Tin tức

Mỹ-Trung bất đồng tái đàm phán thương mại

22/07/2019    39

Mỹ và Trung Quốc đang bất đồng về nội dung mà hai bên sẽ tái đàm phán trong các cuộc gặp trực tiếp giữa phái đoàn thương mại của hai nước trong thời gian tới.

Washington muốn một dự thảo thỏa thuận dài hơn với các nhượng bộ mà Bắc Kinh đã đưa ra trước đó nhưng Trung Quốc muốn đưa vào các yêu cầu riêng của nước này.

Hôm 18-7, các quan chức thương mại cấp cao Mỹ-Trung đã tiến hành cuộc điện đàm lần hai kể từ lúc hai nước nhất trí nối lại đàm phán sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi cuối tháng trước ở hội nghị G20 tại Osaka, Nhật Bản.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ xác nhận trên Twitter rằng Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn đã điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer để “tham vấn sâu hơn cũng như thảo luận cách triển khai những điểm mà hai lãnh đạo đã tán thành tại Osaka".

Bắc Kinh và Washington đã trải qua 11 vòng đàm phán thương mại trước khi đột ngột dừng lại vào ngày 10-5 khi Tổng thống Trump thông báo tăng mức áp thuế với 200 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc. Mỹ cáo buộc Trung Quốc rút lại các cam kết đã đưa đưa ra trong các cuộc đàm phán trước đó, còn Trung Quốc chỉ trích Mỹ đưa ra quá nhiều yêu cầu.

Tờ South China Morning Post dẫn một nguồn tin từ Mỹ cho biết cả hai bên vẫn chưa thống nhất được phiên bản dự thảo thỏa thuận thương mại nào sẽ được sử dụng để tái đàm phán.

Wang Yong, Giáo sư ngành quan hệ quốc tế ở Đại học Bắc Kinh, nói rằng Bắc Kinh và Washington đang cố gắng xác định các nội dung chi tiết cho các cuộc đàm phán trực tiếp sắp được nối lại.

“Mỹ muốn Trung Quốc quay trở lại nội dung dự thảo thỏa thuận đã được thảo luận tại vòng đàm phán thứ 10 vào ngày 30-4, trong khi đó, Trung Quốc yêu cầu Mỹ cân nhắc các yêu cầu riêng của nước này để tạo ra một thỏa thuận công bằng hơn”, ông nói.

Dự thảo thỏa thuận ở vòng đàm phán thứ 10 dài khoảng 150 trang, trong đó, bao gồm các cam kết nhượng bộ thương mại của Trung Quốc, theo các quan chức Mỹ. Chẳng bao lâu sau khi đàm phán sụp đổ hồi đầu tháng 5, Mỹ cáo buộc Trung Quốc rút lại các cam kết này, vậy nên, Mỹ dừng đàm phán.

Giáo sư Wang Yong cho rằng Washington cần phản hồi các lo ngại của Bắc Kinh về các động thái hạn chế xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc sang Mỹ, lệnh cấm vận đối với hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei cũng như các hạn chế thị thực đối với các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Hôm 19-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng xác nhận trong cuộc điện đàm ngày 18-7, các quan chức thương mại của hai nước đã trao đổi các quan điểm về cách thực hiện thỏa thuận của Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập tại cuộc gặp của họ hồi cuối tháng trước ở Nhật Bản và “bước tiếp theo” trong kế hoạch đàm phán.

Tuy nhiên, lời xác nhận có phần muộn màng và thiếu chi tiết này cho thấy có thể hai bên đạt được rất ít tiến triển về các vấn đề gai góc liên quan đến việc nối lại đàm phán.

Ông Cảnh Sảng kêu gọi hai bên vượt qua các bất đồng. “Tôi muốn nói rằng hai bên phải duy trì quyết tâm, sự tự tin, kiên nhẫn và hợp tác với nhau dựa trên nền tảng ngang bằng và tôn trọng lẫn nhau để đạt được một thỏa thuận vì lợi ích chung”, ông này nói.

Shi Yinhong, giáo sư ngành Quan hệ quốc tế ở Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết, cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung ở Nhật Bản tạo ra cơ hội cho cả hai bên nối lại đàm phán nhưng rất khó giúp đạt được một thỏa thuận.

“Chính quyền Mỹ cứ khăng khăng yêu cầu Trung Quốc phải quay trở lại điểm mà họ đã rút lui nhưng vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ có thể tái xem xét các yêu cầu của Bắc Kinh”, Shi Yinhong nói.

“Theo tôi, có lẽ chính quyền trung ương ở Bắc Kinh nghĩ rằng các điều kiện hiện nay chưa thích hợp để tái đàm phán. Một khi được nối lại, các cuộc đàm phán sẽ rất khó khăn và có những điều mà Trung Quốc không thể chấp nhận”, ông dự báo.

Giáo sư Wang Yong nói nếu hai bên có thể đạt được thỏa thuận thương mại, điều này sẽ mang lại các lợi ích khổng lồ cho cả Mỹ và Trung Quốc nhưng cũng có rủi ro đây là cuộc chiến phân định kẻ thắng, người thua.

“Hai bên đang thiếu niềm tin chiến lược. Trung Quốc đang ngày càng nghi ngờ các ý đồ của Washington. Và Mỹ đang gâp áp lực ở mức cao nhất có thể đối với Trung Quốc ở các vấn đề Biển Đông, Đài Loan, Tân Cương và Hồng Kông. Khi niềm tin song phương ngày càng giảm sút, rất khó để đạt được một thỏa thuận”, Wang Yong nhận định.

Trong một diễn biến khác, hôm 19-7, trao đổi với các phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump nói: “Bộ trưởng thương mại Mnuchin đã có cuộc điện đàm với các đồng nghiệp Trung Quốc. Họ đã có cuộc điện đàm rất tốt. Họ (Trung Quốc) đang chứng kiến năm tăng trưởng tồi tệ nhất trong 27 năm. Chúng ta có năm tăng trưởng tốt nhất từ trước đến nay. Hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra”.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn