Thủy sản Việt Nam là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh và đem lại nguồn ngoại tệ lớn. Tuy nhiên, càng ngày việc xuất khẩu thủy sản càng gặp phải nhiều khó khăn hơn từ các thị trường khó tính.  
Thêm nhiều khắt khe từ các nước nhập khẩu
Không chỉ đối mặt với những khó khăn về giá thành, nguyên liệu đầu vào, năm 2010 ngành thủy sản Việt Nam còn phải đối mặt với những rào cản thương mại mang tính bảo hộ ngày càng nhiều từ các nước nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Xuân Khôi, Giám đốc chứng nhận Công ty Intertek VN: thị trường EU vẫn là nơi có rất nhiều quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Khách hàng EU không chỉ tìm hiểu kỹ điều kiện của cơ sở chế biến, kinh doanh thủy hải sản mà họ còn muốn biết tường tận nguồn gốc của sản phẩm như được đánh bắt hay nuôi từ vùng nào, sử dụng những loại thuốc gì, thức ăn ra sao, cách thức chăm sóc, các vấn đề về môi trường trong quá trình nuôi… Tiêu chuẩn Global GAP và quy định IUU (illegal unreported and unregulated fishing) đối với mặt hàng hải sản khai thác là một trong những chuẩn hóa mà EU đưa ra với hàng nhập khẩu từ các nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, VN chỉ mới có một vùng nuôi tôm và 4 vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn Global GAP. Một số thị trường khác như Nga và Mỹ cũng ngày càng khắt khe hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nhanh chóng thích ứng mới có thể thâm nhập sản phẩm sâu rộng vào đây. Mặc dù vậy hiện tại các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chưa ý thức rõ ràng về những thách thức mới này.
Bà Nguyễn Bích Vân – Giám đốc điều hành công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Xuất nhập khẩu Thái Hưng Long cho rằng: một trong những tồn tại lớn của ngành khai thác và chế biển thủy sản của nước ta hiện nay vẫn là qui mô nhỏ, tàu thuyền và phương tiện khai thác chậm đổi mới, các dịch vụ hậu cần chậm phát triển, chưa đáp ứng kịp yêu cầu và nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ. Thêm vào đó, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ quan tâm đến giá cả và lợi nhuận trước mắt, họ chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, chưa có sự đầu tư đúng mức cho xây dựng được thương hiệu riêng và tạo chỗ đứng vững chắc cho mình. Bởi hiện nay xu hướng của người tiêu dùng hiện nay là sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để có được những sản phẩm an toàn, đây là xu hướng chung của cả thế giới.
Doanh nghiệp nên chủ động
Từ kinh nghiệm tích lũy 15 năm trong ngành thủy sản, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm khoảng 40 triệu USD qua các thị trường Mỹ, Nhật, Malaysia, Úc… ông Lê Văn Kháng – Tổng giám đốc công ty CP Thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo cho rằng; sản phẩm thủy sản Việt Nam đang dần được thị trường chấp nhận, song một số sản phẩm của ta đang được nuôi trồng với số lượng và quy mô lớn nhưng chưa có kế hoạch và phương hướng bao tiêu hợp lý nên dẫn đến việc các nhà xuất khẩu Việt Nam tự cạnh tranh với nhau ngay trên “sân nhà”. Điều này là nguyên nhân chính dẫn tới việc hàng của ta không đủ sức cạnh tranh với các nhà xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Theo ông Kháng: để có thể đưa hàng qua các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Nga… các doanh nghiệp xuất khẩu nên tự tìm cho mình một chiến lược an toàn trong lĩnh vực thanh toán cũng như quan tâm đúng mức tới chất lượng sản phẩm. Bởi lẽ muốn đưa hàng vào Hàn Quốc và Nhật Bản các doanh nghiệp nên chú ý đến quy cách chất lượng hải sản, trái lại muốn xuất hàng qua EU thì cần chú ý tiêu chuẩn vi sinh… Thực tế thị trường nào cũng tiềm năng dù số lượng xuất khẩu và thị phần không nhiều nhưng để đảm bảo cho một doanh nghiệp nói riêng cũng như ngành thủy sản nói chung thì dù chỉ xuất được một container/tháng cũng phải giữ, duy trì để phát triển.
Ông Trương Đình Hòe – Phó tổng thư ký Vasep cũng cho biết: điều cần thiết hiện nay với ngành thủy sản Việt Nam là nâng cao chất lượng thủy sản của các doanh nghiệp chế biến, xây dựng một mối liên kết thực sự vững chắc giữa sản xuất nguyên liệu và chế biến xuất khẩu. Có như vậy mới tránh được những rủi ro tiềm ẩn từ các nước nhập khẩu và tăng giá trị cho thủy sản nước nhà.
Hiện nay, một số doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã chuẩn bị tốt cho việc chứng nhận nguồn gốc sản phẩm như nhà xuất khẩu, nhà máy sản xuất, vùng nuôi, nguồn cung cấp con giống, loại thức ăn đã sử dụng, thời gian nuôi, ngày bắt và chế biến... bằng việc xin cấp giấy chứng nhận Global GAP của Châu Âu. Doanh nghiệp đi đầu phải kể tới là Công ty cổ phần NTACO, Công ty cổ phần thủy hải sản Minh Phú. Đây là tấm giấy thông hành tốt giúp thủy sản Việt Nam có thể tự tin thâm nhập tới các thị trường khó tính ở Châu Âu.
Mục tiêu trong năm 2010 này đạt kim ngạch thủy sản sẽ đạt 4,5 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2009. Để làm được điều này cần có sự nỗ lực cố gắng rất nhiều từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như người nuôi trồng thủy sản trên cả nước.

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử