Hội nghị Mùa Xuân IMF - WB 2010 vừa đánh dấu một bước chuyển mới trong vai trò của các nước đang phát triển trên trường quốc tế, với việc WB quyết định chuyển 3,13% phiếu bầu sang các nước thành viên đang nổi, nhằm tăng "sức nặng tiếng nói" của các nước này trong việc hoạch định cơ chế điều hành và giải ngân nguồn vốn của WB. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển dịch ảnh hưởng từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển.

Theo đó, số phiếu bầu của thế giới đang phát triển sẽ tăng từ 44,06% lên 47,19% trong khi con số này của các nước phát triển sẽ giảm từ 55,94% xuống 52,81%. Trong đó, số phiếu bầu của Trung Quốc sẽ tăng từ 2,77% lên 4,42%, đưa nước này trở thành thành viên có tiếng nói quan trọng thứ 3 trong WB, sau Mỹ và Nhật Bản. Con số tương ứng của Brazil tăng từ 2,06% lên 2,24%, và của Ấn Độ tăng từ 2,77% lên 2,91%. Quyền biểu quyết của Mỹ được giữ nguyên ở mức 15,85% - cao nhất trong số 186 nước thành viên WB, tiếng nói của của Nhật Bản và các nước châu Âu bị thu hẹp mạnh.

Theo giới quan sát, đó là những cải tổ cần thiết để phản ánh đúng ảnh hưởng ngày càng tăng của các nền kinh tế đang nổi trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng thêm quyền biểu quyết cho các nước đang phát triển chưa có nghĩa là tiếng nói của họ sẽ mạnh hơn. Trên thực tế, các quốc gia phát triển vẫn chi phối các định chế tài chính quốc tế. Mỹ, châu Âu và Nhật gộp lại vẫn giữ vị thế thống trị.

Đại diện cho xu hướng lạc quan là vị chủ tịch WB - Robert Zoellick . Theo ông WB đã "tiến được những bước quan trọng trên con đường tăng cường tiếng nói và ảnh hưởng của các nước đang phát triển". Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Timothy Geithner cũng cho rằng: "Công thức mới sẽ phản ánh đúng đắn hơn trọng lượng của các quốc gia đang phát triến và đang quá độ trong nền kinh tế toàn cầu, đồng thời bảo vệ tiếng nói của các nước nhỏ và nghèo".

Vị trí mới phản ánh trọng lượng ngày càng nặng của các quốc gia đang phát triển trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, cho dù có cải cách này, các quốc gia nghèo đang vươn lên vẫn chỉ đại diện có hơn 47% vốn của WB. Vì thế mà Brazil đã công khai tỏ ý không hài lòng và muốn đòi một tỷ lệ bằng nhau 50/50. Tuy nhiên, các nước đang phát triển vẫn phải đợi một phương thức tính toán quyền biểu quyết mới dự kiến ra đời vào năm 2015.

Các tổ chức phi chính phủ cũng chỉ trích WB đã bất lực trong việc giành cho các nước nghèo nhất một trọng lượng khá hơn hiện nay vì chính họ là những quốc gia cần đến sự giúp đỡ nhiều nhất của định chế tài chính quốc tế. Bộ trưởng Tài chính Nam Phi cũng lấy làm tiếc rằng các nước phía Nam sa mạc Sahara vẫn tiếp tục chịu thiệt thòi. Tổ chức Oxfam mỉa mai: "Quả là một trò hỏa mù khi xếp Arab Saudi và Hunggary vào diện các nước đang phát triển để rồi khẳng định việc chuyển giao 3% quyền biểu quyết cho các nước nghèo sẽ cho phép họ có tiếng nói mạnh mẽ hơn".   

Nguồn: tgvn.com.vn