Tin tức

Hợp tác thương mại quốc tế: Kinh nghiệm để hấp thụ những ưu đãi dồn dập

17/07/2019    124

Năm 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta đã có cơ hội rất lớn với 70 tỷ USD vốn trực tiếp, 10 tỷ USD vốn nóng. Nhưng cuối cùng nền kinh tế của chúng ta không đủ khả năng hấp thụ số vốn lớn như vậy, dẫn đến bong bóng tài chính và bong bóng bất động sản.

Chúng ta đã có Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ 14/01/2019, nếu suôn sẻ, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2020, và khoảng năm 2021 chúng ta sẽ có thêm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực.

Đây là 3 Hiệp định lớn, chưa kể các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn khác. Đó là một số lượng khổng lồ về các FTA cùng lúc đến với chúng ta, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, đã ví von giống như cùng lúc chúng ta có rất nhiều thang thuốc bổ “táng” vào người. 

“Nếu cơ thể chúng ta đủ khỏe để hấp thụ thì sẽ rất tốt, nhưng nếu cơ thể chúng ta yếu, việc cho quá nhiều thuốc bổ vào cơ thể lại trở thành lợi bất cập hại,” ông Khanh nói tại Hội thảo “Nhận diện cơ hội kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sớm được thông qua" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 10/7 tại Hà Nội. 

Theo ông Khanh, mức độ cam kết, nội dung cam kết của các Hiệp định là khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Chẳng hạn như cam kết trong Hiệp định CPTPP chúng ta cam kết chọn bỏ; cam kết trong EVFTA là cam kết chọn cho; cam kết trong RCEP là chọn cho trước và 5 năm sau lại chọn bỏ. 

Như vậy, ngay cả cơ quan thực thi cũng không biết đường nào mà hiểu, nên cần thiết phải có Nghị định hướng dẫn về các cam kết như thế nào để cơ quan quản lý đầu tư và doanh nghiệp hiểu cho đúng.


Mặc dù ý kiến này rất hợp lý nhưng đòi hỏi thách thức rất lớn đối với cơ quan quản lý trong việc đưa ra một Nghị định hướng dẫn chi tiết, hiểu rõ từng nội dung cam kết trong từng Hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEP, và hiểu cả 3 Hiệp định cộng gộp như thế nào là cả một núi công việc đồ sộ.

“Đó là chưa kể sức ép cho các doanh nghiệp hiểu rõ về các cam kết hay không nếu không có sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý,” ông  Ngô Chung Khanh nói. 

Ông Khanh lấy ví dụ thực tế năm 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta đã có cơ hội rất lớn với 70 tỷ USD vốn trực tiếp, 10 tỷ USD vốn nóng. Nhưng cuối cùng nền kinh tế của chúng ta không đủ khả năng hấp thụ số vốn lớn như vậy, dẫn đến bong bóng tài chính và bong bóng bất động sản.

“Hy vọng qua thời gian chúng ta đã có được những kinh nghiệm để xử lý tình huống có quá nhiều "thang thuốc bổ" đến cùng lúc,” ông Khanh nói. 

Sau khi Việt Nam và EU ký kết EVFTA vào ngày 30/6/2019, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai ngay chương trình tiêu chuẩn, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đánh giá tác động của Hiệp định này đối với Việt Nam để làm cơ sở trình Quốc hội xem xét phê chuẩn.

Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá xong về tác động đối với nền kinh tế, thương mại của Hiệp định đối với Việt Nam; Bộ Tư pháp về cơ bản đã hoàn tất đánh giá tính tương thích của EVFTA với hệ thống pháp luật của Việt Nam hay không. 

Tuy nhiên, ông Ngô Chung Khanh cho biết, cần phải đánh giá thêm những tác động khác về ngoại giao, chính trị, an ninh,… để có đánh giá một cách tổng thể tác động của Hiệp định EVFTA đối với Việt Nam.

Sau khi hoàn tất đánh giá mọi tác động, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định. Và chỉ sau khi được Quốc hội phê chuẩn, kế hoạch hành động thực thi Hiệp định mới được ban hành. 

Tại Lễ ký kết giữa hai bên vào ngày 30/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách thương mại, bà Cecilia Malmstrom đều bày tỏ mong muốn thực thi Hiệp định “một cách sớm nhất”. 

Theo tiết lộ của ông Ngô Chung Khanh, Chính phủ Việt Nam đang cố gắng hoàn tất quy trình một cách nhanh nhất để có thể trình Quốc hội phê chuẩn vào tháng 10/2019 tại kỳ họp tới. Về phía EU, hy vọng rằng rằng Liên minh châu Âu cũng sẽ trình Nghị viện châu Âu vào tháng 10 tới. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2020. 

Hiện chưa có đánh giá tổng thể từ phía Việt Nam về lợi ích cộng gộp đối với các FTA, nhưng dựa vào đánh giá của Viện Chính sách Nhật Bản, tác động cộng gộp của Hiệp định CPTPP kết hợp với những Hiệp định chúng ta đã ký kết, Hiệp định CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,7%. Nếu kết hợp thêm Hiệp định RCEP (dự kiến có hiệu lực vào năm 2021), nền kinh tế của chúng ta sẽ tăng thêm khoảng 7,8%.  

Theo Bộ KH&ĐT đánh giá, EVFTA có thể giúp cho GDP của Việt Nam tăng thêm từ 4-8% tùy theo mốc thời gian. Như vậy, nếu cộng gộp lại GDP của chúng ta có thể tăng thêm từ 13-16%.Trong khi đó, theo tính toán TPP - 12 (có sự tham gia của Hoa Kỳ) cũng “chỉ” giúp GDP của chúng ta tăng thêm 6,2%.

Nguồn: Infonet