Ngày 15/3, các quan chức của 8 nước châu Á – Thái Bình Dương đã nhóm họp tại Melbourne, Australia để đưa ra một dự luật làm nền tảng nguyên tắc biến khu vực này thành khu vực tự do thương mại lớn nhất từ trước tới nay.
Khu vực tự do thương mại châu Á – Thái Bình Dương gồm có Chile, Singapore, New Zealand và Brunei. Cuộc đàm phám lần này sẽ xem xét để bổ sung thêm 4 nước nữa là Hoa Kỳ, Australia, Peru và Việt Nam vào Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi 8 quốc gia này hợp tác thì đây sẽ là thị trường của 470 triệu dân với tổng sản phẩm quốc nội lên tới 16 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên chính phủ các nước cũng như những tập đoàn kinh doanh cũng đang phải xem xét một cách thận trọng về vấn đề này.
Xét một cách lạc quan nhất thì những nỗ lực này có thể đưa tới một khu vực tự do thương mại khá toàn diện. Đây sẽ là một khu vực lớn nhất thế giới bao gồm cả những người khổng lồ như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và thậm chí có thể cả Ấn Độ.
Giám đốc điều hành hội đồng New Zealand – Hoa Kỳ Stephen Jacobi cho biết, các doanh nghiệp đều rất hy vọng vào khả năng đạt được thoả thuận này. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, sẽ có rất nhiều thách thức trong một thoả thuận có quy mô lớn như vậy.
Cuộc đàm phán lần này có một ý nghĩa rất quan trọng vì nó nhằm đạt được một thoả thuận thương mại mới trong đó trọng tâm là thúc đẩy đầu tư, thương mại, dịch vụ và thống nhất nguyên tắc giữa các quốc gia với nhau. Nhiều chuyên gia cho rằng thoả thuận lần này nếu đạt được thì có thể thay thế cho vòng đàm phán Doha của Tổ chức thương mại thế giới. Bên cạnh đó, thoả thuận này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư và phát triển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Đây cũng là một thoả thuận có ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam. Nó thể hiện quyết tâm tiếp tục đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Việt Nam cũng đã nỗ lực thể hiện tốt vai trò là một thành viên liên kết bằng việc tích cực hợp tác chuẩn bị cho quá trình khởi động đàm phán và tham gia một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm tại Vòng đàm phán này.

Nguồn: Cổng Thương vụ Việt Nam