Các chuyên gia thương mại nhận định, nếu không có những giải pháp cụ thể trong 6 tháng còn lại, nhiều khả năng xuất khẩu hàng dệt may sang Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục giảm.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 6 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu toàn ngành dệt may ước đạt 4,65 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài thị trường Mỹ vẫn đạt mức tăng trưởng 15%, Hàn Quốc tăng trên 40%, ASEAN tăng trên 20% so với cùng kỳ, thì kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU tăng không đáng kể, đạt khoảng 650 triệu USD. Thậm chí trong hai tháng 4 và 5 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU bình quân mỗi tháng chỉ là 104 triệu USD, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Nhận định về triển vọng tăng xuất khẩu sang EU đối với các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có dệt may, ông Sean Doyle, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, EU, đặc biệt là một số thị trường như Hy Lạp, Bồ Đào Nha... từ nay đến cuối năm, sẽ khó phục hồi, vì niềm tin của người tiêu dùng đang có dấu hiệu đi xuống do khủng hoảng nợ công. Vì vậy, tất yếu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam.

 

Ông Trần Ngọc Quân, Trưởng phòng EU, Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cũng nhận xét, không chỉ riêng doanh nghiệp (DN) dệt may, mà các DN Việt Nam xuất khẩu hàng hoá nói chung sang thị trường EU đều gặp khó khăn. “Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã qua giai đoạn tồi tệ nhất, nhưng kinh tế khu vực châu Âu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các chính sách bảo hộ mậu dịch vẫn gia tăng ở EU khiến cho các DN xuất khẩu của Việt Nam đã khó khăn lại càng khó khăn hơn”, ông Quân nhấn mạnh.

 

Thêm vào đó, EU là thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khắt khe, với mục đích là bảo vệ tốt nhất sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... Đây là rào cản lớn đối với những DN chưa có sự chuẩn bị kỹ càng.

 

Theo đánh giá của VITAS, EU, Mỹ và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may, đặc biệt, từ năm 2005 khi chế độ hạn ngạch xuất khẩu vào EU được dỡ bỏ, nhưng trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu sang EU không tăng mạnh như thị trường Mỹ. Nếu xuất khẩu sang Mỹ những năm gần đây (trừ năm 2009 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế) đều có mức tăng trưởng từ 17 đến 30%, thì xuất khẩu sang EU chỉ tăng ở mức 11-12%. Lý giải điều này, ông Diệp Thành Kiệt, Tổng thư ký Hội Dệt may - thêu - đan TP.HCM cho rằng, nguyên nhân chính là do DN đã quá tập trung vào thị trường Mỹ và có phần lơ là thị trường EU. Ngoài ra, yêu cầu của người tiêu dùng về chất lượng và kiểu dáng sản phẩm tại EU cũng có phần khắt khe hơn Mỹ, cũng là nguyên nhân khiến cho hàng dệt may sang EU không tăng như mong đợi, bởi không nhiều DN đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật này.

 

Mặc dù bức tranh chung về thị trường EU có phần ảm đạm, song ông Sean Doyle khẳng định, vẫn còn những thị trường có thể tạo đà cho hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng tốt như Đức, Anh, Hà Lan... “Tất nhiên, việc có tận dụng được cơ hội hay không còn tuỳ thuộc vào cách triển khai thực hiện của từng DN”, ông Sean Doyle nói.

 

Để khắc phục khó khăn cho xuất khẩu hàng dệt may vào EU, ông Kiệt cho rằng, ngành dệt may phải tạo được sản phẩm có giá trị bảo vệ môi trường theo đúng yêu cầu của thị trường EU, tổ chức lại sản xuất, chú trọng tìm mọi cách tiết giảm chi phí sản xuất, nghiên cứu áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến... để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.

 

Các DN cần tận dụng cơ hội thu hút đơn hàng, duy trì và khai thác hiệu quả các khách hàng truyền thống để phát triển thêm được khách hàng mới, góp phần ổn định sản xuất, bảo đảm công ăn, việc làm cho người lao động. Đặc biệt, phải chú trọng đến việc liên kết chiến lược với các khách hàng là những nhà bán lẻ, nhập khẩu lớn trên thế giới, tham gia vào các chuỗi liên kết của họ.

Nguồn: InfoTV