Tin tức

Lợi thế từ nhiều FTA nhưng chỉ 47% hàng hóa Việt Nam tận dụng được ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang Hàn Quốc

19/07/2019    863

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 6/2019, Hàn Quốc vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong tổng số hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Tại Hội thảo Chính sách thương mại Việt Nam – Hàn Quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP HCM (VCCI HCM) phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức tại TP HCM, ngày 16/7, bà Nguyễn Thị Huyền Ngọc, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: 

"Việt Nam - Hàn Quốc có nhiều thuận lợi trong hợp tác thương mại và đầu tư bởi có lợi thế bổ sung cho nhau, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và những ngành nghề mà Việt Nam có nhu cầu như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ lại chính là thế mạnh của doanh nghiệp Hàn Quốc".

Cụ thể, xét về thương mại hàng hóa, Việt Nam với qui mô dân số hơn 96 triệu dân, kinh tế tăng trưởng ở khoảng 7%/năm là thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng. 

Đồng thời, với vị trí địa lí thuận lợi, từ Việt Nam có thể tiếp cận với gần một nửa thị trường thế giới chỉ với 6 - 8 giờ bay, chính là cầu nối để các nhà đầu tư mở rộng thị trường.

Ngoài ra, việc thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, biểu thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cũng thấp hơn hoặc tương đương với các quốc gia trong khu vực... là lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, bà Ngọc chia sẻ.

Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc và là địa điểm đầu tư hấp dẫn trong xu hướng mở rộng đầu tư về phía Nam của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn Hàn Quốc.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2019, Hàn Quốc là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Việt Nam với gần 8.000 dự án, tổng số vốn đầu tư đạt 64,5 tỉ USD và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Về thương mại hàng hóa, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Hàn Quốc đã tăng hơn 130 lần kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1992) từ 500 triệu USD lên 68,3 tỉ USD (năm 2018).

Đặc biệt, chỉ sau 2 năm sau khi ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc - VKFTA (2015), trao đổi thương mại song phương đã tăng gấp đôi.

Tuy nhiên, ông Yoon Joo –Young, Trưởng Văn phòng đại diện KOTRA tại TP HCM cho rằng, điểm yếu lớn nhất trong hợp tác giữa Việt Nam – Hàn Quốc chính là mức độ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Asean –Hàn Quốc (AKFTA) chưa đạt được hiệu quả như kì vọng.

"Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc tăng trưởng nhanh nhưng chưa tương xứng, cán cân thương mại nghiêng về phía Hàn Quốc và Việt Nam thâm hụt thương mại trong nhiều năm. Việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ VKFTA và AKFTA đều ở mức thấp", đại diện KOTRA cho hay.

Cụ thể, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc AKFTA chỉ ở mức 37%, mức trung bình tận dụng cả AKFTA và VKFTA là 62%.

Đặc biệt, trong khi 90% hàng hóa Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế thì ở chiều ngược lại chỉ có 47% hàng hóa Việt Nam tận dụng được ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân hàng hóa Việt Nam chưa tận dụng được các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường có FTA là do vướng mắc về qui tắc xuất xứ hàng hóa và thủ tục để được hưởng ưu đãi quá phức tạp.

Do đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này cần chuẩn bị đầy đủ các thủ tục pháp lý và đáp ứng những qui định từ EVFTA, nhất là đối với các qui định về xuất xứ hàng hóa, để tận dụng được các ưu đãi từ hiệp định.

Nguồn: VietNamBiz