Tin tức

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt ở thị trường Đông Âu

10/05/2019    36

Các doanh nghiệp Việt có thể tạo ra các liên doanh, liên kết để đạt được các lợi ích bổ sung khi xuất khẩu.

Chia sẻ tại "Diễn đàn thương mại Việt Nam – Đông Âu", ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do EVFTA và đang hoàn tất các thủ tục để tiến tới ký kết trong thời gian tới.

Hiệp định này sẽ góp phần xóa bỏ hàng rào thương mại, thúc đẩy hợp tác công nghiệp và đầu tư giữa Việt Nam với các nước châu Âu nói chung và Đông Âu nói riêng. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ hỗ trợ Việt Nam tận dụng lợi thế từ các chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi hiệp định có hiệu lực. Do đó, thời gian tới các mặt hàng chủ lực như thủy sản, rau quả tươi và chế biến, hàng điện tử và dệt may, da giày sẽ dễ dàng tiến sâu vào thị trường này.

"Đây là thị trường khá tiềm năng vì nhu cầu về các mặt hàng may mặc, thủy hải sản, nông sản khá cao. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa Việt sang khu vực này vẫn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2018", ông Vượng nhấn mạnh.

Là thị trường có nhu cầu về hàng may mặc và nông sản lớn, ông Dmirtriy Makarov, đại diện cơ quan thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết, thị trường Nga vẫn bị thu hút bởi hàng hóa Việt Nam. Ông đánh giá, các mặt hàng may mặc có thương hiệu của Việt Nam chất lượng không kém gì hàng châu Âu. Nếu tiếp cận được thị hiếu của người Nga, có giá cả hợp lý và đầy đủ kích cỡ thì các mặt hàng này nhanh chóng được biết đến. Bởi theo ông, nhu cầu tiêu dùng của người Nga thay đổi qua từng thời kỳ. Trước đây, họ thích mua hàng hiệu nhưng nay, trước khi mua họ luôn so sánh giá và chọn nơi bán hàng rẻ nhất.

Đánh giá cao về nông sản Việt, ông Bobko Igor, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu của Belarus cho hay, để hàng Việt xuất khẩu thuận lợi và hưởng được các lợi ích từ quốc gia này thì các doanh nghiệp cần tạo ra các liên doanh liên kết. Belarus đang kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam tham gia vào chuỗi này. Ông đưa ra đề xuất thành lập các liên doanh chế biến cà phê, chè, hải sản (tôm, cá ngừ) Việt Nam tại Belarus. Lợi ích khi tham gia vào liên doanh là hàng hóa, nguyên liệu thô xuất khẩu sang quốc gia này sẽ miễn thuế nhập khẩu. Ngoài ra, các sản phẩm Việt Nam có thể được xuất sang các nước láng giềng - Latvia, Estonia, Ba Lan và các nước EU khác.

Thống kê của Hải quan Việt Nam năm 2018 cho thấy, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước Đông Âu chỉ đạt 10,1 tỷ USD, tức là chỉ chiếm 2,65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Chưa tương xứng với tiềm năng nhưng tốc độ tăng trưởng tăng 30,53% so với 2017. Trong đó xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD (tăng 28,67%) và nhập khẩu đạt 3,6 tỷ USD ( tăng gần 33,97%).

Dù là thị trướng có tốc độ tăng trưởng mạnh và tiềm năng nhưng theo các doanh nghiệp Việt, hàng hóa qua thị trường còn nhiều khó khăn. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, các chính sách và điều khoản xuất khẩu hàng hóa vào Đông Âu nói chung và Nga nói riêng còn khắt khe. Hệ thống logistics phục vụ giao thương với khu vực này chưa tốt, hệ thống phân phối hàng hóa chưa hiệu quả. Đặc biệt, kênh thanh toán còn phức tạp nên nhiều doanh nghiệp dù hoàn thành hết các thủ tục vẫn ngưng xuất khẩu vì thanh toán khó khăn.

Cũng thừa nhận, thị trường Đông Âu khá đặc thù và "khó tính", ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam khuyên các doanh nghiệp chỉ nên bán từng lô và không nên bán theo kiểu trả gối đầu. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt cần đảm bảo hàng chất lượng ổn định, giá cả phù hợp, chủ yếu cho khách hàng bình dân. Bởi lẽ, đây là nhóm dân số chiếm phần lớn ở các nước Đông Âu.

Nguồn: VnExpress