Tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) cả năm 2010 của VN dự báo đạt khoảng 63 – 64 tỷ USD. Trong khi đó năm 2009 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 56,6 tỷ USD. XK năm 2010 có thể tăng trưởng mạnh về kim ngạch nhưng những diễn biến của tỷ giá ngoại tệ hiện nay lại không thuận cho XK khi ngoại tệ, nhất là EUR liên tục xuống giá.

Cả USD và EUR đều giảm giá khiến XK của các DN vào thị trường EU và Mỹ gặp khó khăn. Có lẽ các chính sách điều tiết tỷ giá đã phát huy hiệu quả trong việc duy trì một mức giá tương đối “bình đẳng” giữa công bố của NHNN và thị trường “chợ đen”. song việc giá ngoại tệ giảm lại khiến DN XK hết sức lo lắng.

Thiệt đơn, thiệt kép

Từ 10/6, EUR vẫn dao động quanh mức 22.893 đ/EUR (mua vào) và 23.253 đ/EUR – tiếp tục xuống thấp hơn so với 5 ngày trước đó. Đối với USD, khi giá USD của các ngân hàng (NH) tiếp tục giảm 10 đồng/USD thì sau đó 1 tuần giá USD vẫn tiếp tục dao động quanh mức 18.950 đ/USD mua vào, 19.000 đ/USD bán ra và tỷ giá xem ra chưa có chiều hướng thay đổi, nhất là khi các NHTM không những đủ nguồn ngoại tệ bán cho DN, cá nhân mà còn dư để bán lại cho NHNN và nguồn ngoại tệ được xem là đang khá dư dả nhờ XK vàng thì việc giá ngoại tệ sẽ còn giảm xem ra là dự báo rất có lý.

Chỉ tính riêng với EUR, kể từ đầu năm tới nay EUR đã mất giá khoảng 15%. Tỷ giá thay đổi khiến nhiều mặt hàng XK bị ảnh hưởng mạnh. Một số DN XK sang Châu Âu cho biết có thể có nhiều hợp đồng sẽ phải đàm phán lại hoặc DN chấp nhận chịu lỗ nếu đàm phán không thành. Với mức mất giá 15% của EUR trong vòng hơn 5 tháng qua, theo tính toán, mỗi áo sơmi XK bình thường có thể thu 5 EUR hiện có thể bị thiệt hại khoảng 0,5 – 0,7 EUR. Một ảnh hưởng khác không nhỏ đó là khi EUR mất giá, sức mua của thị trường cũng giảm mạnh khiến các DN XK nhắm vào thị trường EU có thể chịu thiệt đơn thiệt kép.

Xu hướng tiếp tục giảm

Đánh giá về tình hình XK hiện nay, một số ý kiến cho là đang khá khả quan. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước tính đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 14,4% so với tháng trước và tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước. Cho tới nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 25,8 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2009, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 12 tỷ USD, tăng 0,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dầu thô) đạt 13,8 tỷ USD, tăng 25,9%, nếu không kể dầu thô thì kim ngạch xuất khẩu khu vực này đạt 11,7 tỷ USD, tăng 39,1%.

Đơn giá xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng (trừ cà phê) đều tăng, trong đó giá hạt điều tăng 19,3%, hạt tiêu tăng 33,4%, gạo tăng 8,4%, chè tăng 7,5%, cao su tăng 91,1%. Đặc biệt dệt may đạt 3,8 tỷ USD, tăng 17,1%; giày dép đạt 1,8 tỷ USD, tăng 7,7%; thủy sản đạt 1,6 tỷ USD tăng 18%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 31,1%...

Tuy tình hình hiện vẫn khả quan song theo ý kiến của một số chuyên gia, tỷ giá USD/EUR sẽ còn tiếp tục giảm mạnh vào cuối năm nay khi tình hình nợ nần của các nước thuộc khu vực Châu Âu vẫn không khả quan hơn. Hiện nay tỷ giá USD/EUR là 1,2, dự báo đến cuối năm về khoảng 1,06. Như vậy sử dụng USD trong giao dịch sẽ là lựa chọn an toàn và hiệu quả hơn.

Đối với tình hình trong nước, việc Chính phủ đưa việc tăng dự trữ ngoại tệ và kiểm soát ổn định tỷ giá vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2010 mới đây cũng được xem là một tín hiệu khả quan và khiến dự báo trên trở nên đáng tin cậy hơn.

Tốc độ vay USD của các DN vẫn tiếp tục tăng mạnh. Theo thông tin từ NHNN VN, tính đến cuối tháng 5, tốc độ cho vay tiền đồng của các NH chỉ tăng 2,45% so với cuối năm 2009, trong khi tốc độ cho vay ngoại tệ gấp 10 lần, lên đến 25%. DN tăng cường vay ngoại tệ cơ bản do tỷ giá đã khá ổn định và lãi vay cũng hấp dẫn hơn. Tuy nhiên đại bộ phận vẫn vay USD.

Tình hình kinh tế thuộc khu vực Châu Âu trở nên bất ổn do khủng hoảng nợ khiến EUR mất giá so với USD. Bên cạnh đó tỷ giá hai loại ngoại tệ nói trên, đóng vai trò quan trọng trong thanh toán XNK đối với VN lại giảm liên tục khiến cho XK gặp khó khăn. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, dùng USD để thanh toán vẫn có lợi hơn. Đối với các hợp đồng XK tới các khu vực ngoài Châu Âu cũng lợi hơn và vì vậy, một số chuyên gia khuyên rằng, các DN nên tập trung khai thác các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi EUR.

Nguồn: InfoTV