Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của thép cán nguội nhập khẩu, vấn đề rào cản kỹ thuật đang được coi là giải pháp “tự vệ” của ngành Thép mặc dù giải pháp này không dễ thực hiện.
 
Bên cạnh áp lực từ thép nhập khẩu thì chính sự nhập nhèm về chất lượng của các sản phẩm thép cán nguội trong nước cũng là một lý do để theo đề xuất của Tổng Công ty Thép Việt Nam và được sự đồng ý của Chính phủ,  hai Bộ Công thương và Khoa học Công nghệ phối hợp xây dựng Bộ quy chuẩn kỹ thuật thép cán nguội Việt Nam.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các tiêu chí xây dựng Bộ quy chuẩn, thời điểm ban hành cũng như tính khả thi của dự án này vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Cái khó bó cái khôn
Theo những người “trong cuộc” là doanh nghiệp trong ngành thép, rào cản kỹ thuật thường được các nước phát triển áp dụng để cản hàng hóa từ các nước có trình độ phát triển thấp hơn.
Trong khi đó, hàng rào này, nếu được ban hành, cũng sẽ phải  áp dụng với cả hàng nội địa, bởi Việt Nam đã vào WTO. Và có nhiều nguyên nhân để lo ngại rằng, đây sẽ là hành động chẳng khác nào "vác dao chặt chính chân mình” như một chuyên gia ngành thép đánh giá.
Trước hết, do bản thân trình độ khoa học công nghệ của ngành thép Việt Nam còn hạn chế, các rào cản kỹ thuật có thể sẽ khiến chi phí đội lên.
Thêm vào đó, việc làm chủ và khai thác các ưu điểm của những công nghệ nhập khẩu cũng là một vấn đề. Đương nhiên, các DN Việt Nam khó có thể “làm chủ” tốt hơn những người sáng tạo ra công nghệ.
Ngoài ra, vì nhiều lý do khác nhau, chưa chắc các DN Việt Nam đã nhập được những công nghệ tốt nhất. Bên cạnh những cản trở về giá cả, điều kiện vận chuyển, khả năng sử dụng, các nhà cung cấp cũng muốn giữ công nghệ tốt nhất cho riêng mình để làm lợi thế cạnh tranh.
Cách đây mấy năm, Bộ Công Thương đã phải ra văn bản yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát lại tình hình sử dụng công nghệ luyện, cán thép trước tình trạng các doanh nghiệp nhỏ đua nhau mua công nghệ lò đứng lạc hậu, ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nhiên liệu mà các nước thải ra để tiết kiệm chi phí đầu tư. Bộ cũng đã không cấp giấy phép đầu tư cho những dự án thép sử dụng công nghệ cũ, công suất thấp (ví dụ như những lò đứng có công suất dưới 20 tấn).
Chính vì vậy, nếu chúng ta xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật quá cao, khắt khe theo chuẩn quốc tế của những công nghệ hiện đại nhất, sẽ có ít sản phẩm thép trong nước đáp ứng được.
Khó cũng phải làm
Tuy nhiên, như nhận định của Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Bùi Quang Chuyện, việc ban hành Bộ quy chuẩn thép cán nguội Việt Nam là hết sức cần thiết.
Theo ông Chuyện, đây không chỉ là chuyện bảo vệ thương hiệu sản phẩm thép trong nước mà còn là tiêu chí để phân loại, xếp hạng sản phẩm. Điều này sẽ là điều kiện và cũng là áp lực buộc doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ hiện đại.
Vấn đề là các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật phải được xây dựng như thế nào để hài hòa lợi ích, vừa bảo vệ được sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của thép ngoại, vừa đảm bảo không “chặt vào chân” các doanh nghiệp nội địa.
Ngoài ra, thời điểm ban hành cũng phải cân nhắc để Bộ quy chuẩn kỹ thuật thép cán nguội Việt Nam thực sự là động lực thúc đẩy sản xuất trong nước.
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường cho biết, theo yêu cầu của Bộ Công Thương, Hiệp hội đang rà soát lại tình hình sử dụng công nghệ cũng như mức độ đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của các nhà sản xuất trong nước.
Ông Cường cho rằng, Bộ quy chuẩn kỹ thuật thép của Việt Nam sẽ phải là những tiêu chuẩn ở mức trung bình để khuyến khích được doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.
Một giải pháp được cho là tối ưu nhất hiện nay đó là các nhà sản xuất in logo, thông số kỹ thuật, chất lượng lên từng sản phẩm chứ không chỉ ngoài bao bì để người tiêu dùng trong nước có thể dễ dàng nhận diện sản phẩm trong nước, có đầy đủ thông tin về sản phẩm. Đây cũng là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, phát hiện những sản phẩm không đảm bảo đủ tiêu chuẩn.
Còn theo ông Vũ Trường Xuân, Trưởng phòng Kỹ thuật của Tổng công ty Thép (Vnsteel) thì để Bộ quy chuẩn kỹ thuật thép cán nguội thực sự phát huy hiệu quả, ngoài việc các doanh nghiệp sản xuất thép cần làm ăn nghiêm chỉnh, bản thân người tiêu dùng cũng cần tránh tư tưởng chuộng hàng ngoại, hoặc vì ham rẻ mà mua hàng không rõ xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.
Còn đối với những sản phẩm trong nước đã có thương hiệu, hàng rào kỹ thuật mới  sẽ là cơ hội để những thương hiệu này vươn lên mở rộng sản xuất, chiếm lĩnh thị trường, để người tiêu dùng Việt Nam được dùng hàng Việt Nam chất lượng cao theo đúng nghĩa.

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử