Giá gạo dự báo sẽ tăng lên trong những tháng tới, giữa lúc tình hình kinh tế toàn cầu đang được cải thiện, giúp nâng cao mức cầu, và tình trạng khô hạn đang làm giảm sản lượng ở các nước như Ấn Độ.  
Theo thông tin viên đài TNHK Ron Corben từ BangKok, một số nhà kinh tế cho rằng giá gạo, loại lương thực chính của phần lớn dân số thế giới, có thể trở lại các mức gây lo ngại về lạm phát tại nhiều nơi ở châu Á như năm 2008. Ông Charuk Singhapreecha, Phó trưởng khoa Kinh tế học thuộc Đại học Kasetsart của Thái Lan nhận định giá gạo, nhất là giá gạo Thái Lan, đang được đẩy lên cao hơn do các khách hàng mới trở lại thị trường sau cuộc suy thoái kinh tế năm ngoái. Ông nói: “Người ta trông đợi mức cầu trên thế giới sẽ tăng và chúng ta trông đợi giá  gạo sẽ tăng trong năm tới. Có rất nhiều thị trường mới cho gạo Thái Lan và chúng ta vẫn còn những khách hàng cũ như Trung Quốc và một số nước Arập - mức cầu của các nước này sẽ gia tăng”.
Trong cuộc chạy đua giành thị phần gạo thế giới, Việt Nam dường như đang “đe dọa” vị trí số 1 của Thái Lan trong danh sách các nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Theo nhật báo “Yomiuri”, chính Thái Lan, chứ không phải Việt Nam, đang cảm thấy sức cạnh tranh trên thị trường gạo thế giới quyết liệt hơn bao giờ hết, trước sự vươn lên của nước láng giềng Việt Nam. Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu gạo Chukiat cũng phải thừa nhận Thái Lan đang đối mặt trực diện với “nguy cơ” Việt Nam trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường gạo thế giới.

Tại thị trường gạo Đông Nam Á, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua. Tính riêng trong năm 2009, lượng gạo của Việt Nam xuất sang thị trường Malaixia đã tăng gấp 1,5 lần (so với năm 2008) và hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường này. Tại thị trường Philippin, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan hoàn toàn bị lép về khi lượng gạo xuất sang thị trường này chỉ bằng 1/10 so với Việt Nam.

Tính trên thị trường thế giới năm 2009, khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan ngày càng được thu hẹp đáng kể. Đối với Thái Lan, nước giữ vị trí số 1 trong danh sách các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới từ những năm 1980, Việt Nam đã trở thành đối thủ lớn nhất khi nước này chính thức bắt đầu xuất khẩu gạo từ những năm 1990.

Các nhà phân tích thị trường gạo Thái Lan cho rằng sở dĩ có tình hình trên là do Việt Nam có lợi thế về giá thành rẻ. Nhờ giá nhân công rẻ, chi phí sản xuất cho 1 tấn gạo trắng tại Việt Nam chỉ mất 360 USD, trong khi chi phí này tại Thái Lan là 500 USD. Hơn nữa, kể từ thời cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, Thái Lan bắt đầu áp dụng chế độ bảo hiểm giá gạo đã khiến giá thành gạo tại nước này cũng đã tăng đáng kể.

Một nguyên nhân khác khiến giá gạo Việt Nam giành lợi thế trước Thái Lan   tháng 2/2010, nhằm kéo lại sự chênh lệch ngày càng lớn giữa tỷ giá VND/USD chính thức của các ngân hàng với tỷ giá chợ đen, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh lại tỷ giá VND. Đồng thời, việc điều chỉnh này còn để khống chế lạm phát, giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại. Nhận xét về các biện pháp này, một quan chức thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất gạo Thái Lan cho rằng gạo Việt Nam sẽ ngày càng rẻ do hưởng lợi từ các chính sách tỷ giá hối đoái VND, khiến sức cạnh tranh về giá thành của gạo Việt Nam ngày càng mạnh trên thị trường thế giới. Ông dự báo chỉ trong vòng từ 3 đến 5 năm nữa, Việt Nam sẽ chính thức vượt Thái Lan để trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Trong cuộc họp tháng 1/2010, các nước trong Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) đã quyết định dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các sản phẩm trong khu vực. Do vậy, các nhà sản xuất gạo Thái Lan lại càng lo sợ gạo Việt Nam sẽ hưởng lợi từ chính sách này và ngày càng nhiều gạo giá rẻ từ Việt Nam sẽ đổ vào thị trường Thái Lan và cạnh tranh với gạo Thái Lan ngay tại nước này.

Đối với một nước xuất khẩu trên 50% lượng gạo sản xuất được như Thái Lan, việc đánh mất ảnh hưởng trước Việt Nam đã giáng một đòn mạnh vào nông dân nước này. Chủ tịch Chukiat cho rằng, vấn đề sống còn để Thái Lan vượt qua cuộc cạnh tranh này là hạ giá thành sản phẩm và triển khai các dự án mới về loạt gạo chất lượng cao mà Việt Nam chưa với tới được để khai thác hết công suất tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử