Theo báo cáo của ông Jose Rivera Banuet Thư ký thường trực của hệ thống kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (SELA), năm 2009 buôn bán giữa Mỹ Latinh với Mỹ đã giảm hơn 140.687 triệu USD, so với năm 2008. Nguyên nhân chủ yếu của sự suy giảm đó là do khủng hoảng kinh tế tác động tiêu cực đến trao đổi thương mại giữa hai bên.

Lĩnh vực bị ảnh hưởng trầm trọng nhất của khu vực là xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ đã giảm trung bình 24,1%. Đối với trường hợp của Venezuela, mức suy giảm thậm chí còn cao hơn nhiều (45,6%), tương đương với khoảng 22.941,8 triệu USD.
Rõ ràng những quốc gia nào có nhiều quan hệ thương mại với Mỹ thì mức suy giảm sẽ cao hơn. Mặt khác tình trạng tài chính khó khăn cũng là yếu tố làm suy giảm xuất khẩu ở mức 20,5% của Mỹ sang các nước trong khu vực này trong năm ngoái, sau khi đạt mức tăng trưởng 17,9% năm 2008, tương đương với khoảng 51,513 tỷ USD (báo cáo của CELA ngày 22/3/2010).
SELA dự báo, kinh tế Mỹ Latinh và Caribe năm nay sẽ có mức tăng trưởng trung bình từ 3-4%, điều đó sẽ có thể là nhân tố mới làm ổn định trao đổi thương mại giữa khu vực với Mỹ.
Ngoài ra, theo ý kiến của ông Banuet, kinh tế Mỹ đang trong tiến trình phục hồi, rất được các quốc gia trong khu vực quan tâm, và Nhà Trắng cũng không muốn bỏ qua cơ hội cũng cố “liên minh”
Patrick Duddy, Đại sứ Mỹ tại Venezuela, người đã tham dự hội thảo của SELA, phân tích đánh giá về quan hệ Thương mại giữa Mỹ với các nước trong khu vực sau một năm cầm quyền của Tổng thống Obama tổ chức ngày hôm qua đã khẳng định, nước Mỹ cam kết sẽ đẩy mạnh liên kết hơn nữa với khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Trong năm 2009, Mỹ đã đầu tư vào khu vực này hơn 398 tỷ USD. Đại sứ cho biết Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục cam kết sử dụng trao đổi thương mại như là một hình thức để là giảm sự mất cân đối.
Mặc dầu vậy SELA vẫn rất lo lắng về sự lãng quên trong chính sách thương mại của Mỹ đối với khu vực. Phần đông các quan chức của SELA tin rằng, Mỹ Latinh và Caribe không nằm trong chính sách ưu tiên về Thương mại của Mỹ do phía Mỹ chậm trễ trong việc đàm phán các thỏa thuận thương mại cũng như việc thông qua các Hiệp định Thương mại tự do đã ký giữa các nước trong khu vực với Mỹ.
Trong một báo cáo do SELA soạn thảo, họ đã cảnh báo: các nước trong khu vực sẽ có thể phải đối mặt với một số biện pháp hạn chế thương mại của Mỹ như sáng kiến về an toàn thực phẩm sẽ có thể dẫn tới việc áp đặt lệnh kiểm tra các lô hàng nghiêm ngặt hơn
Mặt khác, điều khoản hiện hành về thúc đẩy công nghiệp Liên bang thông qua Chương trình “Buy American”, cũng như dự luật về biến đổi khí hậu sẽ làm tăng thêm các quy chế và các điều khoản thương mại ngặt nghèo hơn đối với các nước trong khu vực
Đại sứ Duddy giải thích rằng sự tăng trưởng thương mại giữa Mỹ và Khu vực chủ yếu do kết quả của các thỏa thuận ưu đãi thuế quan đã ký kết với một số nước. Venezuela không tham gia các thỏa thuận đó. Điều Washington quan tâm nhất là các thỏa thuận thương mại tự do. Tổng thống Obama nói rằng đó là điều then chốt. Đại sứ khẳng định, thỏa thuận thương mại tự do là bộ phận cơ bản nhất trong trao đổi kinh tế.
Hiện nay Chính phủ Mỹ đang hy vọng quốc hội sẽ thông qua các Hiệp định Thương mại tự do họ đã ký với Colombia và Panama để đưa hai nước này vào hệ thống ưu đãi thương mại của Mỹ. Mặc dầu đến nay, các Hiệp định đó vẫn chưa được thông qua, nhưng trong năm 2009 xuất khẩu của Mỹ sang Colombia và Panama đã đạt lần lượt là 9,5 và 4,9 tỷ USD.
Với Venezuela Mỹ vẫn duy trì quan hệ thương mại khá tốt, Mỹ vẫn là bạn hàng số 1 của Venezuela kể cả về xuất khẩu và nhập khẩu. Thương mại giữa hai nước giảm mạnh trong năm ngoái chủ yếu là do giá dầu giảm và lượng dầu Venezuela xuất khẩu sang Mỹ cũng giảm hơn trước , Đại sứ Duddy giải thích.
Điều đó cho thấy sự khác biệt về chính trị có vẻ như không tác động nhiều đến quan hệ thương mại, Tổng thư ký SELA ngụ ý một cách khôi hài. Ông nói thêm, chính quyền của Tổng thống Obama đang tập trung vào các ưu tiên khác như việc phục hồi kinh tế trong nước và quan hệ với khu vực được đẩy xuống hàng thứ yếu.

Nguồn: Cổng Thương vụ Việt Nam