Tin tức

Khi EVFTA có hiệu lực: 16 tỉ USD và “cơ hội vàng” cho doanh nghiệp

22/04/2019    1945

Các chuyên gia dự báo, nếu Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực năm 2019 thì ngay trong năm sau xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU sẽ tăng thêm 16 tỉ USD.

Với mức cắt giảm thuế theo nguyên tắc 7/10, EU sẽ dần xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, tối đa trong vòng 7 năm. Nhiều sản phẩm là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam được loại bỏ thuế hoàn toàn ngay khi hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, có đến 99% các ngành hàng sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, giảm thuế ngay về 0%, trong khi với chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) hiện nay, Việt Nam mới được hưởng 0% cho khoảng 42% nhóm hàng, sản phẩm.

Doanh nghiệp Việt thêm lợi thế cạnh tranh

Tới đây, Việt Nam sẽ không còn GSP, nên ưu đãi thuế quan ở hiệp định này mang lại lợi ích to lớn cho các sản phẩm Việt như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp xe hơi... Đặc biệt, thủy sản sẽ được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên áp dụng hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn) với lộ trình dài nhất là 7 năm.

Theo tính toán của hai bên, với EVFTA, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng thêm 4-6% vào năm 2019, tương đương tăng thêm khoảng 16 tỉ USD, đến 2028 sẽ tăng thêm hơn 75 tỉ USD. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu và cơ cấu kinh tế của Việt Nam với EU có tính bổ trợ chứ không cạnh tranh trực tiếp, nên cơ hội rất đáng kể nếu tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường tốt.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, ngành thủy sản sẽ hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực. Khoảng 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua EU sẽ giảm về 0% trong 3-4 năm. Đây là lợi thế lớn so với các nước khác cùng xuất khẩu thủy sản, bởi mức thuế nhập khẩu EU hiện khoảng 14%. Riêng mặt hàng tôm sẽ khả quan hơn bởi thuế nhập khẩu vào thị trường này sẽ giảm mạnh từ năm đầu tiên, sau đó giảm dần về 0% trong những năm tiếp theo.

Với ngành dệt may, EVFTA cũng là hiệp định được kỳ vọng lớn. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, đánh giá EVFTA có hiệu lực sẽ tạo cơ hội rõ rệt cho doanh nghiệp trong ngành. "Lâu nay, các doanh nghiệp trong ngành khai thác một số hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, riêng ASEAN chưa tận dụng được nhiều do bị cạnh tranh gay gắt. Có EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp thêm lợi thế cạnh tranh", ông Hồng phân tích.

Trong báo cáo của EuroCham năm 2018 về EVFTA, các chuyên gia đánh giá khi được phê duyệt và có hiệu lực, EVFTA sẽ tạo ra lực đẩy khổng lồ cho cả Việt Nam và EU, bắt đầu từ việc giảm thuế dần đối với rất nhiều loại hàng hóa. Việt Nam có thể sẽ tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP lên đến 15.000 tỉ USD. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu và đầu tư từ EU có thêm cơ hội tiếp cận một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất với hơn 90 triệu dân.

Cụ thể, EVFTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trên tất cả các ngành, lĩnh vực; cải thiện khuôn khổ pháp lý và môi trường đầu tư kinh doanh; giảm thuế quan và các rào cản thương mại; nâng cao tiêu chuẩn an toàn chất lượng cũng như đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam. GDP của Việt Nam ước tính tăng thêm 0,5%/năm và kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 4%-6%.

Ưu đãi đi kèm chất lượng

Theo các chuyên gia, khi EU đang trong quá trình thúc đẩy các thủ tục thương lượng FTA với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, Việt Nam nên khai thác "thời điểm vàng" này một cách hiệu quả nhất để trở thành trung tâm đầu tư trong khu vực, trước khi các nước khác ký kết FTA với EU. Còn theo khảo sát gần đây của EuroCham thu thập từ hơn 130 doanh nghiệp, chiếm hơn 10% thành viên của EuroCham, hơn 80% tin rằng EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh, trong đó có 72% cho rằng hiệp định sẽ giúp Việt Nam trở thành cánh cổng giao thương cho các doanh nghiệp châu Âu trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài các tác động tích cực về mặt kinh tế, thành viên EuroCham tin rằng EVFTA sẽ cải thiện các vấn đề xã hội và môi trường tại Việt Nam. Chẳng hạn, khoảng 1/3 lượng phản hồi cho rằng EVFTA sẽ tác động đáng kể đến việc tăng cường phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. "Các thành viên của chúng tôi chỉ ra một bức tranh tích cực, lạc quan về EVFTA, với 85% dự đoán EVFTA sẽ có tác động đáng kể hoặc vừa phải đến kế hoạch kinh doanh và đầu tư của họ trong dài hạn", ông Nicolas Audier, đồng chủ tịch EuroCham nói. 

Khoảng 80% thành viên EuroCham tin rằng EVFTA sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hơn 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận thấy Việt Nam trở thành cánh cổng giao thương cho các doanh nghiệp châu Âu trong khu vực ASEAN. Trong thời gian gần đây, Việt Nam đón khá nhiều đoàn doanh nghiệp châu Âu sang tìm kiếm cơ hội đầu tư, giao thương. Một số doanh nghiệp châu Âu ở Thái Lan, Indonesia... cũng có ý định dịch chuyển nhà máy của họ về Việt Nam.

Tuy nhiên, để tận dụng được ưu đãi, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tuân thủ tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU. Ông Trương Đình Hòe cho rằng, đi kèm với các cam kết ưu đãi giảm thuế của EVFTA là những yêu cầu cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn kháng sinh đối với sản phẩm xuất khẩu mà doanh nghiệp Việt cần đáp ứng để khai thác được lợi thế của mình, nếu không thì sẽ gặp khó khăn.

Thực tế, các yêu cầu này không phải quy định của một thị trường nào mà đã trở thành xu hướng chung của toàn cầu, nhất là đối với thủy sản Việt Nam khi 70% nguyên liệu đầu vào là từ nuôi trồng. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị để cung cấp số liệu, hồ sơ, quy trình truy xuất nguồn gốc một cách bài bản để tạo niềm tin cho nhà nhập khẩu thủy sản Việt Nam.
Với ngành dệt may, theo ông Phạm Xuân Hồng, lâu nay các doanh nghiệp vẫn đề xuất nhà nước đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Dù thời gian qua đã có chủ trương nhưng cần “thúc" quá trình này bằng chính sách để triển khai mạnh mẽ hơn. Đồng thời, muốn nâng giá trị gia tăng cho xuất khẩu dệt may, cần phát triển công nghiệp thời trang. Hiện nay, xuất khẩu dệt may đạt kim ngạch lớn nhưng giá trị gia tăng mang lại cho nền kinh tế chưa nhiều, chủ yếu là gia công.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp