Tin tức

Doanh nghiệp phải chủ động trên con thuyền CPTPP

10/05/2019    170

Doanh nghiệp khó có thể hội nhập thành công nếu không chủ động tìm hiểu các quy định trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, từ đó đưa ra những phương án kinh doanh phù hợp. Đây là các nội dung được Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam – ông Võ Minh Nhựt tham vấn tại phiên hiến kế của diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (ViEF) 2019.

Cơ hội vẫn là cơ hội

Tại phiên thảo luận doanh nghiệp và CPTPP, một trong những nội dung nằm trong Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra sáng ngày 2-5, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, các doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn từ CPTPP. Cơ hội càng trở nên lớn hơn trước căng thẳng thương mại đang diễn ra, khiến dòng chảy thương mại biến dạng, đầu tư chuyển hướng.

“CPTPP đã mang lại lợi ích có thật, đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam”, ông Lộc nói. Dẫn chứng cho nhận định của mình, ông Lộc cho hay, tại thời điểm này, 6 thị trường hấp dẫn nhất trong CPTPP đã bỏ 79-95% các dòng thuế cho hàng hoá của Việt Nam; 8.000-9.000 loại sản phẩm được hưởng thuế 0%. Điều này đã tạo lợi thế cho hàng hóa từ Việt Nam so với sản phẩm cùng loại của các nước khác.

Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam cũng được tận hưởng cơ hội từ việc giảm chi phí sản xuất nhờ nhập khẩu máy móc, thiết bị sản xuất từ các đối tác khi 65% thuế của các sản phẩm hàng hoá từ các nước CPTPP được bãi bỏ khi Việt Nam nhập khẩu.

Tiếp đó, thị trường dịch vụ được mở cửa giúp chi phí như logistics, bảo hiểm, tài chính tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn. Chi phí về mặt thời gian, nhân lực và chi phí không chính thức sẽ giảm đi và theo hướng minh bạch, thuận tiện hơn theo cam kết của CPTPP.

Ngoài lợi ích kinh tế, CTPPP còn là con đường để phát triển bền vững thông qua việc thực hiện các tiêu chuẩn cao hơn liên quan tới lao động, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường.

Tham dự phiên thảo luận, ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty TNHH NS Bluescope Việt Nam cho hay, cơ hội đối với ngành thép, đặc biệt là ở công đoạn Upstream (thượng nguồn) và Midstream (trung nguồn) là không nhiều. Đa số sản phẩm thép mà Việt Nam xuất khẩu hiện nay vào thị trường không nằm trong CPTPP. Việt Nam sản xuất khoảng 22 triệu tấn thép/năm và xuất khẩu hơn 20% sản lượng sản xuất, chủ yếu vào 3 thị trường ASEAN (60%), Mỹ (15%) và EU (10%).

Tuy nhiên ngành thép ở công đoạn hạ nguồn (Downstream) sẽ có nhiều cơ hội hơn từ CPTPP. Theo ông Nhựt, cơ hội sẽ đến từ các dự án đầu tư vào Việt Nam để hoàn thiện chuỗi cung ứng. Hơn nữa, các sản phẩm thép downstream mà Việt Nam có ưu thế như khung thép tiền chế, nhà thép container, trụ điện, quạt turbin gió… có cơ hội xuất khẩu vào những nước nằm trong CPTPP do ít bị rào cản về thuế chống bán phá giá, ít bị rào cản các hàng rào kỹ thuật, cũng như mức thuế.

Doanh nghiệp phải chủ động

Bài học từ các FTA hiện có của Việt Nam trong những năm qua có nhiều lý do để cộng đồng doanh nghiệp trong nước lo lắng. Các FTA đã có từng được hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng lợi ích thực sự đạt được còn khiêm tốn. Năm 2018, chỉ 39% kim ngạch xuất khẩu qua các thị trường có FTA, tận dụng được ưu đãi thuế quan. Hơn một nửa các lợi ích thuế quan kỳ vọng từ FTA vẫn tuột khỏi tay doanh nghiệp nội.

Rào cản đối với doanh nghiệp khi tận dụng các FTA, theo ông Lộc là khả năng đáp ứng được quy tắc xuất xứ cũng như năng lực vượt qua được các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu.

Khả năng đáp ứng yếu nguồn nguyên liệu đối với các ngành xuất khẩu truyền thống như dệt may, da giày….đã được nhắc tới từ lâu nhưng chưa có giải pháp nào đủ mạnh để giải quyết. Gần đây, các ngành có thế mạnh trong nước như thuỷ sản, hạt điều...cũng đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu trong nước, theo người đứng đầu VCCI.

Ông Nhựt cho rằng, thép Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm hơn 50%), tiếp đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên thách thức không lớn do Việt Nam đã có những chính sách Chống Bán Phá Giá, Phòng vệ thương Mại và sản phẩm thép thô được sản xuất tại Việt Nam với giá thành thấp

Dù vậy, các sản phẩm Hạ Nguồn của Việt Nam  chưa thật sự nổi bật về chất lượng, mẫu mã và chưa tạo được thương hiệu lớn. Một số doanh nghiệp tư nhân chưa quan tâm tới việc nâng cấp một số tiêu chuẩn, chính sách của mình, thỏa mãn yêu cầu cao trong CPTPP.

Một thách thức khác đối với ngành thép, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh là ngành này vẫn chưa sản xuất được thép cán nóng, phải nhập khẩu từ nước ngoài về, gia công và bán tôn. Đây cũng là một trong những yếu tố cản trở thép của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khác.

Thực tế, vừa qua Việt Nam không xuất khẩu được vào Hoa Kỳ vì họ thay đổi quy tắc xuất xứ. Theo đó, phải làm thép cán nóng, ra tôn mới được coi là thép sản xuất tại Việt Nam. “Nếu chúng ta không phát triển thép cán nóng thì ngành thép sẽ không có cơ hội xuất khẩu trong tương lai”, ông Khánh nói.

Tại phiên thảo luận, ông Nhựt cho rằng, nếu doanh nghiệp trong nước không chủ động tìm hiểu thông tin, tự điều chỉnh và tìm ra giải pháp cho mình thì sẽ rất khó để tận dụng được cơ hội từ CPTPP.

Để  tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, NS BlueScope Việt Nam đã nghiên cứu và cho ra đời các công nghệ và sản phẩm tiên tiến trong ngành thép thông qua các Trung tâm R&D của Tập đoàn cũng như hợp tác với các đối tác giàu kinh nghiệm chuyên môn khác, từ đó phá vỡ rào cản về giá thành xuất khẩu.

BlueScope còn là thương hiệu thép đầu tiên ra mắt dòng sản phẩm mạ nhôm kẽm tại thị trường Việt Nam năm 2005. Trong năm 2019, công ty sẽ tiếp tục vai trò tiên phong trong công nghệ với dòng sản phẩm tôn Zincalume và Colorbond sở hữu công nghệ ActivateTM đầu tiên và duy nhất trên thị trường có thể thách thức các điều kiện môi trường khắc nghiệt nhất như môi trường biển và công nghiệp ô nhiễm.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh, NS BlueScope Việt Nam còn chú trọng xây dựng những giá trị cốt lõi phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc cũng như những tiêu chuẩn khắt khe của CPTPP thông qua 5 trụ cột chính: An toàn, sức khỏe cho nhân viên, khách hàng, cổ đông; Giảm tối đa khí thải gây hiệu ứng nhà kính; Nâng cao tỷ lệ lao động và lãnh đạo nữ trong doanh nghiệp; Minh bạch và phòng chống tiếp tay với tham nhũng.

Trong hành trình đồng hành cùng sự phát triển của nền kinh tế, Colorbond nói riêng, NS BlueScope Việt Nam nói chung đã, đang và sẽ tiếp tục ứng dụng các dòng sản phẩm chất lượng cao và kinh nghiệm chuyên môn đầu ngành của hãng để đóng góp cho sự phát triển chung của toàn ngành.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn