Tin tức

Việt Nam có được thừa nhận là nền kinh tế thị trường?

14/12/2018    8079

Bà Nguyễn Thị Thu Trang  - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - VCCI khẳng định, việc các nước coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ tạo ra một sự thay đổi trong kết quả các vụ điều tra.

Theo đó, các kết quả tính toán sẽ phần nào sát hơn với thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Việc các nước sẽ không còn được mặc nhiên coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường sẽ tác động như thế nào tới các vụ kiện phòng vệ thương mại, thưa bà?

Chúng ta cần nói rõ hơn về quy chế kinh tế phi thị trường này. Cụ thể, khi chúng ta đàm phán gia nhập WTO, dưới sức ép của một số đối tác, Việt Nam phải chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong các vụ điều tra chống bán phá giá và điều tra chống trợ cấp đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Về mặt kỹ thuật, điều này có nghĩa là trong các vụ điều tra, Việt Nam có thể không được hưởng các cách thức tính toán biên độ phá giá, biên độ trợ cấp chuẩn mực của WTO.

Trên thực tế, phần lớn trong số 114 vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và cả chống lẩn tránh các loại thuế, hàng hóa của chúng ta đã phải chịu cách tính toán giá dựa trên chi phí thay thế từ một nước thứ ba nào đó chứ không phải là chi phí sản xuất thực tế của chính mình. Điều này khiến kết quả tính toán biên độ phá giá, trợ cấp luôn bị “thổi phồng” lên.

Theo cam kết trong WTO, Việt Nam chỉ bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong các vụ điều tra này tới hết 31/12/2018. Nếu như các nước làm đúng như lời hứa, sau ngày này, Việt Nam sẽ như tất cả các nước xuất khẩu khác, khi bị điều tra, các tính toán đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải theo các chuẩn của WTO. Điều này, nếu như thành hiện thực, sẽ tạo ra một sự thay đổi trong kết quả các vụ điều tra, các kết quả tính toán sẽ phần nào sát hơn với thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Bà có nói, tất cả mới chỉ là “nếu như”, vì sao vậy, thưa bà?

Đúng vậy, tất cả các suy đoán về cách thức các nước sẽ đối xử với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp sau 31/12/2018 hiện đều là giả thuyết.

Lý do là Trung Quốc, nước có cam kết khi gia nhập WTO tương tự Việt Nam, với thời hạn là 11/12/2016, hiện vẫn chưa được nhiều nước chấp nhận cách tính toán chuẩn theo WTO trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Rất nhiều nước vẫn liên tục dùng nhiều lập luận và cách thức để từ chối dành cho Trung Quốc quy chế kinh tế thị trường.
Một trong những lý lẽ đưa ra sớm nhất của các nước này là: Cam kết WTO chỉ nói trong thời hạn đã nêu, Trung Quốc mặc nhiên bị coi là nền kinh tế phi thị trường, còn WTO không ràng buộc gì về việc sau thời điểm 11/12/2016, các nước sẽ phải đối xử với Trung Quốc như thế nào. Trung Quốc tất nhiên đã phản đối quyết liệt các lập luận này. Trung Quốc cũng đã kiện Mỹ và EU ra WTO, và tới nay vụ kiện vẫn đang trong quá trình xử lý, chưa có kết quả. Kết quả này, nếu có, suy đoán cũng sẽ áp dụng tương tự cho Việt Nam.

- Vậy có nghĩa là nếu vụ kiện có phán quyết nghiêng về phía Trung Quốc, áp dụng tương tự cho trường hợp Việt Nam, các nước nhập khẩu sẽ phải coi chúng ta là nền kinh tế thị trường trong các điều tra sau này?

Về lý thuyết là như vậy. Tuy nhiên, hiện một số thị trường lại đang dựng lên các cơ chế khác với tác động tương tự.

Ví dụ, Mỹ hiện đang tăng cường sử dụng điều khoản “tình trạng thị trường đặc biệt”, theo đó trong một vụ điều tra chống án phá giá, chống trợ cấp, nếu xác định ngành sản xuất nước xuất khẩu có “tình trạng thị trường đặc biệt” thì cơ quan điều tra sẽ áp dụng phương pháp tính toán mà mình cho là thích hợp.

Tất nhiên, việc sử dụng các cơ chế khác này có phù hợp với WTO cũng là một câu hỏi pháp lý gây nhiều tranh cãi. WTO chỉ quy định về các phương pháp tính toán bắt buộc tuân thủ, mà không hề ghi nhận quyền áp dụng các phương pháp khác.

- Vậy, trong bối cảnh này, theo bà chúng ta nên và phải làm gì?

Với bối cảnh như đã nêu, hy vọng chúng ta có thể được mặc nhiên coi là nền kinh tế thị trường và được hưởng các phương pháp tính toán công bằng hơn sau 31/12/2018 có lẽ là khá mong manh.

Vì vậy, biện pháp tốt nhất có lẽ vẫn là tiếp tục các nỗ lực cải cách trong nước theo hướng kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, những cải cách ở trong nước cũng có ý nghĩa quan trọng giúp doanh nghiệp trong từng vụ việc cụ thể tự chứng minh với cơ quan điều tra ở các thị trường chưa công nhận Việt Nam rằng ngành mình đã hoạt động theo cơ chế thị trường.

Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu, dù tiến triển của vấn đề này có thuận hay không thuận, việc sẵn sàng cho các nguy cơ và hành động hợp lý khi xảy ra vụ kiện vẫn là điều quan trọng nhất cần làm.

- Xin cảm ơn bà!
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp