Mới đây, khi các hội nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) kết thúc, đó là lúc một kỷ nguyên mới đối với hệ thống tài chính thế giới đã hình thành.

Trong những cuộc gặp, lãnh đạo tài chính thế giới đã thừa nhận những thay đổi trong bức tranh toàn cảnh nền kinh tế thế giới, thúc giục nỗ lực không ngừng nghỉ cải cách lĩnh vực tài chính trong khi vẫn cảnh giác cao độ với những nguy cơ tuột dốc tiềm tàng trong tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Kinh tế thế giới đa cực
Một trong những thành tựu lớn nhất qua các cuộc gặp lần này của các thể chế tài chính lớn nhất thế giới là sự nổi lên của các nước đang phát triển trong nền kinh tế thế giới. Để thực thi các thỏa thuận đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở  Pittsburgh (Mỹ) tháng 9 năm ngoái và Ủy ban Phát triển Isranbul một tháng sau đó, trong cuộc họp ngày 25/4/ tại Washington, WB đã thông qua hai quyết định quan trọng: góp thêm 5 tỷ USD vào vốn của mình và gia tăng “quyền biểu quyết” cho các nước đang trỗi dậy. Theo giới quan sát, đó là những cải tổ cần thiết để phản ánh đúng đắn ảnh hưởng ngày càng tăng của các nền kinh tế đang trỗi dậy trên thế giới. Đại diện cho xu hướng lạc quan về vai trò ngày càng quan trọng hơn của các nước đang vươn lên trong WB là chủ tịch của định chế này. Trong cuộc họp báo ngày 25/4, ông Robert Zoellick đã xác định là với các quyết định vừa thông qua, WB đã “tiến được những bước quan trọng trên con đường tăng cường tiếng nói và ảnh hưởng của các nước đang phát triển”. 
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc chuyển giao thêm quyền biểu quyết cho các nước đang phát triển không có nghĩa là tiếng nói của họ sẽ mạnh hơn, và trong thực tế, các quốc gia phát triển vẫn chi phối các định chế tài chính quốc tế.
 Ấn Độ, Braxin và nhất là Trung Quốc là những nước đang trỗi dậy được hưởng lợi nhiều nhất nhờ cải cách lần này. Bắc Kinh nghiễm nhiên trở thành nước có quyền bỏ phiếu quan trọng thứ ba trong WB, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản. Điều này phản ánh sức mạnh ngày càng tăng của các quốc gia này trong nền kinh tế thế giới. Ngược lại, phần của Nhật Bản, Anh, Đức và Pháp lại giảm tương đương với tỷ lệ trên. Việc điều chỉnh quyền biểu quyết này trong WB đi kèm với việc tăng vốn của định chế tài chính, tăng thêm hơn 5 tỷ USD. 
Sở dĩ WB phải tăng thêm vốn là vì chính định chế này, chứ không phải IMF, là định chế cho các quốc gia đang phát triển vay nhiều nhất từ khi nổ ra khủng hoảng năm 2008. Tuy nhiên, cho dù thực hiện cải cách trên, các quốc gia đang vươn lên vẫn chỉ đại diện có 47% vốn của WB. 
Các tổ chức phi chính phủ cũng chỉ trích WB là bất lực trong việc dành cho các nước nghèo nhất một tiếng nói có trọng lượng hơn hiện nay vì chính họ là những quốc gia cần đến sự giúp đỡ nhiều nhất của định chế tài chính quốc tế này. Ông Mark Weisbrot, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế tại Oasinhtơn cũng xác định thẳng thắn: “Các nước đang phát triển và phải đi vay sẽ không có được một tiếng nói có ý nghĩa tại WB”. Lý do là vì Mỹ, châu Âu và Nhật Bản gộp lại vẫn giữ một vị thế thống trị. 
Theo báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF, tốc độ tăng trưởng của các nước đang phát triển đang và sẽ nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển và nhờ thế, ảnh hưởng của những nước này trong nền kinh tế toàn cầu cũng được nâng cao. 
Cải cách kinh tế 
Để giải quyết những thách thức thời hậu khủng hoảng, cần có sự phối hợp chính sách hơn nữa và sự ủng hộ cho những phối hợp như vậy, đã được chứng tỏ trong các cuộc họp diễn ra trong tuần qua của IMF và WB, giúp đặt nền móng cho một hệ thống tài chính thế giới tốt hơn. 
IMFC cho rằng vấn đề trong khu vực tài chính là trọng tâm của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trong khi việc tăng cường quy định, giám và phục hồi tài chính vẫn là nhiệm vụ chưa hoàn thành. Các thành viên IMF đã nhất trí tăng cường nỗ lực thúc đẩy cách tiếp cận có phối hợp và chắc chắn cho hệ thống tài chính toàn cầu để có thể hỗ trợ tiến trình phục hồi kinh tế. 
Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn cảnh báo rằng việc các nền kinh tế phát triển đang cố gắng lấp những lỗ hổng trong việc quản lý tài chính có thể hình thành nên các chế độ quản lý không nhất quán làm nảy sinh nhiều vấn đề mới trong quá trình hợp tác. Một thành quả mang tính xây dựng đáng chú ý trong các cuộc họp lần này là lần đầu tiên, IMFC và G20 đã khởi xướng các phiên họp chung mang tên gọi “Quá trình Đánh giá Chung” để tăng cường phối hợp giữa hai nhóm. 
Nợ và các dòng vốn 
Về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, các nhà lãnh đạo tài chính cho rằng nhiều thách thức vẫn cần được giải quyết với tinh thần tập thể cho dù có một số dấu hiệu cho thấy thế giới đang phục hồi mạnh mẽ. 
Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn nói thế giới phải đối mặt với những vấn đề chính khi tiến tới giai đoạn tái thiết, trong đó có tỷ lệ thất nghiệp cao, nợ nhà nước tăng và nguy cơ đến từ các nguồn vốn đang đổ vào các thị trường mới nổi ngày càng nhiều. Trong Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu mới nhất, IMF khẳng định sức khỏe của nền kinh tế thế giới đã cải thiện, nhưng những rủi ro về chủ quyền của các nước phát triển có thể làm suy yếu những thành quả ổn định và khiến cuộc khủng hoảng tín dụng ngày càng trượt dốc, trong khi các nước có thị trường đang nổi đối mặt với những nguy cơ lạm phát và bong bóng bất động sản xuất phát từ sự tăng mạnh các luồng vốn. 
Giáo sư về kinh tế Raghuram Rajan của Khoa kinh doanh Booth thuộc Đại học Tổng hợp Chicago, một cựu kinh tế trưởng của IMF nhận xét: "Vấn đề mà IMF lo ngại là tất cả các nước G-20 đều lạc quan. Mọi người đều hy vọng tăng trưởng và nhiều người trong số họ hy vọng đạt tăng trưởng nhờ xuất khẩu". Tuy nhiên, không phải nước nào cũng có thể làm như vậy. 
Việc chấm dứt các chu kỳ bùng nổ-tan vỡ lan tràn trong nền kinh tế thế giới suốt 20 năm qua sẽ khiến các nền kinh tế phát triển phải tiến hành một số thay đổi "không mấy dễ chịu" về chính trị. Ví dụ như Mỹ phải kìm hãm chi tiêu nhờ vay nợ, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại; châu Âu phải giải quyết các cải cách thị trường lao động vốn không được các tổ chức công đoàn ủng hộ. Ông Rajan cho rằng các nước này sẽ trì hoãn tiến hành những thay đổi đầy khó khăn này vì hy vọng các nước khác trên thế giới sẽ thúc đẩy nhu cầu.

Nguồn: Cổng Thương vụ Việt Nam