Lối ra cho ngành cà phê

17/05/2010    108

Cà phê là một trong 5 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với sản lượng xuất khẩu trên 1 triệu tấn/năm và đạt kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD/năm, chỉ đứng sau mặt hàng gạo.

Hiện cả nước có 535.000 ha cà phê, chủ yếu là Robusta, Arabica. Sản lượng  xuất khẩu hàng năm trên dưới 1 triệu tấn, trong đó cà phê nhân chiếm 95%, chỉ có 5% cà phê hoà tan. Nếu như giai đoạn 2005-2008 là thời kỳ cà phê lên ngôi thì năm 2009 đã mở đầu cho thời kỳ khó khăn của ngành cà phê Việt Nam. Nếu không có chiến lược phù hợp thì tình trạng này sẽ không dừng lại ở đây. Vì vậy, quy hoạch phát triển cà phê được coi là một trong những giải pháp tốt, nhằm phát triển ngành cà phê Việt Nam bền vững.

Các doanh nghiệp cà phê lao đao vì giá

Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết, ảnh hưởng kinh tế cộng biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng cà phê niên vụ 2009-2010 của Việt Nam, sản lượng thu hoạch chỉ còn 900.000 tấn, giảm từ 20-30%. Nửa đầu niên vụ 2009-2010, so với cùng kỳ vụ trước giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Lượng cà phê xuất khẩu của tháng 10/2009 so với tháng 10/2008 tăng 42,71% nhưng chỉ tăng 12,41% về giá trị, đơn giá vẫn giảm 21,23%. Tháng 11, khối lượng tăng 3,22% nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm tới  14,02%. Các tháng còn lại trong nửa đầu niên vụ giảm cả khối lượng và giá trị. Tổng quý IV năm 2009, khối lượng xuất khẩu đạt 247.000 tấn, đạt giá trị 350 triệu USD.

Sang năm 2010, thị trường tiếp tục diễn biến phức tạp, giá cà phê lên, xuống thất thường.  Theo Tổng cục Hải Quan, tổng quý I/2010, khối lượng xuất khẩu đạt 198.000 tấn, giá trị đạt 419 triệu USD. Tháng 4/2010, khối lượng cà phê xuất khẩu đạt khoảng 131.000 tấn, kim ngạch đạt 174 triệu USD, tăng 11,95% về khối lượng và 2,04% về giá trị, nhưng đơn giá vẫn giảm 8,85% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Lê Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam cho biết, do giá cà phê tại thị trường London và Newyork lên xuống thất thường, các doanh nghiệp bán trừ lùi và giao hàng xa chưa chốt giá bị thua lỗ nặng. Tại thị trường trong nước, giá cà phê cũng giảm liên tục, có thời điểm xuống mức 22 triệu đồng/tấn, giảm 50% so với giá đỉnh năm 2008 cộng thêm chính sách siết chặt tiền tệ khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu vốn nghiêm trọng.

Giải pháp nào cho ngành cà phê?

Ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT thôn cho hay, hiện nay 95% diện tích cà phê ở Việt Nam là do nông hộ quản lý, sản xuất quy mô nhỏ nên việc thu hoạch, chế biến và bảo quản cà phê còn kém, dẫn đến chất lượng không ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Vì vậy, cà phê Việt Nam thường được bán với giá thấp hơn các mặt hàng cà phê cùng loại khác trên thị trường.

Theo kiến nghị của Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, cuối tháng 4/2010, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê, với lãi suất hỗ trợ 6%. Trong công văn số 2377/VPCP-KTN ngày 21/4/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo, 10 doanh nghiệp nằm trong chương trình phải thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ, các bộ ngành liên quan, làm tốt để tạo tiền đề cho tháng 6/2010 sẽ tính tiếp chương trình cho vụ tới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà mãi đầu tháng 5/2010 chương trình mới được triển khai. Động thái này tuy được thực hiện rất muộn, song đã giúp giá cà phê trong nước nhích lên 24 triệu đồng/tấn.

Ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thôn cho biết, theo kế hoạch tháng 8 năm nay, Chính phủ sẽ phê duyệt Quy hoạch phát triển cà phê Việt Nam giai đoạn 2010-2015, định hướng năm 2020. Trên cơ sở quy hoạch, các địa phương sẽ phải rà soát và điều chỉnh chi tiết phát triển diện tích trồng cà phê của từng tỉnh đồng thời, khuyến khích trồng cà phê giống mới, chất lượng tốt, tăng cường đầu tư trong khâu thu hoạch, chế biến...

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử