

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Trưởng phòng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) bổ sung: Quy định SPS/TBT, hay quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế nên DN phải chú ý tới các tiêu chuẩn này. Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải đảm bảo tuân thủ các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hóa thông tin; đồng thời tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu không chỉ đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, lao động… Trong khi đó, ngành nông nghiệp vẫn còn manh mún, DN chưa có sự liên kết chặt chẽ, hệ thống phân phối trong nước thiếu liên kết… nên sẽ phải nỗ lực rất nhiều để khắc phục các điểm yếu này.

Nêu những công việc cần triển khai của ngành nông nghiệp trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) - cho hay: Bộ NN&PTNT định hướng sẽ đẩy mạnh tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của gia trại, trang trại; Sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt chẽ sử dụng hóa chất trong sản xuất; Quản lý chất lượng theo chuỗi, nguồn gốc xuất xứ, mã vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, chứng chỉ bền vững. Đặc biệt sẽ xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại cho phép nhằm tạo điều kiện cho các ngành hàng lợi thế yếu và vừa chuyển đổi hiệu quả.

“Để DN hiểu rõ các cam kết trong EVFTA, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường phổ biến và hướng dẫn những quy định của EU. Tập trung chỉ đạo triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; Xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia…”, ông Toản cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, để khai thác hiệu quả những lợi thế từ EVFTA, ngay từ đầu, Bộ NN&PTNT đã chủ động coi thị trường là mệnh lệnh của sản xuất. Sản xuất liên kết chuỗi, chú ý từ công đoạn nguyên liệu, chế biến cho đến sản xuất thị trường. Tuy nhiên trong thời gian tới sẽ làm quyết liệt, cụ thể hơn cho từng ngành hàng, lĩnh vực thông qua sự phối hợp với các hiệp hội ngành hàng ở từng địa phương.

Nguồn: Báo Công Thương