Những mâu thuẫn mới đang nảy sinh, kèm với đó là những tranh luận sôi nổi về một chính sách tiền tệ hiệu quả thời hậu khủng hoảng cùng sự điều hành nền kinh tế vĩ mô của Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự và sự bền vững của chính sách tiền tệ này của Trung Quốc vẫn đang còn ở phía trước.

“Lỏng lẻo một cách thích đáng"

Sau khủng hoảng, Trung Quốc chủ trương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng ở mức độ phù hợp, hay còn gọi là "lỏng lẻo một cách thích đáng", tăng cường tính trọng điểm, sự linh hoạt và ổn định. Chính sách tiền tệ sẽ thực hiện một cách có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của chính sách tài chính, chính sách ngành nghề và chính sách phân phối thu nhập, đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường vốn và tối ưu hóa cơ cấu nguồn cung.

Chính sách tiền tệ này cần được duy trì là do việc Trung Quốc tiếp tục xuất siêu sẽ khiến cho hệ thống ngân hàng hạn chế đầu tư vào thị trường ngoại hối, đồng thời tạo ra nguy cơ khủng hoảng tiền tệ mang tính hệ thống. Việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hội nhập quốc tế, chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo ra lượng dự trữ ngoại hối và xuất siêu. Đồng thời, đây cũng là một trong những yếu tố quyết định đến việc đồng Nhân dân tệ có nên tăng giá trong thời gian tới hay không. Hiện chính sách tiền tệ của Trung Quốc đang phải chịu áp lực rất lớn từ việc xuất siêu, đặc biệt là lượng dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng. Vừa qua, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phải phát hành tới 3.990 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu để giảm áp lực do lượng cung Nhân dân tệ quá lớn tạo ra.

Kiểm soát chặt chẽ

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc kiềm chế lạm phát và khống chế bong bóng tài sản, trước mắt, Trung Quốc đã có kế hoạch kiểm soát và quản lý chặt chẽ việc cung cấp vốn cơ bản của Nhà nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn thay đổi cơ cấu cung cấp vốn theo hướng hợp lý và linh hoạt hơn; hoàn thiện cơ cấu đầu tư và điều chỉnh kết cấu ngành nghề; phát triển mạnh mẽ thị trường vốn thông qua tăng cường phát hành cổ phiếu mới, tăng cường cung cấp sản phẩm tài chính, tạo ra sự lưu động vốn trong xã hội; đẩy mạnh việc tung các loại trái phiếu, cổ phần ra thị trường quốc tế, triển khai thí điểm cải cách thị trường vốn OTC; đa dạng hóa và mở rộng thị trường vốn, khắc phục triệt để tình trạng tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Vì thế, mức tăng trưởng 11,8% trong Quý I năm nay cũng được cảnh báo là "có dấu hiệu tăng trưởng quá đà". Chính phủ đã ngưng một số biện pháp kích thích. Tuy nhiên, có thể cần phải hành động mạnh hơn thế, mặc dù hiện đang có nhiều tranh cãi.

Tạo môi trường thuận lợi

Chính phủ Trung Quốc đang tập trung tăng cường sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài chính.

Theo đó, năm 2010, Trung Quốc sẽ giảm thuế doanh nghiệp, điều chỉnh hợp lý các khoản chi và ưu việt hóa cơ cấu đầu tư. Tích cực mở rộng và điều chỉnh nhu cầu trong nước thông qua các biện pháp cụ thể như: tăng thu nhập cho người dân, giảm khoảng cách thu nhập, tăng cường phúc lợi xã hội, kích thích tiêu dùng của các tầng lớp dân cư. Cải cách công tác quản lý, giám sát về tài chính, đặc biệt là quản lý đối với lĩnh vực vốn lưu thông của chính quyền địa phương và giám sát rủi ro đối với ngân hàng thương mại, tối ưu hóa cơ cấu tín dụng để đề phòng rủi ro trong hoạt động tín dụng.
Cuối cùng là tận dụng những cơ hội do "Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc" (ACFTA) mang lại để mở rộng xuất khẩu và chuyển dịch nguồn vốn của Trung Quốc, đẩy nhanh tiến trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.

Vẫn thận trọng

Theo giới phân tích, mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề tỷ giá hối đoái đang có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn. Mỹ lên án Trung Quốc về việc sử dụng chính sách tỷ giá hiện tại để chi phối mậu dịch, mang lại lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại toàn cầu. Mỹ sẽ tiếp tục đe dọa áp thuế với những mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc trong khi Trung Quốc cũng phản đòn bằng việc giảm lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ mà quốc gia này đang nắm giữ. Mặc dù chịu áp lực căng thẳng từ nhiều phía, nhưng Trung Quốc vẫn đang kiên định chính sách tiền tệ của mình theo hướng từng bước và thận trọng.

Nguồn: tgvn.com.vn